MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Được dự báo sẽ gia nhập hàng ngũ các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới, khi nào quy mô GDP Việt Nam sẽ vượt mốc 1.000 tỷ USD?

Theo các chuyên gia của S&P Global, Việt Nam sẽ là một trong số các quốc gia gia nhập hàng ngũ các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới vào năm 2035

Được dự báo sẽ gia nhập hàng ngũ các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới, khi nào quy mô GDP Việt Nam sẽ vượt mốc 1.000 tỷ USD? - Ảnh 1.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, quy mô GDP của Việt Nam theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Theo số liệu dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2023, quy mô GDP của khu vực Đông Nam Á nói chung theo giá hiện hành sẽ đạt khoảng 3,86 nghìn tỷ USD. 

Trong đó, Indonesia dẫn đầu khu vực với quy mô GDP ước đạt khoảng 1,42 tỷ USD. Xếp thứ hai là Thái Lan với quy mô GDP năm 2023 được dự báo ở mức 512,19 tỷ USD. Theo sau lần lượt là Singapore và Philippines, với quy mô GDP theo giá hiện hành lần lượt là 497,35 tỷ USD và 435,68 tỷ USD.

Đối với Việt Nam, IMF dự báo, quy mô GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, trên Malaysia, Myanmar, Campuchia, Brunei, Lào và Đông Timor.

Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới thường niên lần thứ 14 và Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table - WELT) của Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR) đánh giá, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam có thể tăng nhanh trong tương lai. Cụ thể, với quy mô kinh tế đạt 1.050 tỷ USD vào năm 2033, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 24 trên thế giới.

Được dự báo sẽ gia nhập hàng ngũ các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới, khi nào quy mô GDP Việt Nam sẽ vượt mốc 1.000 tỷ USD? - Ảnh 2.

Nhuồn: CEBR

Nếu xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, quy mô GDP của Việt Nam năm 2033 sẽ xếp thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Indonesia (2.717 tỷ USD). Theo sau lần lượt là Philippines (1.047 tỷ USD), Thái Lan (1.033 tỷ USD), Malaysia (836 tỷ USD) và Singapore (733 tỷ USD).

S&P Global nhận định, khu vực ASEAN được kỳ vọng sẽ vẫn là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế thế giới trong thập kỷ tới. Trong đó, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN, sẽ trở thành một trong những thị trường mới nổi hàng đầu thế giới trong thập kỷ tới, với quy mô GDP dự báo sẽ tăng từ 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022 lên 4,1 nghìn tỷ USD vào năm 2035.

Không chỉ có Indonesia, theo các chuyên gia của S&P Global, Việt Nam và Philippines cũng là những quốc gia sẽ gia nhập hàng ngũ các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới vào năm 2035. Trong khi đó, Malaysia dự kiến sẽ trở thành một trong những nền kinh tế tiên tiến của khu vực châu Á – Thái Bình Dương tính theo GDP bình quân đầu người, với GDP bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 26.000 USD vào năm 2035.


Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên