MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dùng tiền mặt khiến bạn cảm nhận được “nỗi đau” khi tiêu tiền

11-11-2022 - 11:34 AM | Lifestyle

Cách lập ngân sách này giúp mọi người giành lại quyền kiểm soát chi tiêu.

Phương pháp lập ngân sách “nhồi nhét tiền”

Khoảng đầu năm 2021, khi Jasmine Taylor bước sang tuổi 30, tình hình tài chính cá nhân của cô rất rối ren. “Tôi tự nhủ, đây là năm cuối cùng tôi sống như thế này”, Jasmine Taylor chia sẻ. Cô đã nỗ lực tìm kiếm phương pháp giúp bản thân kỷ luật chi tiêu. Sau đó, đưa ra một chiến lược lập ngân sách được gọi là “cash-stuffing” - nhồi nhét tiền, hiểu đơn giản là theo dõi và tiết kiệm bằng cách phân bổ tiền vào nhiều phong bì khác nhau.

Cô chia các khoản chi tiêu của mình bằng tiền mặt vào những phong bì nhựa trong có gắn 1 tờ giấy màu đề tên để dễ phân biệt. Nếu phong bì cho cửa hàng tạp hóa trống rỗng trước khi kết thúc tháng, Jasmine Taylor sẽ cố gắng để tận dụng số thức ăn còn lại trong tủ lạnh. Cứ như vậy, cô học cách xoay sở với số tiền đã lên kế hoạch từ trước. Vào đầu mỗi tháng, cô gửi tiền mặt vào ngân hàng để trang trải các hóa đơn định kỳ của tháng đó. Jasmine Taylor sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu trực tuyến, sau đó mỗi tháng sẽ nộp tiền mặt vào để trả khoản tiền đã “mượn” trước đó.

Cách lập ngân sách này không chỉ giúp cô kỷ luật chi tiêu; mà còn mang lại cho Jasmine Taylor một công việc mới với tư cách là một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Cô có hơn 600.000 người theo dõi trên TikTok, hơn 160.000 trên Facebook, 118.000 trên Instagram và hơn 90.000 trên YouTube. Cô thường xuyên đăng video chuẩn bị ngân sách hàng tháng, bỏ tiền vào phong bì, theo dõi chúng. Nhờ “cash-stuffing”, cô chia sẻ rằng: “Tôi đang kiểm soát chi tiêu và có tài chính tốt hơn”.

Dùng tiền mặt khiến bạn cảm nhận được “nỗi đau” khi tiêu tiền - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Pexels

Dùng tiền mặt có thể gây ra “nỗi đau”

Năm ngoái, theo cuộc khảo sát hàng năm của Cục Dự trữ Liên bang, tiền mặt chỉ được sử dụng cho 20% các khoản thanh toán, giảm từ 31% năm 2017. Một cuộc khảo sát trực tuyến của Credello với 600 người Mỹ trưởng thành từ 18-41 tuổi cho ra kết quả là: 61% trong số đó chia sẻ rằng thường sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt. Hiện nay, tiền mặt dường như biến mất trong cuộc sống của nhiều người trẻ.

Taylor - một người điều hành trang web kiến thức tài chính nói: “Khi sử dụng tiền mặt, bạn nhận ra rằng mọi thứ đã tăng giá như thế nào. Phải đưa cho ai đó 20 đô la sẽ có cảm giác hoàn toàn khác với 100 đô la. Mỗi người đều có kiểu gắn bó vật chất với tiền của bản thân”.

Rachel Cruze, người dẫn chương trình radio chuyên về tài chính cá nhân đồng ý với Taylor: Một số chuyên gia đã thực hiện nghiên cứu bằng MRI (chụp cộng hưởng từ) và ghi nhận cơn đau trong não khi bạn thanh toán bằng tiền mặt. Khi sử dụng thẻ, bạn có cảm giác như đang sử dụng tiền của người khác, vì vậy bạn chi tiêu nhiều hơn từ 12 đến 18%.

Dùng tiền mặt khiến bạn cảm nhận được “nỗi đau” khi tiêu tiền - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - Pexels


Bên cạnh đó, Teresa Ghilarducci, một nhà kinh tế học tại New School ở New York nhấn mạnh rằng mọi người dễ hối tiếc và họ biết điều đó. Họ cần những thể chế tự ràng buộc để thúc đẩy bản thân trì hoãn tiêu dùng - “nhồi nhét tiền” là một trong những thể chế tự ràng buộc đó; “hũ mứt” cũng vậy”.

Hũ mứt mà Ghilarducci đề cập đến là tiền thân của phương pháp tích trữ tiền mặt - một phương pháp tiết kiệm tương tự mà những người đi trước đã sử dụng. Tất nhiên, tiền mặt là một phương tiện thanh toán phổ biến hơn trong quá khứ. Thậm chí năm ngoái, nghiên cứu của Fed cho thấy, những người trên 65 tuổi có xu hướng sử dụng tiền mặt cao hơn khoảng 1/3 so với những người từ 18 đến 24 tuổi.

Tuy nhiên việc tích trữ tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến hơn nhiều ở những người trẻ tuổi. Một là nó phổ biến trên TikTok và các nền tảng khác được giới trẻ thường xuyên sử dụng tới. Thứ hai, nó được thúc đẩy bởi những người trẻ tuổi có thu nhập trung bình thấp hơn, có mong muốn kiểm soát chi tiêu của bản thân nhiều hơn.

Dùng tiền mặt khiến bạn cảm nhận được “nỗi đau” khi tiêu tiền - Ảnh 3.

Ảnh minh họa - Pexels


Theo lý thuyết kinh tế tiêu chuẩn, bạn nên vay nhiều khi còn trẻ và có thu nhập thấp, sau đó trả lại khi thu nhập cao hơn. Nhưng Ghilarducci cho biết bạn không thể chắc chắn rằng thu nhập của mình sẽ tăng đủ hay bạn sẽ đủ kỷ luật để chiến lược thật sự hoạt động tốt, vì vậy tiết kiệm khi còn trẻ là điều nên làm. Câu chuyện rủi ro rằng “tiết kiệm quá nhiều và không tận hưởng cuộc sống” ít nghiêm trọng hơn rất nhiều so với “không tích lũy đủ cho tuổi già”.

Tất nhiên, mỗi người sẽ có những phương pháp lập ngân sách phù hợp khác nhau. Nếu bạn đang quản lý tài chính tốt kể cả không cần dùng tiền mặt, vậy không có lý do gì để bận tâm. Tuy nhiên, nếu đang gặp rắc rối trong tài chính cá nhân, bạn có thể thử những phương pháp mới, để giành quyền kiểm soát về mình.

Theo The New York Times

Theo Tô Diệp

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên