MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng thụ động mua cổ phiếu theo lời khuyên của người khác, dưới đây là bí kíp chọn “hàng” và thời điểm mua bán “chuẩn”

Một golf thủ xuất sắc không chỉ cần có mỗi cú phát Drive xa, anh ta cũng cần những cú Sắt second hoàn hảo, kỹ thuật cứu bóng, cú slope, cú chip, và đặc biệt là cú Putt cừ khôi. Nhà đầu tư thành công cũng vậy, thành thạo trong việc sử dụng nhiều công cụ khác nhau.

Tham gia thị trường chứng khoán nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng biết cách lựa chọn cổ phiếu. Có khi chúng ta chỉ mua hay bán theo khuyến nghị của môi giới, của những lời “phím hàng” trên các diễn đàn. Nếu may mắn, hành động đó có thể giúp nhà đầu tư “trúng quả” một số lần nhưng luôn ở trạng thái bị động và sẽ thành “con gà” cho các đối tượng lợi dụng.

Tự tìm tòi một bí quyết để lựa chọn cổ phiếu và chủ động hơn trong quyết định đầu tư, đó là điều nên làm nếu chúng ta đã chọn kênh làm giàu bằng chứng khoán.

Theo kinh nghiệm của ông Đinh Ngọc Dũng – Chủ tịch HĐQT của CTCP quản lý quỹ WB Capital, khi chọn cổ phiếu hay dành 60% quyết định cho các phân tích cơ bản dựa trên tiêu chí: Chỉ nên quan tâm đến những công ty thật sự tốt, có sản phẩm độc đáo, riêng biệt hay dịch vụ cao cấp. Tìm kiếm những công ty hàng đầu trong các lĩnh vực, những công ty có lợi thế so sánh hay sức cạnh tranh thực sự.

40% còn lại dành cho việc phân tích kỹ thuật.

“Một golf thủ xuất sắc không chỉ cần có mỗi cú phát Drive xa, anh ta cũng cần những cú Sắt second hoàn hảo, kỹ thuật cứu bóng, cú slope, cú chip, và đặc biệt là cú Putt cừ khôi. Nhà đầu tư thành công cũng vậy, thành thạo trong việc sử dụng nhiều công cụ khác nhau.” – ông Dũng liên tưởng.

Theo đó, dưới đây là 16 nhân tố cơ bản giúp nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu.

Nhân tố 1: EPS 4 quý gần nhất có đạt ít nhất 2.500 đồng không? Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận quý gần đây có tăng không? Trong 6 hay 12 quý gần nhất, công ty có đạt mức tăng lợi nhuận trên 50%, 100%, thậm chí 200% hoặc hơn? Tổng thu nhập quý tới dự kiến có cao hơn tổng thu nhập hiện tại? Thu nhập các qu{ trước có tốt hơn so với kế hoạch?

Nhân tố 2: Thu nhập trong 3 năm gần nhất có tăng bình quân hơn 25% mỗi năm?

Nhân tố 3: Doanh số tăng trưởng mạnh trong 6 hay 12 quý gần nhất không?

Nhân tố 4: Lợi nhuận sau thuế những quý gần đây có đạt hoặc chạm đỉnh không? Xu thế cải thiện lợi nhuận diễn ra trong bao nhiêu quý? Đó đã phải là tỷ lệ tốt nhất trong ngành?

Nhân tố 5: Lợi nhuận biên hàng năng có đạt bằng hoặc lớn hơn 20% không?

Nhân tố 6: Tỷ suất ROE có đạt từ 20 đến 50% không? Nó có phải là tốt nhất trong lĩnh vực đó chưa?

Nhân tố 7: Tổng hợp các yếu tố doanh tố + lợi nhuận + ROE cho thấy công ty thuộc nhóm hàng đầu hay nhóm theo đuôi?

Nhân tố 8: Ban lãnh đạo công ty có sở hữu cổ phiếu không? Mức độ sở hữu có hợp lý?

Nhân tố 9: Cổ phiếu có phạm vi giá tốt không? Mức giá tối thiểu cần đạt là 20.000 VNĐ/cp. Giá là sự phản ánh cơ bản của chất lượng cổ phiếu, chất lượng không đi kèm với giá rẻ.

Nhân tố 10: Cổ phiếu có nằm trong những ngành đang phát triển? Nó có thuộc trong 5 nhóm ngành tốt nhất bây giờ không?

Nhân tố 11: Mức vốn hóa của công ty là lớn hay nhỏ? Xu hướng thị trường đang đặt trọng tâm vào Bluechips hay Penny?

Nhân tố 12: Thời gian hoạt động của doanh nghiệp? Thời gian IPO? Lịch sử cho thấy điều gì? Phát triển ổn định hay vượt trội?

Nhân tố 13: Sản phẩm của công ty có khả năng tiết kiệm chi phí, thời gian hay ứng dụng công nghệ mới? Sản phẩm có được thị trường ưa chuộng, có thiết yếu, có chỗ đứng trên thị trường?

Nhân tố 14: Vấn đề phải thu, phải trả của công ty có đáng lo ngại? Nhà máy hiện sử dụng bao nhiêu % công suất? Kế hoạch mở rộng sản xuất của công ty thế nào?

Nhân tố 15: Có những nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc quỹ đầu tư uy tín nào tìm mua và sở hữu cổ phiếu không? Đây là sự kiểm tra gián tiếp và cơ bản về chính cổ phiếu này.

Nhân tố 16: Bạn đã hiểu thật sự và tin tưởng vào công việc kinh doanh của công ty? Bạn đã từng sử dụng hay biết đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp?

Sau khi mua vào, hãy xác định phạm vi giá mà bạn sẽ mua thêm nếu nó tiếp tục phát triển tốt, nên mua thêm khi cổ phiếu tăng từ 2,5-3,0% so với giá mua ban đầu. Giá tăng sau khi bạn mua vào cho thấy bạn đã ĐÚNG, hãy đặc cược thêm cho sự lựa chọn của mình.

Nếu cổ phiếu rớt -8% so với giá ban đầu bạn mua, bạn đã SAI ít nhất là về mặt thời điểm, hãy bán đi ở mức giá trị trường hiện tại và phòng tránh nguy cơ thiệt hại lớn hơn. Bạn cần nhìn thấy KLGD tăng ở mức 50% hoặc hơn trước khi cổ phiếu phá vỡ những mức giá cũ và lên một tầm cao mới.

Nắm giữ và cố gắng mua thêm những cổ phiếu hoạt động TỐT và bán đi những cổ phiếu KÉM hiệu quả. Kiểm tra đồ thị dài hạn hàng tháng để xem cố phiếu có hình thành các mô hình cơ bản dài hạn trong khoảng thời gian vài năm hay không? Hãy quan tâm nhiều hơn đến các đợt sóng lớn tránh bị giao động bởi những rung động hàng ngày.

Hà Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên