MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Được Mekong Capital rót vốn gấp 2,6 lần Golden Gate, Wrap & Roll liệu có trở thành "Cổng vàng" thứ hai?

20-07-2016 - 14:50 PM | Doanh nghiệp

Với khoản đầu tư 6,9 triệu USD của Mekong Capital, Wrap & Roll liệu có làm được điều mà Golden Gate Group đã làm được trước đây?

Mới đây, Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital, thông qua quỹ đầu tư mới thành lập Mekong Enterprise Fund III (MEF III), đã đầu tư số tiền 6,9 triệu USD vào Công ty Cổ phần Nhà hàng Wrap & Roll, chính là đơn vị điều hành chuỗi nhà hàng món cuốn Wrap & Roll.

Với khoản đầu tư này, liệu Wrap & Roll có thu được thành công như Golden Gate, đơn vị sở hữu chuỗi lẩu băng chuyền Kichi-Kichi hay chuỗi nhà hàng bia Vuvuzela, nơi Mekong Capital đã đầu tư cách đây 8 năm?

Khoản đầu tư trước đó vào mảng F&B của Mekong Capital: Lợi suất 800%

Trước đây, Mekong Capital từng đầu tư vào Golden Gate Group (GGG), công ty còn được biết đến với cái tên “Cổng Vàng”, chủ sở hữu hiện tại của nhiều thương hiệu nhà hàng lớn.

Khi rót vốn vào công ty này hồi tháng 4/2008, có lẽ nhà đầu tư người Mỹ Chris Freund, người quản lỹ quỹ thời điểm đó sẽ không ngờ rằng khoản đầu tư 2,6 triệu USD của mình sẽ không chỉ mang lại lợi suất lớn không ngờ, mà còn góp phần tạo ra một đế chế kinh doanh theo mô hình chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại.

Xuất phát với thương hiệu lẩu nấm Ashima, giờ đây GGG là chủ sở hữu của nhiều chuỗi nhà hàng nổi tiếng, trong đó có những cái tên mang tính tiên phong, đã ghi dấu sâu sắc trong tâm trí thực khác về “sự chọn lựa đầu tiên” (top of mind) ở Hà Nội như lẩu nấm Ashima, lẩu băng chuyền Kichi-Kichi hay nhà hàng bia Vuvuzela, cùng nhiều chuỗi đa dạng khác như iCook, iSushi, Cowboy Jack’s, Phố Ngon 37, Gogi House…

Có thể nói, những đồng vốn đầu tư của Mekong Capital đã đáng giá đến từng xu khi GGG giờ đây sở hữu chuỗi lên đến 120 nhà hàng, gấp 24 lần quy mô ban đầu (5 nhà hàng) khi quỹ này mới đầu tư.

Với mỗi mô hình, mức lãi gộp đem lại lên đến hơn 30%, riêng Vuvuzela và City Beer Station tỷ lệ này lên đến 50%. Thậm chí, có những quý các nhà hàng của GGG tăng trưởng đến 10%.

Hơn cả một khoản đầu tư, Mekong Capital còn giúp cho GGG đi đúng hướng hơn và tăng trưởng nhanh chóng hơn.

Cụ thể, Mekong Capital đã hỗ trợ mời cựu CEO chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh KFC khu vực Châu Á về làm cố vấn cho GGG. Nhờ đó, công ty này đã củng cố lại chuỗi cung ứng, giúp giảm đáng kể chi phí nguyên liệu đầu vào.

Có được sự trợ giúp nhiều mặt từ Mekong Capital, hiệu quả kinh doanh của GGG thể hiện rõ ngay trên các con số tài chính.

Tăng trưởng doanh thu năm 2008 của GGG ghi nhận là trên 100% . Con số này giữ ở mức 25% trong suốt giai đoạn 2010 – 2013 và tăng lên mức trên 30% trong giai đoạn 2014 -2016.

Tháng 8/2014, Mekong Capital thoái toàn bộ vốn, kết thúc mối lương duyên với GGG, với những con số ấn tượng không thể đẹp hơn, làm hài lòng cả các nhà đầu tư của quỹ lẫn bản thân các nhà sáng lập GGG.

Kết thúc 6 năm, Mekong Capital lãi gấp hơn 9 lần số tiền đầu tư ban đầu, tương ứng mức lợi suất hơn 800%. Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) của khoản đầu tư xuất sắc đạt 45,1%. Tính trung bình trong thời gian đầu tư, tăng trưởng doanh thu của GGG lên đến 44,4%, một con số trong mơ của nhiều mô hình chuỗi hiện tại.

Wrap & Roll: "Đại dương xanh” mang sứ mệnh quốc tế của ẩm thực Việt

Thời kỳ ra đời của các chuỗi nhà hàng của GGG cũng là lúc nhiều “đại dương xanh” ra đời (chỉ một thị trường mới khám phá, ít hoặc không có người tham gia), trong đó có Chuỗi nhà hàng chuyên các món cuốn Wrap & Roll năm 2006, của doanh nhân Nguyễn Thị Kim Oanh, em gái ca sỹ Thu Phương.

Là lần rót vốn đầu tiên của quỹ MEF III, Wrap & Roll được chọn là nơi gửi gắm của khoản đầu tư thứ hai trong lĩnh vực kinh doanh F&B của Mekong Capital. Điều đáng chú ý, khoản đầu tư này có giá trị hơn hẳn lần trước, với số tiền lần đầu tư lên đến 6,9 triệu USD (gấp 2,6 lần).

So với GGG, dù tiến không nhanh bằng nhưng chuỗi Wrap & Roll vẫn đạt mức tăng trưởng tốt, 20% - 30%/năm. Có thời điểm, chuỗi từng có 12 nhà hàng ở TPHCM.

Thời điểm năm 2008, nhiều chuỗi ăn uống khác ra đời, có sự cạnh tranh khốc liệt, kinh tế cũng bắt đầu đi xuống. Wrap & Roll từng rơi vào tình huống bế tắc tưởng chừng như không có lối thoát. Năm 2012, chuỗi phải thu hẹp, từ con số 12 đóng bớt 4 nhà hàng, còn lại 8.

Năm 2012, Wrap & Roll tìm đường nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài.

Cụ thể, năm 2011, Wrap & Roll nhượng quyền cho một đối tác tại Úc. Liền ngay sau đó vào năm 2012, thương vụ thứ hai được thực hiện với một đối tác khác Singapore.

Nhà hàng đầu tiên ở Singapore thành công hơn kì vọng. Đối tác của Wrap & Roll mở tiếp thêm 3 nhà hàng mới. Wrap & Roll kỳ vọng sẽ tiếp tục thành công quá trình thương thảo với các đối tác nhượng quyền mới tại Malaysia và Indonesia.

Cùng lúc đó, Wrap & Roll cũng Bắc tiến ra Hà Nội. Hiện tại, chuỗi có 9 nhà hàng tại TPHCM, 4 tại Hà Nội và 4 tại Singapore.

Với khoản đầu tư 6,9 triệu USD của Mekong Capital, Wrap & Roll liệu có làm được điều mà Golden Gate Group đã làm được trước đây?

Một số con số thống kê từ khoản đầu tư 6 năm của Mekong Capital vào Golden Gate Group:

Số tiền lãi thu về gấp 9,1 lần vốn đầu tư ban đầu

Tỷ suất hoàn vốn nội bộ 45,1%

Tăng trưởng doanh thu các nhà hàng trung bình 44,4%/năm

Số lượng nhà hàng tăng gấp 14 lần

Giá trị định giá Golden Gate tăng gấp 3 lần trong 18 tháng trước khi Mekong Capital thoái vốn

Theo Vượng Lê

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên