Đứng trước nỗi lo nguồn cung, giá gạo ở châu Á tăng cao nhất 15 năm
Giá gạo đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008 ở châu Á sau khi mối lo ngại về nguồn cung toàn cầu gia tăng vì hạn hán ở Thái Lan và lệnh cấm xuất khẩu ở Ấn Độ.
- 09-08-2023Lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động tới an ninh lương thực toàn cầu
- 08-08-2023Thái Lan sẽ không hạn chế xuất khẩu gạo
- 07-08-2023Sau gạo, một mặt hàng nông sản khác rất có thể rơi vào vòng xoáy bão giá do ảnh hưởng từ lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ
Hãng Bloomberd đưa tin, theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan ngày 9/8, gạo trắng Thái Lan 5% tấm - thước đo tiêu chuẩn của châu Á - đã tăng lên 648 USD/tấn, đắt nhất kể từ tháng 10/2008. Con số trên tương đương với mức tăng gần 50% trong năm qua.
Gạo là loại lương thực quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của hàng tỷ người dân ở châu Á và châu Phi. Việc tăng giá có thể gây thêm áp lực lạm phát cũng như nâng cao chi phí nhập khẩu.
Mối đe dọa mới nhất đối với nguồn cung gạo toàn cầu bắt nguồn từ Thái Lan - nhà xuất khẩu lớn thứ hai của thế giới. Các nhà chức trách địa phương đang khuyến khích người nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng cần ít nước hơn, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này chuẩn bị đối mặt với thời tiết khô hạn hơn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Lượng mưa tích lũy ở khu vực trồng trọt chính của miền Trung Thái Lan hiện thấp hơn 40% so với bình thường và động thái hạn chế trồng trọt là nhằm mục tiêu tiết kiệm nước cho các hộ gia đình. Chính phủ Thái Lan trước đó đã yêu cầu nông dân chỉ thu hoạch một vụ trong năm nay.
Tháng trước, Ấn Độ đã mở rộng lệnh cấm xuất khẩu gạo để bảo vệ nguồn cung trong nước, thúc đẩy tình trạng “mua hàng hoảng loạn” ở một số quốc gia. Các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo trên đã làm trầm trọng thêm nỗi lo lắng về thiếu hụt nguồn cung trước tình hình nhu cầu tiêu thụ trên thế giới ngày càng tăng.
Giá gạo tăng sẽ làm trầm trọng thêm áp lực trên thị trường lương thực toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt cùng với việc nguồn cung ngũ cốc từ khu vực Biển Đen giảm do tình hình xung đột.
Báo Tin Tức