MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Được Hàn Quốc rót hơn 3.000 tỷ đồng, lọt vào "mắt xanh" của ông lớn Nhật Bản, địa phương này có tiềm năng gì đặc biệt?

Được Hàn Quốc rót hơn 3.000 tỷ đồng, lọt vào "mắt xanh" của ông lớn Nhật Bản, địa phương này có tiềm năng gì đặc biệt?

Mới đây, địa phương này đã phê duyệt quy hoạch dự án công viên phần mềm, công nghệ thông tin do một công ty Hàn Quốc đầu tư, với tổng chi phí khoảng 3.400 tỷ đồng. Trước đó, địa phương cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với "ông lớn" Aeon Mall của Nhật Bản.

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung Thừa Thiên Huế, khu B – đô thị mới An Vân Dương.

Dự án có tổng chi phí dự kiến thực hiện dự án khoảng 3.458 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 91 tỷ đồng, do Công ty Smart Media City (Hàn Quốc) đầu tư. Dự kiến, dự án sẽ đáp ứng số chuyên gia và phục vụ khoảng 5.000 người.

Được biết, dự án định hướng là khu công nghệ thông tin và truyền thông tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực nghiên cứu phát triển; đào tạo và ươm tạo; sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ sinh học… đô thị xanh, đô thị thông minh. 

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Nghị quyết này có hiệu lực từ năm 2022, thực hiện trong 5 năm. Đây là một cột mốc quan trọng trong việc tạo nguồn lực để thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, với mục tiêu đưa Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2021, xét trong 5 tỉnh thành phố thuộc kinh tế trọng điểm miền Trung, tốc độ tăng trưởng GRDP của Thừa Thiên Huế đạt 4,36%; trong khi đó, GRDP của Đà Nẵng tăng 0,18% so với năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2021 đạt 1.022 triệu USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 800 triệu USD, tăng 47,3%. Thu ngân sách Nhà nước cả năm đạt 10.206 tỷ đồng, vượt 68,3% dự toán, tăng 12% so với thực hiện cùng kỳ.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, dữ liệu của Tổng cục Thống kê năm 2021 cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký của Thừa Thiên Huế đạt 183,4 triệu USD, đứng thứ 24 cả nước. Lũy kế đến 20/12/2021, tỉnh có 123 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4 tỷ USD.

Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép cho 25 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 12,5 nghìn tỷ đồng. Một số nhà đầu tư lớn khác đang nghiên cứu đầu tư vào địa bàn tỉnh như Công ty CP Hàng hải Vsico, Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Western Pacific… 

Vào tháng 11/2021, tỉnh đã ký kết bản ghi nhớ với Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam thực hiện dự án đầu tư Trung tâm thương mại Aeon tại Thừa Thiên Huế trị giá 170 triệu USD.

Được Hàn Quốc rót hơn 3.000 tỷ đồng, lọt vào mắt xanh của ông lớn Nhật Bản, địa phương này có tiềm năng gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Tốc độ tăng trưởng GRDP 2021 của 5 tỉnh, thành phố thuộc kinh tế trọng điểm miền Trung.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng là địa phương đứng thứ 2 trên cả nước về mức độ chuyển đổi số năm 2020, chỉ xếp sau Đà Nẵng, với điểm xếp hạng DTI đạt 0,4. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến 2025 tiếp tục giữ vững vị trí nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số chuyển đổi số (DTI)...

Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế sẽ là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông - Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Cụ thể, năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,5-7,5% so với năm 2021. Dự toán thu 6.861 tỷ đồng, tăng 13,1% so với dự toán năm 2021 và bằng 67,2% so với thực hiện năm 2021. Vốn đầu tư công năm 2022 đạt trên 4.266,055 tỷ đồng.

Đến năm 2045, địa phương sẽ trở thành thành phố festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á. 

Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025.

Mục tiêu của kế hoạch trên nhằm xây dựng các cụm công nghiệp cơ bản đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phát huy được tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của địa phương, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư...

Theo đó, Thừa Thiên - Huế phấn đấu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 3 cụm công nghiệp đã được thành lập trước năm 2021 (gồm cụm công nghiệp Vinh Hưng, cụm công nghiệp Điền Lộc, cụm công nghiệp Hương Phú), đầu tư mở rộng cụm công nghiệp Tứ Hạ (giai đoạn 3) và tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm đã đi vào hoạt động đảm bảo tuân thủ quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

Địa phương cũng sẽ phấn đấu đầu tư thành lập mới 11 cụm công nghiệp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật tối thiểu khoảng 30% diện tích cụm công nghiệp thành lập mới, tỉ lệ lấp đầy đạt 20% diện tích cụm công nghiệp thành lập mới.

https://cafef.vn/duoc-han-quoc-rot-hon-3000-ty-dong-lot-vao-mat-xanh-cua-ong-lon-nhat-ban-dia-phuong-nay-co-tiem-nang-gi-dac-biet-20220127152908397.chn

Giang Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên