Dùng tiền “chạy chọt” nhưng không được việc có bị tội đưa hối lộ?
Mất một khoản tiền để "chạy chọt" nhưng không mang lại kết quả, người mất tiền có thể bị xem xét trách nhiệm đưa hối lộ
- 19-01-2017Đề nghị truy tố 7 Thanh tra giao thông ở Cần Thơ vì nhận hối lộ
- 18-01-2017Diễn biến mới vụ Thanh tra giao thông nhận hối lộ tiền tỉ
- 03-12-2016"Chúc Tết cấp trên là sự biến tướng của thói nịnh, biểu hiện của việc đút lót, hối lộ"
- 27-10-2016Các nước dùng tiền hối lộ bồi thường oan sai
Báo chí gần đây đăng thông tin vợ một trung tá công an ở TPHCM bị mất 500 triệu đồng để “lo” cho chồng khỏi bị kỷ luật do bị tố có con với người khác. Tuy nhiên, vị trung tá công an đã phải chịu kỷ luật, còn bà vợ thì không đòi được 500 triệu đồng nên đã đi tố cáo người nhận tiền.
Người nhận tiền sau đó đã bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, song bà vợ trung tá công an cũng bị truy cứu về hành vi đưa hối lộ. Vụ việc đã kéo dài nhiều năm, TAND TPHCM đã nhiều lần trả hồ sơ đề nghị xem xét lại quy trình tố tụng trong việc khởi tố bà vợ trung tá công an.
Từ vụ việc trên, câu hỏi được đặt ra là hành vi như thế nào thì bị coi là đưa hối lộ và nhận hối lộ. Trường hợp việc dùng tiền để lo lót, chạy chọt nhưng không có kết quả, người nhận tiền bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì người đưa tiền có bị coi là đưa hối lộ không? Trường hợp không xác định được người nhận hối lộ (người có thẩm quyền, khả năng giải quyết vụ việc - PV), thì người đưa tiền có bị xem xét trách nhiệm?
Theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội), hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ đã được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự 1999 tại Điều 289 - Tội đưa hối lộ và Điều 279 - Tội nhận hối lộ.
Có thể nói, hối lộ là tội gây khá nhiều tranh luận trong dư luận xã hội cũng như trên các phương tiện truyền thông khi đưa tin về tội danh này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, nếu người nhận tiền, cầm tiền (chủ thể) không phải là người có chức vụ quyền hạn thì không thể coi họ phạm tội nhận hối lộ. Quan điểm này dựa trên cơ sở 4 yếu tố cấu thành tội phạm: chủ thể (con người), khách thể (quan hệ xã hội được Nhà nước bảo vệ bằng luật), chủ quan (ý chí con người), khách quan (hành vi phạm tội của tội phạm), nếu thỏa mãn đầy đủ cả 4 yếu tố mới cấu thành tội (lý thuyết luật hình sự được nghiên cứu trong các trường đại học).
Quan điểm thứ hai cho rằng đây là loại tội phạm có cấu thành hình thức, tức là chỉ cần có hành vi khách quan là đủ không cần có thêm bất cứ yếu tố nào khác, không cần yếu tố khách thể có bị xâm hại hay không, còn đương nhiên yếu tố chủ thể và yếu tố chủ quan phải được thoả mãn.
Đối chiếu theo quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự có quy định: “Người nào đưa hối lộ mà...”, như vậy rõ ràng yếu tố cấu thành tội đưa hối lộ ở đây đã rõ. Luật quy định chỉ cần có hành vi đưa, chứ không nêu đưa cho ai, có chức vụ hay không, chức vụ như thế nào, luật cũng không quy định có đưa đúng người hay không. Và cũng với lý do này mới có khái niệm “cấu thành hình thức”, tức là chỉ cần có hành vi là đủ yếu tố cấu thành tội đưa hối lộ. Đây cũng là quan điểm được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng, xem xét khi tiến hành điều tra, truy tố và xét xử.
Quay trở lại vụ việc được báo chí nêu, có thể thấy việc bà vợ một trung tá công an ở TPHCM đưa tiền nhờ người giúp chồng khỏi bị kỷ luật và cho ra khỏi ngành là đã có dấu hiệu tội phạm quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự, không may bà vợ đã bị người cầm tiền lừa đảo số tiền đó. Vì vậy, việc khởi tố người cầm tiền và người đưa tiền nói trên ít nhiều đều có cơ sở. Tuy nhiên, sau này các bị can, bị cáo đều thay đổi lời khai về mục đích của việc đưa tiền (nhằm thực hiện hợp đồng san lấp mặt bằng dự án khu dân cư - PV). Đây là lời khai mới khác hẳn với mục đích ban đầu. Lẽ tất nhiên việc thay đổi này có vẻ khiên cưỡng, tiền hậu bất nhất, nhưng trong trường hợp này vẫn cần có sự đánh giá thống nhất lời khai giữa bị can, bị cáo, người bị hại và người làm chứng thì mới thể hiện được tính logic và thống nhất của tội danh, việc xem xét trách nhiệm hình sự mới được coi là có căn cứ pháp luật.
Trong trường hợp làm rõ và xác minh các chứng cứ có liên quan về lời khai mới, làm rõ tính khách quan chân thực cũng như các chứng cứ mới đi kèm đánh giá pháp lý, đánh giá một cách tổng hợp nếu các lời khai mới, chứng cứ mới có căn cứ để có thể chấp nhận được, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể đình chỉ vụ án.
Lẽ tất nhiên, để kết luận việc các bị can có bị tiếp tục khởi tố, truy tố và xét xử hay không còn tuỳ thuộc vào việc điều tra lại và việc đánh giá chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Điều 289: Tội đưa hối lộ
1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.
6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Điều 279: Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
VOV