MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Được mùa mất giá, Trung Quốc dừng thu mua - hóa ra quốc gia châu Á này cũng gặp kịch bản y hệt nông sản Việt cho loại 'hạt vàng hạt bạc' của họ

05-11-2024 - 14:33 PM | Thị trường

Giá hạt vừng tại Pakistan đã giảm gần một nửa trong năm nay sau khi Trung Quốc hạn chế thu mua. Nông dân đang cân nhắc tìm kiếm loại cây khác để thay thế sau khi không thể kiếm lời từ loại hạt này.

Ngành nông nghiệp Pakistan đang phải vật lộn để thích nghi với đà suy giảm trong việc cung cấp một mặt hàng chủ lực cho các nhà bếp Trung Quốc. Nhu cầu và giá hạt vừng đã giảm mạnh trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao từ các quốc gia khác.

Trung Quốc, nước mua hạt vừng lớn nhất thế giới, chỉ nhập khẩu 19 triệu USD hạt vừng từ Pakistan trong 2 tháng đỉnh điểm của vụ thu hoạch là 8 và 9, giảm 53% so với cùng kỳ 2023, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Bắc Kinh. Pakistan trước đó được hưởng lợi từ xung đột ở Sudan, Ethiopia và Myanmar, làm gián đoạn nguồn cung tại các nước này.

Alan Xi, Giám đốc phụ trách nông nghiệp của China Machinery Engineering Corporation ở Pakistan, cho biết nhu cầu giảm từ Trung Quốc đã đẩy giá hạt vừng giảm xuống còn 12.000 rupee một maund (40 kg), thấp hơn nhiều so với mức 20.000 rupee mà họ bán được vào năm ngoái.

Được mùa mất giá, Trung Quốc dừng thu mua - hóa ra quốc gia châu Á này cũng gặp kịch bản y hệt nông sản Việt cho loại 'hạt vàng hạt bạc' của họ- Ảnh 1.

Giá hạt vừng tại Pakistan đã giảm mạnh trong mùa vụ năm nay.

"Nhu cầu rất, rất cao từ Trung Quốc đã thúc đẩy những người nông dân muốn chuyển sang gieo hạt vừng", Xi cho biết. Giờ đây "một số nông dân nói với tôi họ sẽ không bao giờ trồng vừng nữa vì giá thấp".

"Kể từ khi mùa vụ bắt đầu vào tháng 8, giá vừng đã giảm mỗi tuần", Fahad Shoukat, giám đốc điều hành của Armcom, công ty xuất khẩu vừng có trụ sở tại Karachi cho biết. Mặc dù doanh nghiệp của ông chuyên bán vừng chất lượng cao cho Mỹ và châu Âu thay vì Trung Quốc, giá giảm vẫn ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.

Theo dữ liệu từ S&P Global Commodity Insights, Pakistan đã xuất khẩu vừng trị giá 403 triệu USD vào năm ngoái, là nước xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới, tăng từ mức chỉ 40 triệu USD vào năm 2019.

Việc miễn thuế của Pakistan đã giúp các nhà xuất khẩu nước này chiếm lợi thế lớn so với các nhà cung cấp tại Ấn Độ trong khi cảng Karachi tương đối gần với các cảng của Trung Quốc so với đối thủ cạnh tranh từ Đông và Tây Phi, theo các nhà phân tích.

Được mùa mất giá, Trung Quốc dừng thu mua - hóa ra quốc gia châu Á này cũng gặp kịch bản y hệt nông sản Việt cho loại 'hạt vàng hạt bạc' của họ- Ảnh 2.

Xuất khẩu hạt vừng sang Trung Quốc của Pakistan các năm gần đây.

Pakistan chịu trách nhiệm cho khoảng 20% tổng 1,53 tỷ USD nhập khẩu vừng của Trung Quốc vào năm 2023 – vốn được dùng để chế biến dầu ăn, nước sốt và đồ trang trí các món tráng miệng. Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu nông nghiệp Ayub, nông dân Pakistan đã gieo vừng trên diện tích hơn 1,8 triệu mẫu Anh, gấp 4 lần diện tích canh tác vào năm 2020.

Họ chạy theo mức giá cao bất thường trên toàn cầu, đạt đỉnh gần 2.500 USD/tấn vào năm ngoái, theo Gutierrez Fernandez, nhà phân tích tại S&P Global Commodity Insights. Tuy nhiên, giá vừng hiện "điều chỉnh" xuống mức 1.200 USD/tấn trong năm nay khi các đối thủ mới như Brazil, Niger tăng quy mô sản xuất trong khi các nhà xuất khẩu quen thuộc Sudan và Ethiopia tìm được đường quay lại thị trường.

Được mùa mất giá, Trung Quốc dừng thu mua - hóa ra quốc gia châu Á này cũng gặp kịch bản y hệt nông sản Việt cho loại 'hạt vàng hạt bạc' của họ- Ảnh 3.

Sản lượng và giá trị xuất khẩu hạt vừng của Pakistan các năm gần đây.

Ibrahim Shafiq, Giám đốc một công ty xuất khẩu tại Pakistan đã bán một nửa lượng hạt vừng cho Trung Quốc, cho biết đơn hàng gia tăng mạnh mẽ vào năm ngoái nhưng sự gia tăng này là "nhất thời và không thể duy trì được". "Năm nay, đơn hàng từ Trung Quốc chậm lại vì người mua mong muốn giá cả và chất lượng tốt hơn", ông nói.

"Cú đấm" vào thị trường xuất khẩu vừng là lời cảnh báo cho hoạt động xuất khẩu nông sản của quốc gia này. Năm ngoái, doanh số bán gạo ra nước ngoài của Pakistan cũng tăng đột biến do lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ. Tuy nhiên, hoạt động này cũng bị đe dọa sau khi New Delhi dỡ bỏ lệnh hạn chế vào tháng trước.

Các nhà phân tích cho biết Pakistan không còn có thể trông cậy vào nhu cầu cao kỷ lục từ Trung Quốc với các loại hạt vừng chất lượng thấp của mình nữa. Do đó, các nhà xuất khẩu sẽ phải nâng cao chất lượng để thu hút những người mua cao cấp hơn.

"Thách thức của Pakistan lúc này là có thể tăng xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản hay không. Đây là những thị trường sẵn sàng trả giá cao cho loại vừng sạch và đảm bảo lưu lượng thuốc trừ sâu", Gutirrez Fernandez cho biết.

Được mùa mất giá, Trung Quốc dừng thu mua - hóa ra quốc gia châu Á này cũng gặp kịch bản y hệt nông sản Việt cho loại 'hạt vàng hạt bạc' của họ- Ảnh 4.

Cơ cấu xuất khẩu theo quốc gia sản phẩm hạt vừng của Pakistan.

Tuy nhiên với nông dân Pakistan, giải pháp họ nghĩ đến chỉ là chuyển sang một loại cây trồng khác.

"Đây là một năm thất bại", Feroz Akhtar Shah, nông dân trồng vừng ở Layyah, miền trung Pakistan cho biết. Ông đã thu gom từ những người nông dân khác, bán khoảng 30 tấn vừng cho các nhà xuất khẩu vào năm 2023 và thu được hơn 18.000 rupee/maund nhưng hiện giá chỉ còn 13.000 rupee.

"Năm nay chúng tôi hầu như hòa vốn – không có lãi nhưng may mắn là không lỗ", ông nói.

Vị cựu quản lý một nhà máy may này nhảy sang thị trường vừng cách đây 2 năm, sau khi một người anh em họ du học tại Trung Quốc kể cho ông nghe về nhu cầu vừng tại Trung Quốc.

Những trận mưa gió mùa dữ dội bất thường vào mùa hè đã làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt vừng của ông. Nếu giá không tăng vào năm tới, Shah và những người nông dân mà ông thu mua đang cân nhắc đầu tư vào cây xoài để thay thế.

Nguồn: FT


Đức Nam

An ninh tiền tệ

Trở lên trên