MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Được nới ''room'' tín dụng quan trọng như thế nào đối với các ngân hàng?

25-11-2021 - 18:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Được nới ''room'' tín dụng quan trọng như thế nào đối với các ngân hàng?

Cổ phiếu ngân hàng liên tục là tâm điểm trong những phiên giao dịch cuối tháng 11 khi dòng tiền cuồn cuộn chảy vào giúp nhiều mã xác lập đỉnh mới. Tính chung từ đầu tháng, có tới 26/27 mã ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM tăng giá so với mức ghi nhận cuối tháng 10.

Một những yếu tố chính giúp nhóm ngân hàng đồng loạt tăng giá trong những phiên giao dịch vừa qua là thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt. Trước đó, vào quý 3, một loạt ngân hàng đã được NHNN nới hạn mức tín dụng để đẩy mạnh hoạt động cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là thông tin hỗ trợ đẩy nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhịp tăng khoảng 10% vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7.

Trong báo cáo triển vọng ngành mới công bố, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết nhiều ngân hàng vừa được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý IV/2021.

Cụ thể, TPBank là nhà băng được nới room tín dụng cao nhất, lên đến 23,4%; ba ngân hàng khác được nới lên trên 21% bao gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Các ngân hàng khác cũng được nới mạnh room tín dụng: VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%),...Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.

Được nới room tín dụng quan trọng như thế nào đối với các ngân hàng? - Ảnh 1.

Theo đánh giá của BSC, điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều tổ chức tín dụng đã chạm "trần tín dụng" từ đầu năm đến nay. BSC cho rằng dịch bệnh lần 4 với quy mô rộng sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng cho nửa sau năm 2021 và việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% là có thể đạt được.

Việc nới ''room'' tín dụng có ý nghĩa quan trọng đối với các ngân hàng khi hầu hết đều đã tiến sát mức trần tăng trưởng sau 9 tháng đầu năm. Trong khi thu nhập từ lãi vẫn là nguồn thu chính của ngành ngân hàng với tỷ trong đóng góp dao động trong khoảng 70 - 80% tổng nhập hoạt động nhiều nhà băng.

Theo tính toán của BSC, tính đến cuối quý III, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đã đạt 11,6% trong khi hạn mức được NHNN cấp vào đầu quý III chỉ ở mức 12,5%. Tương tự, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng của MB đat 14,2% trong khi trước đó ngân hàng này chỉ được cấp hạn mức 15%; còn Techcombank đã chạm trần 17,1%. Thậm chí, một số ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng vượt trần như BIDV (+10,7%, vượt mức được cấp 9,5%).

Được nới room tín dụng quan trọng như thế nào đối với các ngân hàng? - Ảnh 2.

Trong trường hợp không được cấp thêm hạn mức, tín dụng Vietcombank và MB chỉ có thể tăng thêm 0,8 - 0,9% trong 3 tháng cuối năm 2021, còn Techcombank và BIDV không thể cho vay thêm. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh tới khả năng tăng trưởng lợi nhuận khi khoảng 75% tổng doanh thu của các ngân hàng này đến từ thu nhập lãi thuần.

Để khắc phục tình trạng cạn ‘’room’’, nhiều ngân hàng thương mại đã tập trung cho vay ngắn hạn để lấp đầy hạn mức tín dụng đã được cấp trước đợt điều chỉnh hạn mức mới. Và từ đầu quý IV, nhiều ngân hàng đã nộp đơn xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. 

Trong báo phát hành vào tháng 10, Chứng khoán Rồng Việt cho biết HDBank đã nộp đơn đề nghị NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên hơn 25%, sát với mục tiêu được đặt ra trong ĐHCĐ là 26%.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra đầu tháng 11/2021, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB cho biết, ngân hàng kỳ vọng đạt hạn mức tín dụng 25% cho cả năm, sau 9 tháng tín dụng của MSB đã tăng gần 16%, cao hơn mức 10,6% cuối tháng 6. Theo vị CEO này, MSB là ngân hàng có quản trị rủi ro tốt, tập trung giải ngân vào các ngành phát triển bền vững, tích cực tham gia các hoạt động và chính sách của NHNN. Vì thế, trong kỳ nới hạn mức tín dụng cuối năm, lãnh đạo MSB kỳ vọng sẽ được nâng "room" tín dụng, dựa trên cân đối và phân bổ của cơ quan điều hành.

Chứng khoán MBS cho rằng, vào cuối năm nhu cầu tín dụng tăng, dư nợ cũng tăng mạnh hơn, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt trên 12% cho cả năm 2021.

Quốc Thụy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên