Dùng xe buýt giảm áp lực cho Tân Sơn Nhất
Trong dịp cao điểm đi lại Tết nguyên đán 2019 có tổng cộng 4 tuyến xe buýt phục vụ hành khách ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần đáng kể trong việc giảm tải cũng như giảm áp lực giao thông khu vực trong và quanh sân bay.
- 19-01-2019Cận cảnh cầu vượt ‘giải cứu’ kẹt xe ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất
- 18-01-2019"Chôn chân" ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất
- 10-01-2019Đề xuất hơn 11.000 tỷ đồng làm nhà ga mới sân bay Tân Sơn Nhất
Ở sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), ngoài 2 tuyến xe buýt không trợ giá, gồm số 109 (lộ trình: Công viên 23 Tháng 9 - sân bay TSN), số 119 (lộ trình: sân bay TSN - Bến xe Miền Tây) và tuyến xe có trợ giá số 152 (lộ trình: khu dân cư Trung Sơn - Bến Thành - sân bay TSN) đang hoạt động, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM ngày 22-1 cho biết tuyến xe buýt từ sân bay TSN - Bến xe Vũng Tàu sẽ được khai trương vào ngày 25-1 (20 tháng chạp). Như vậy, trong dịp cao điểm đi lại Tết nguyên đán năm nay có tổng cộng 4 tuyến xe buýt phục vụ hành khách ra vào sân bay TSN.
Tuyến xe nhiều kỳ vọng
Theo Sở GTVT TP, tuyến xe buýt sân bay TSN - Bến xe Vũng Tàu có cự ly toàn tuyến 105 km và là tuyến xe buýt không trợ giá. Theo kế hoạch, tuyến xe này hoạt động từ 0 giờ tới 23 giờ 30 phút mỗi ngày. Hành trình của mỗi chuyến xe được tính toán là 150 phút với thời gian giãn cách lúc cao điểm là 20 phút, thấp điểm 60 phút. Giá vé của tuyến xe dự kiến 160.000 đồng/người/lượt nếu đi toàn tuyến và 80.000 đồng/người/lượt khi hành khách đi nửa đường (trên hành trình của tuyến chỉ tổ chức 1 điểm dừng tại đoạn giữa tuyến, thuộc khu vực giáp ranh tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở GTVT TP HCM, khẳng định việc đưa vào khai thác tuyến xe buýt trên nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn giữa 2 đầu là sân bay TSN và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhất là lộ trình tuyến đến địa điểm du lịch nên nhu cầu càng cao. Bên cạnh đó, tuyến xe này đưa vào thí điểm cũng nhằm thực hiện theo đề án phát triển vận tải hành khách công cộng của Thủ tướng Chính phủ cũng như đề án của Bộ GTVT về việc triển khai các tuyến xe liên tỉnh có cự ly gần chuyển thành xe buýt nhằm phục vụ vận tải hành khách công cộng. "Tuyến xe này là mô hình thí điểm tại sân bay và các đơn vị xây dựng biểu đồ giờ xe chạy sát với biểu đồ giờ các chuyến bay đến và đi. Đồng thời, xe có lộ trình qua đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây nên thời gian cũng được rút ngắn đáng kể" - ông Trung nói.
Trước đó, trong việc triển khai tuyến xe, UBND TP HCM đã giao Công an TP, Thanh tra Sở GTVT phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra, giám sát nhằm hỗ trợ tuyến hoạt động an toàn. Đồng thời, các đơn vị cũng được giao phối hợp xử lý nghiêm tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình tại khu vực sân bay TSN, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông tại khu vực sân bay này.
Hồi tháng 5-2018, khu vực sân bay TSN từng bị phản ánh như một "bến cóc khủng" bởi tình trạng chèo kéo bắt khách cùng dạng xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định diễn ra phức tạp. Theo đó, để giải quyết tình trạng trên, Sở GTVT đưa ra phương án là cần mở các tuyến xe buýt liên tỉnh không trợ giá hoặc tuyến cố định, hoạt động từ sân bay đến một số địa phương lân cận và ngược lại để hạn chế xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định.
Tiện lợi và giảm tải
Các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông nhận định việc đưa vào khai thác tuyến xe buýt trên, trước mắt chắc chắn sẽ góp phần giảm tải cho khu vực sân bay TSN khi lượng khách tăng cao. Việc này có thể thấy thông qua hoạt động của 3 tuyến xe buýt đang khai thác tại đây, khi không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đón xe mà còn giúp giảm tải áp lực giao thông cho khu vực quanh sân bay vốn luôn quá tải taxi ra vào. "Nhờ có xe buýt tại sân bay mà tôi không bị chờ lâu, kẹt lại bởi lượng khách quá đông, taxi không dễ đón" - ông Bùi Thảo, người thường đi lại tại sân bay TSN, chia sẻ.
Thực tế những năm gần đây cho thấy lượng người từ những địa phương (trong đó khá đông là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) tới sân bay đưa đón Việt kiều về nước dịp Tết rất lớn khiến giao thông tại khu vực này luôn căng thẳng. Vì vậy, việc đưa vào khai thác tuyến xe kết nối giữa sân bay với địa điểm du lịch lớn là Vũng Tàu, lộ trình chạy qua tỉnh Đồng Nai, được xem là sẽ góp phần giải quyết tình trạng trên.
Theo ông Trần Chí Trung, sau khi đưa vào hoạt động thí điểm, tuyến xe này sẽ tiếp tục được các đơn vị đánh giá để điều chỉnh phù hợp, làm cơ sở để triển khai những tuyến tương tự đến các tỉnh lân cận TP HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Với giá vé dự kiến áp dụng, ông Trung đánh giá phù hợp với mặt bằng chung, đồng thời các phương tiện trên tuyến cũng được đầu tư theo tiêu chuẩn chất lượng cao nhưng Sở GTVT sẽ tiếp tục đánh giá dựa trên tình hình thực tế để điều chỉnh cho phù hợp.
Lộ trình tuyến buýt sân bay Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu
Lượt đi: Sân bay TSN - đường Trường Sơn - Trần Quốc Hoàn - Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Duẩn - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - cầu Sài Gòn - xa lộ Hà Nội - Mai Chí Thọ - đường cao tốc (TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) - Quốc lộ 51 - đường Võ Nguyên Giáp - đường 30 Tháng 4 - Nguyễn An Ninh - đường 2 Tháng 9 - Lê Hồng Phong - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Bến xe Vũng Tàu.
Lượt về: Bến xe Vũng Tàu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Hồng Phong - đường 2 Tháng 9 - Nguyễn An Ninh - đường 30 Tháng 4 - Võ Nguyên Giáp - Quốc lộ 51 - đường cao tốc (TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn - Pasteur - Võ Thị Sáu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Phan Đình Giót - Trường Sơn - sân bay TSN.
Người lao động