MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Được đánh giá là ngành kinh doanh an toàn nhất, lý do gì khiến cổ phiếu ngành cấp nước chưa thu hút dòng tiền trên TTCK?

Được đánh giá là ngành kinh doanh an toàn nhất, lý do gì khiến cổ phiếu ngành cấp nước chưa thu hút dòng tiền trên TTCK?

Cổ phiếu ngành cấp nước thời gian qua chưa thu hút nhiều chú ý của dòng tiền trên thị trường chứng khoán, đa số có diễn biến giá lình xình bất chấp sự sôi động của TTCK từ năm ngoái đến nay.

Theo quy định pháp luật hiện hành (Nghị định 117/2007/NĐ-CP), mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước. Điều này đảm bảo không có sự chồng chéo, cạnh tranh giữa các công ty cấp nước trên cùng một địa bàn. Đặc thù này của ngành cấp nước hình thành thế độc quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; khiến cho ngành này được đánh giá là một trong số ngành kinh doanh an toàn nhất hiện nay. Thế nhưng, cổ phiếu ngành cấp nước thời gian qua chưa thu hút nhiều chú ý của dòng tiền trên thị trường chứng khoán, đa số cổ phiếu ngành này có diễn biến giá lình xình bất chấp sự sôi động của TTCK từ năm ngoái đến nay.

Số lượng doanh nghiệp cấp nước đã cổ phần hóa là khá lớn, nhưng chỉ số ít niêm yết trên Sở GDCK (BWE, TDM, CLW, TDW…); còn đại đa số vẫn đang giao dịch trên thị trường UPCoM, kể cả những doanh nghiệp có quy mô đầu ngành như Cấp nước Đồng Nai (DNW), Cấp nước Đà Nẵng (DNN), Cấp nước Bà Rịa – Vũng Tàu (BWS)… Lộ trình niêm yết và thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp này ra sao đang được dư luận đặc biệt quan tâm

Theo quan sát, nhiều doanh nghiệp cấp nước đang giao dịch trên UPCoM có giá cổ phiếu lình xình, thanh khoản kém; ví dụ CTCP Cấp nước Đà Nẵng (DNN) suốt nhiều năm qua luôn có dư mua giá trần hàng trăm nghìn cổ phiếu nhưng không hề có khớp lệnh. CTCP Cấp nước Thanh Hóa (THN), CTCP Cấp nước Trà Vinh (TVW), CTCP Cấp nước Sóc Trăng (STW) cũng ở tình trạng tương tự. Các cổ phiếu cấp nước khác trên UPCoM tuy có giao dịch nhưng giá không biến động, thanh khoản kém.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý 1/2021, Cấp nước Đồng Nai (DNW) đạt doanh thu hợp nhất 282 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 64 tỷ đồng, tăng 16,5%.

Nằm sát TP HCM, Đồng Nai là tỉnh đang trong quá trình phát triển đô thị hóa và công nghiệp hóa; điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực kinh doanh cơ sở hạ tầng trong đó có ngành cấp nước.

CTCP Cấp nước Đồng Nai được cổ phần hóa năm 2014, hiện có 9 chi nhánh cấp nước, 2 công ty con (CTCP cấp nước Nhơn Trạch và CTCP cấp nước Long Khánh) và 2 công ty liên kết. Vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, hiện nay DNW là công ty cấp nước có sản lượng đứng thứ 3 toàn quốc (sau Sawaco và Hawacom), công suất 450.000 m3/ngày đêm (và đang triển khai dự án Nhơn Trạch 2 để tăng thêm 100.000 m3/ngày). Sản lượng của DNW cao hơn 11% so với Biwase là công ty có công suất đứng thứ 4. Cổ đông Nhà nước nắm 64% của DNW là Tổng công ty Sonadezi, hai cổ đông chiến lược là CTCP Nước Môi trường Bình Dương (Biwase) nắm 17,7% và CTCP nước Thủ Dầu Một nắm 12% (hai cổ đông này có chung chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Văn Thiền).

Một trong số nội dung được dư luận quan tâm ở nhiều kỳ ĐHCĐ của công ty mẹ là việc Sonadezi dự kiến thực hiện thoái vốn Nhà nước tại CTCP cấp nước Đồng Nai. DNW được đánh giá là miếng bánh lớn rất hấp dẫn trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lớn đã và đang thâu tóm các doanh nghiệp cấp nước tại Việt Nam.

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá cổ phiếu DNW dao động quanh ngưỡng 21.000 – 24.000 đồng/cp với thanh khoản trung bình mỗi phiên vài chục nghìn đơn vị. Việc cổ đông Nhà nước vẫn giữ cổ phiếu công ty này giao dịch trên UPCoM mà không niêm yết trên sàn chứng khoán có thể dẫn đến sự đánh giá thấp và thiếu quan tâm đúng mức từ giới đầu tư.

Được đánh giá là ngành kinh doanh an toàn nhất, lý do gì khiến cổ phiếu ngành cấp nước chưa thu hút dòng tiền trên TTCK? - Ảnh 1.

Tương tự với DNW, các công ty con của DNW là NTW, LKW cũng đang giao dịch trên UPCoM với thanh khoản thấp.

Nhơn Trạch nằm liền kề với TP HCM, là huyện có mức độ đô thị hóa, công nghiệp hóa khá cao; thế nhưng kết quả kinh doanh của CTCP cấp nước Nhơn Trạch (NTW) các năm gần đây không mấy ấn tượng.

Doanh thu từ 2014 đến 2020 tăng gấp rưỡi (từ 117 tỷ lên 160,3 tỷ); lợi nhuận của NTW lại đi theo chiều ngược lại (giảm từ 42,1 tỷ về mức 12,1 tỷ).

Được đánh giá là ngành kinh doanh an toàn nhất, lý do gì khiến cổ phiếu ngành cấp nước chưa thu hút dòng tiền trên TTCK? - Ảnh 2.

Theo công bố của DNW, năm 2020 sản lượng nước sản xuất của công ty hơn 130 triệu m3 (tăng 5% so với 2019), tỷ lệ thất thoát nước khá cao (gần 20%), doanh thu hợp nhất 1.116 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 162 tỷ đồng, chia cổ tức 10%.

Mặc dù độc quyền dịch vụ cấp nước trên địa bàn rộng lớn ở tỉnh Đồng Nai, nhưng so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành thì tỷ suất lợi nhuận/doanh thu và lợi nhuận/vốn của DNW thuộc loại rất thấp.

Đơn cử như CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW) và CTCP Cấp nước Bà Rịa-Vũng Tàu (BWS) đều có doanh thu chưa bằng nửa DNW nhưng lợi nhuận lớn hơn DNW. Nói cách khác, tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu của VCW và BWS cao gấp 3 lần DNW. Tương tự công ty mẹ, chỉ số lợi nhuận/doanh thu của CTCP cấp nước Nhơn Trạch cũng không cao.

Tại thời điểm cổ phần hóa vào năm 2015, DNW đang quản lý và sử dụng nhiều lô đất lớn với tổng diện tích 1.148.569 m2 ở nhiều vị trí vàng tại Đồng Nai; ví dụ như 22.291 m2 ở 48 đường CMT8 - TP Biên Hòa, 385.259 m2 ở xí nghiệp nước Thiện Tân - Khu phố 8A, phường Tân Biên – TP Biên Hòa, 636.104 m2 ở xí nghiệp nước Nhơn Trạch - Khu phố 8A, phường Tân Biên - TP. Biên Hòa, 28.840 m2 ở Khu phố 9, Phường Tân Biên – TP Biên Hòa, 1.172m2 ở Khách sạn Công Đoàn, Phường 2 – TP Vũng Tàu…  Đa số các lô đất này có vị trí đẹp nằm trên mặt đường lớn.

TL

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên