Đừng xem thường hướng dẫn viên du lịch, bắt họ làm chui
Chính sinh viên, sau khi ra trường, với tư cách là nhân lực du lịch trình độ cao theo khung trình độ quốc gia, đã đóng góp rất tích cực cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua nên không thể bị xem thường mà cần được tôn trọng và khẳng định. Đây thực sự là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đông đảo hướng dẫn viên đang hành nghề vì khi đổi thẻ không được, họ phải làm chui.
- 06-04-2018Tổng cục nói về vụ cấp thẻ hướng dẫn viên lạ lùng
- 29-03-2018Lạ lùng chuyện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch
- 21-03-2018Hướng dẫn viên nước ngoài tung chiêu lách luật
TS Mai Hà Phương, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Văn hóa TP.HCM - nơi đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) nhiều nhất, cho biết đã đọc kỹ bài "Tổng cục Du lịch nói về vụ cấp thẻ HDV lạ lùng" đã đăng trên Pháp Luật TP.HCM ngày 6-4 và có ý kiến như sau:
Bằng tốt nghiệp học đúng chuyên ngành cũng không được cấp thẻ
Trong Công văn 120 của Tổng cục Du lịch (TCDL) hướng dẫn chỉ thẩm định văn bằng, chứng chỉ, không thẩm định bảng điểm của người nộp hồ sơ để xét cấp thẻ HDV là không đúng theo tinh thần của Luật Du lịch 2017.
Cụ thể, tại mục d khoản 1 và mục b khoản 2 Điều 59 đã ghi rõ: “Tốt nghiệp trung cấp/cao đẳng trở lên chuyên ngành hướng dẫn du lịch;….”. Như vậy, luật cho phép xem xét điều kiện chuyên môn dựa vào chuyên ngành chứ không phải dựa vào ngành. Điều này có nghĩa là không phải căn cứ vào bằng tốt nghiệp vì trên đó chỉ ghi tên ngành đào tạo.
Nói cách khác, Công văn 120 không chuẩn về mặt văn bản. Với logic này thì không chỉ có những người học đúng chuyên ngành hướng dẫn du lịch (HDDL) thuộc ngành Việt Nam học mà ngay cả những người đang, sẽ học chuyên ngành HDDL được các trường đại học xây dựng thuộc các ngành du lịch có mã ngành 7810101 và quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành - mã ngành 7810103 cũng không đủ điều kiện chuyên môn để xét cấp thẻ. Vì trên bằng chỉ ghi tên ngành đào tạo. Điều này là hết sức vô lý.
“Tôi cho rằng quy định của luật rất chặt chẽ và chuẩn xác về từ ngữ, đồng thời đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ HDV. Luật Du lịch mới đã quy định chặt chẽ hơn về điều kiện chuyên môn để xét cấp thẻ HDVDL.
Theo tinh thần này không thể công nhận đủ điều kiện xét cấp thẻ HDV DL cho những trường hợp không được đào tạo đúng chuyên ngành HDDL dù họ có được học môn nghiệp vụ HDDL như trước đây nữa” - TS Phương cho hay.
Liên quan đến việc TCDL giải thích: Theo quy định về mẫu bằng đại học tại Thông tư 19/2011/TT-BGDĐT và quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng tại Thông tư 10/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH. Trên bằng đã ghi ngành đào tạo rõ ràng, thuận lợi xác định đã đủ điều kiện về nghiệp vụ cấp thẻ hay phải có chứng chỉ.
Theo TS Phương, TCDL viện dẫn rất nhiều và chi tiết các văn bản liên quan của Bộ GD&ĐT và của Bộ LĐ-TB&XH xong không cho thấy logic của hướng dẫn trong Công văn 120 là đúng. Vì tất cả văn bản của hai Bộ đều giống nhau ở chỗ chỉ ghi tên ngành đào tạo trên bằng tốt nghiệp.
Theo các quy định này, ở trình độ cao đẳng và trung cấp theo Bộ LĐ-TB&XH thì tên ngành HDDL được ghi trên bằng - cũng không phải là chuyên ngành. Còn ở trình độ đại học theo Bộ GD&ĐT, không có ngành HDDL nhưng các trường đại học có thẩm quyền xây dựng và ban hành, thực hiện các chương trình đào tạo chuyên ngành-Bộ GD&ĐT chỉ quản lý tới mã ngành cấp IV.
Do vậy, TCDL cho rằng trên bằng đã ghi ngành đào tạo rõ ràng, thuận lợi xác định đã đủ điều kiện về nghiệp vụ cấp thẻ hay phải có chứng chỉ là không đúng theo Luật Du lịch 2017.
"Vì theo Luật Du lịch là xét theo chuyên ngành HDDL chứ không phải theo ngành HDDL. Không thể lẫn lộn giữa khái niệm ngành và chuyên ngành được" - ông Phương nhấn mạnh.
Một hướng dẫn viên thắc mắc về điều kiện hành nghề theo Luật Du lịch mới tại Sở Du lịch TP.HCM.
Ngành HDDL phải “sống chui” trong Việt Nam học
TCDL cho rằng ngành đào tạo HDDL và Việt Nam học đã có cách đây chín năm, thuộc hai lĩnh vực đào tạo khác nhau… Nếu trường cao đẳng, đại học có đào tạo ngành Việt Nam học có học môn HDDL cũng không đáp ứng đủ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của nghề HDDL theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Nên phải có chứng chỉ nghiệp vụ HDDL nội địa, quốc tế…
Tuy nhiên, TS Phương cho rằng với quan điểm ngành HDDL và Việt Nam học đã có cách đây chín năm, thuộc hai lĩnh vực đào tạo khác nhau là so sánh khập khiễng khi TCDL căn cứ vào hai danh mục ngành của hai Bộ.
Cụ thể, ngành HDDL thuộc danh mục của Bộ LĐ-TB&XH cho bậc trung cấp và cao đẳng, còn của Bộ GD&ĐT thì bậc đại học mãi tới tháng 10-2017 ngành du lịch mới chính thức có mã ngành.
Vì thế, đào tạo chuyên ngành HDDL trình độ đại học vẫn phải "chui" trong mã ngành Việt Nam học (từ năm 2014 có ba mã ngành về quản trị du lịch ở bậc đại học thuộc nhóm ngành kinh doanh nên chuyên ngành HDDL không thể để trong ba ngành này được).
Mặt khác cho thấy TCDL chưa xem xét đầy đủ tính đặc thù trong đào tạo nhân lực du lịch suốt mấy chục năm qua. Tất cả những ai đã trực tiếp tham gia hoạt động đào tạo nhân lực du lịch đã kiên trì đề nghị phải có mã ngành chính thức cho đào tạo ngành du lịch trình độ đại học.
Vì thế, rất nhiều trường có đào tạo nguồn nhân lực du lịch phải xây dựng các chuyên ngành nằm trong một số ngành như Việt Nam học, Văn hóa du lịch, quản trị kinh doanh,... Đây là hướng mở mà Bộ GD& ĐT cho phép, thể hiện trong hướng dẫn xây dựng chương trình khung giáo dục đại học ngành Việt Nam học theo Quyết định 01/2005/QĐ-BGD&ĐT .
Do đó, tuy học về du lịch nhưng khi tốt nghiệp, sinh viên phải nhận bằng tốt nghiệp phải ghi theo ngành đào tạo khác chứ không phải là du lịch. Chính sinh viên, sau khi ra trường, với tư cách là nhân lực du lịch trình độ cao theo khung trình độ quốc gia, đã đóng góp rất tích cực cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua nên không thể bị xem thường mà cần được tôn trọng và khẳng định.
Mặt khác, TS Phương chỉ ra trong chương trình chuyên ngành này ở nhiều trường không chỉ có một học phần Nghiệp vụ HDDL mà còn có hàng chục học phần về lĩnh vực du lịch, nội dung bao hàm đầy đủ và thậm chí với số tín chỉ nhiều hơn so với chương trình đào tạo ngành HDDL ở trình độ trung cấp, cao đẳng theo danh mục ngành đào tạo của Bộ LĐ-TB&XH…
“Tôi nhất trí khi TCDL khẳng định nếu trường cao đẳng, đại học đào tạo ngành Việt Nam học có học môn HDDL cũng không đáp ứng đủ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của nghề HDDL theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Điều này đúng với các chương trình đào tạo Việt Nam học ở cấp độ ngành chứ không phải các chuyên ngành cụ thể, trong đó có chuyên ngành HDDL" - TS Phương nói.
Cần hướng dẫn đúng theo tinh thần luật mới
Đây là vấn đề đang rất bức xúc trong dư luận, nhất là đang trong thời điểm nhạy cảm về đăng ký nguyện vọng của thí sinh vào các trường có đào tạo về du lịch.
Đề nghị TCDL sớm có trả lời và hướng dẫn chính thức cho các Sở VH-TT&DL, Sở Du lịch thực hiện đúng yêu cầu về điều kiện chuyên môn để xét cấp thẻ HDVDL theo đúng tinh thần của Luật Du lịch mới.
Kiến nghị TCDL cần có hướng dẫn cụ thể, chính xác theo đúng tinh thần của Luật Du lịch năm 2017 khi xét điều kiện chuyên môn trong hồ sơ đề nghị cấp thẻ HDVDL nội địa và quốc tế.
Việc yêu cầu người nộp hồ sơ phải có minh chứng đã học đúng chuyên ngành HDDL là do các Sở VH-TT&DL hoặc các Sở Du lịch ở các địa phương quy định.
Xác định đủ điều kiện về chuyên môn đối với những người tốt nghiệp ngành Việt Nam học, chuyên ngành HDDL cho các khóa học đã được tuyển sinh đào tạo đến trước ngày 31-12-2017 (Luật Du lịch có hiệu lực từ ngày 1-1-2018).
Vì từ đó, các cơ sở đào tạo chỉ được xây dựng các chương trình đào tạo chuyên ngành trong các ngành du lịch mã 7810101 và quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành mã 7810103.
"Nếu cơ quan chức năng áp dụng máy móc không chỉ sinh viên vừa ra trường, sắp ra trường mà tất cả sinh viên đã tốt nghiệp chuyên ngành HDDL thuộc ngành Việt Nam học đã được cấp thẻ. Nay phải đổi thẻ đều không đủ điều kiện cấp thẻ… Đây thực sự là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đông đảo HDV đang hành nghề vì khi đổi thẻ không được, họ phải làm chui…" - TS Phương chia sẻ.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh