MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Được chủ động tăng giá sữa, doanh nghiệp vẫn kêu khó

06-08-2017 - 06:57 AM | Thị trường

DN kinh doanh sữa sẽ được chủ động tăng giá sữa dưới 5% mà không phải xin phép, chỉ cần gửi báo cáo tới cơ quan chức năng đó là thông tin “nóng” nhất mà Thông tư 08/2017/TT-BCT đề cập.

Người tiêu dùng được hưởng lợi khi quy định kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi chính thức có hiệu lực. Mặc dù vậy, phía DN vẫn băn khoăn kêu khó vì các thủ tục bắt buộc khi phải báo cáo chi tiết hệ thống đại lý của mình.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Ngày 2.8, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị bàn về phương pháp áp dụng Thông tư 08/2017/TT-BCT hướng dẫn thực hiện quy định về đăng ký giá kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ dưới 6 tuổi.

Tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - ông Nguyễn Lộc An - cho biết: “So với các quy định trước đây, Thông tư 08 có nhiều sự đổi mới. Cụ thể là, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ giám sát để đảm bảo việc tự định giá tôn trọng quy định.

Đặc biệt, tập trung vào việc quản lý giá bán lẻ, cho phép doanh nghiệp kê khai mức giá phù hợp với địa bàn phân phối, theo khu vực địa lý hoặc theo đặc thù hoạt động phân phối đặc biệt như đối với các loại hình phân phối có chi phí bán hàng cao thì thương nhân bán lẻ có thể kê khai giá bán lẻ của mình với các cơ quan chức năng theo phân cấp nhưng phải giải trình đầy đủ, cụ thể chi phí phát sinh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải khai báo về hệ thống phân phối sản phẩm để giúp các cơ quan nhà nước giám sát. Trong phạm vi điều chỉnh biên độ nhỏ (dưới 5%), doanh nghiệp được quyền chủ động thay đổi giá, chỉ cần gửi thông báo điều chỉnh giá để cơ quan nhà nước có thông tin đầy đủ”.

Sau khi Thông tư 08 chính thức có hiệu lực vào ngày 10.8 tới đây, có thể nói đối tượng hưởng lợi ích lớn nhất chính là người tiêu dùng cả về chất lượng (do Bộ Công thương quản lý cả việc công bố sản phẩm chất lượng cũng như khi cần thiết phải thu hồi sản phẩm) lẫn lợi ích về giá bởi các doanh nghiệp có thể chủ động cạnh tranh về giá với nhau.

Mặc dù vậy, đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Phòng quản lý sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm - vẫn tỏ ra lo ngại công tác quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc phân cấp thiếu đồng bộ khi triển khai thực hiện ở các đơn vị, địa phương do khối lượng sản phẩm chịu tác động của chính sách này khá lớn. Ông Dũng cho rằng, “chủ trương rất đúng nhưng để thực hiện sẽ gặp khó khăn như việc nâng số lượng phải đăng ký nhiều, khả năng kiểm soát của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước dễ có nguy cơ quá tải”.

Đại diện cho các doanh nghiệp kinh doanh ngành sữa, ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam tin tưởng rằng, chính sách này mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. “Việc ban hành và đi vào hoạt động thông tư này từ ngày 10.8 tới đây sẽ góp phần quan trọng vào việc bình ổn giá sữa, nhất là đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi.

Doanh nghiệp và địa phương kêu khó

Liên quan tới việc phải báo cáo hệ thống đại lý, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối sữa nêu ý kiến: “Doanh nghiệp chưa rõ sẽ phải báo cáo hệ thống phân phối tới cấp nào? Bởi chúng tôi nhập khẩu sản phẩm và chỉ bán lại cho đại lý cấp 1. Đại lý cấp 1 sẽ phân phối cho đại lý cấp 2, cấp 3. Từ đó, các đại lý cấp thấp lại phân phối tới các đại lý cấp thấp hơn, thậm chí tới tận các cửa hàng bán lẻ… Nếu phải báo cáo cả các đại lý cấp thấp như vậy sẽ rất phức tạp cho doanh nghiệp, bởi các đại lý cấp thấp có thể bổ sung hoặc rút bỏ hàng ngày. Sự biến động về danh mục các đại lý cấp thấp là liên tục, vì vậy để cập nhật và báo cáo kịp thời sẽ rất khó khăn”.

Lý giải vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, sản phẩm sữa là một ngành kinh doanh có điều kiện, vì thế việc nắm được đường đi của sản phẩm mình phân phối ra sao là trách nhiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể không nắm được các đại lý bán lẻ của mình. Việc báo cáo cập nhật là cần thiết và tạo điều kiện để cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác quản lý hiệu quả hơn.

Đại diện các sở Công Thương tại một số địa phương cũng nêu vấn đề việc quản lý và công cụ quản lý ở các địa phương khó đạt được mức mong muốn, khó phân biệt được sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi.

Ví dụ như “ở Hải Dương, có tới một vạn cửa hàng sữa, nếu họ không kê khai nhưng vẫn bán hàng và khi kê khai phát sinh hai vấn đề: Một là văn thư của sở không nắm được đã copy dấu gửi lại; hai là nếu xem xét rồi mới gửi lại thì sở không đủ người làm. Như vậy UBND cấp tỉnh thẩm tra giám sát việc kê khai có cần phân công lại hay không hay chỉ phân công các sở Công Thương đề nghị phân cấp cho UBND huyện?

Đại diện Bộ Công Thương thừa nhận trách nhiệm các sở ngành dọc ở địa phương là rất nặng nề và đề xuất các sở cần phối hợp chặt chẽ với các ban ngành địa phương. Xác định triển khai thông tư 08 là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chỉnh sửa sao cho phù hợp với thực tế nhằm phục vụ tốt nhất cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Theo Đức Thành

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên