Philippines tranh cãi vì gạo biến đổi gen: Khi gạo vàng mang lại sự sợ hãi
Giống Gạo Vàng biến đổi gen đang làm dấy lên những tranh cãi. Người dân cho rằng toàn bộ sáng kiến này sẽ khiến nông dân lâm vào cảnh nợ nần.
- 12-09-2021Một công ty mì ăn liền IPO giúp hàng loạt cổ đông vào Top 50 người giàu nhất Philippines
- 06-09-2021Tránh thiệt hại kinh tế, Philippines chia nhỏ thủ đô để phong tỏa phòng COVID-19
- 05-09-2021Quá tải, lương thấp, nhân viên y tế Philippines bỏ việc trong đại dịch Covid-19
Philippines đã trở thành quốc gia đầu tiên cho phép sản xuất thương mại loại gạo biến đổi gen, Gạo Vàng cung cấp vitamin A. Điều này làm dấy lên những lo ngại về an toàn, ngay cả khi chính phủ đang nỗ lực cố gắng chống suy dinh dưỡng và hỗ trợ nguồn cung cho một trong những quốc gia nhập khẩu nhiều ngũ cốc nhất thế giới.
Gạo Vàng được phát triển bởi Viện nghiên cứu Gạo Quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Laguna, phía nam thủ đô Manila. Loại gạo này được nghiên cứu nhằm kiểm soát sự thiếu hụt vitamin A ở quốc gia đang phát triển này. Nó được đặt tên theo màu vàng của hạt gạo.
Việc trồng thử nghiệm Gạo Vàng đã bắt đầu ở Philippines từ năm 2013, dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và cơ quan trực thuộc là Viện Nghiên cứu Lúa Philippines (PhilRice). Khi được chính thức cấp phép sinh học vào cuối tháng 7, Bộ Nông nghiệp nói rằng Gạo Vàng là một bước ngoặt của dinh dưỡng quốc gia và kỳ vọng sẽ trồng ở một số tỉnh trong vụ mùa mưa năm 2022.
Theo IRRI, tại các cộng đồng nghèo nhất ở Philippines, cứ 5 trẻ thì có 1 em bị thiếu vitamin A. Vitamin A giúp cho da và mắt được khỏe mạnh, nên sự thiếu hụt có thể gây ra các vấn đề như thị lực kém. Tuy nhiên động thái này của Philippines tạo ra một làn sóng chỉ trích trong bối cảnh lo ngại toàn cầu đang ngày càng gia tăng về sự an toàn của các động thực vật biến đổi gen, hay còn gọi là GMO.
Bà Melanie Guavez, một nông dân trồng lúa ở Camarines Sur, vùng cực đông nam của Luzon, đồng thời là lãnh đạo liên minh chống GMO (SIKWAL-GMO), nói rằng: "Gạo Vàng sẽ đầu độc vùng đất của chúng tôi". Tỉnh bà sinh sống là nơi trồng thử nghiệm vào năm 2013. Tháng 8 năm đó, Guavez và hàng trăm nông dân khác đã nhổ bỏ cây trồng để phản đối trước khi nhà chức trách đánh giá vụ thu hoạch.
"Chính phủ không thông báo cho bất kỳ ai trong chúng tôi về những tác động tiêu cực mà Gạo Vàng có thể gây ra đối với đất đai và sinh kế của chúng tôi," bà Guavez nói.
Tiến sĩ Rey Ordonio, trưởng dự án Gạo Vàng tại PhilRice trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia rằng: "Chúng tôi chỉ đơn giản là cung cấp Gạo Vàng như một giống lúa lai khác mà nông dân có thể chọn để trồng. Gạo Vàng được phát triển vì mục đích nhân đạo. Chúng tôi cố gắng phát triển nó như một giống lai như các giống lúa thông thường để đảm bảo rằng nó sẽ có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận với nông dân cũng như người tiêu dùng".
Tiến sĩ Ordonio đảm bảo với người tiêu dùng rằng Gạo Vàng hoàn toàn an toàn. Ông dựa trên một báo cáo năm 2016 của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ, đã khảo sát gần 900 nghiên cứu và những công bố được chứng nhận rằng cây trồng biến đổi gen không nguy hiểm.
Cây giống Gạo Vàng được trồng tại một khu thí nghiệm ở phía nam Manila vào năm 2013. Ảnh: RT
Bà Guavez nói rằng việc trồng Gạo Vàng đòi hỏi phải tuân thủ khắt khe về thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ mà những người nông dân bình thường không thể mua được. Bà cho biết toàn bộ sáng kiến này sẽ khiến nông dân lâm vào cảnh nợ nần.
Để trả hết các khoản vay, bà sợ rằng những người nông dân mắc nợ sẽ bán đất của họ cho các tập đoàn lớn, những kẻ bay lượn như kền kền đối với bất kỳ ai sẵn sàng từ bỏ tài sản của họ. Guavez cho rằng các doanh nghiệp lớn sẽ được hưởng lợi từ điều này, chứ không phải nông dân.
Giovanni Tapang, hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Philippines và là chủ tịch của Ban vận động Khoa học và Công nghệ cho Nhân dân (AGHAM) chỉ trích ngành công nghệ sinh học. Ông nói rằng những tuyên bố của ngành công nghệ sinh học nông nghiệp, như là chỉ có sản phẩm của họ cần thiết cho thế giới, đã phớt lờ đi thực trạng của đa số nông dân hiện nay. Đất tập trung trong tay của các gia đình chủ đất, trong khi phần lớn nông dân không có đất hoặc thiếu đất để nuôi sống gia đình.
Bà Cathy Estavillo, thuộc tổ chức của những người lao động nông nghiệp Amihan, cũng nhắm tới các công ty đa quốc gia. Bà nói rằng việc đưa Gạo Vàng vào đồng nghĩa với việc chính phủ Philippines tăng cường trung thành với chủ nghĩa kinh tế tân tự do toàn cầu hóa, vốn không mang lại dự báo tốt cho nông dân. Hơn nữa, các tập đoàn đã hỗ trợ phát triển gạo GMO trong nhiều năm nhằm thu lợi từ sản xuất và thị trường của họ.
Bà Estavillo nói thêm rằng ngay cả tiền đề của Gạo Vàng cũng có sai sót: "Bạn cần ăn khoảng 4kg Gạo Vàng để đáp ứng đủ lượng vitamin A cần thiết mỗi ngày. Thay vào đó, tại sao lại không trợ cấp cho sản xuất và vận chuyển rau củ của các địa phương khác? Lý do là các sản phẩm GMO là ‘con bò’ đem lại lợi ích".
Bà cũng đã trích dẫn một nghiên cứu được thực hiện bởi Madeleine Love, một nhà nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Austrlia, người đã tuyên bố rằng 4 kg Gạo Vàng có hàm lượng vitamin A bằng một củ cà rốt.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Ordonio khẳng định dự án phù hợp với lối sống của người Philippines. Vì gạo là lương thực chính của người Philippines, nó cung cấp tốt carbohydrate nhưng lại thiếu các chất dinh dưỡng khác.
Trái với ý kiến trên, bà Estavillo tin rằng Gạo Vàng sẽ không thành công ở thị trường Philippines. Bà đã chứng kiến việc chính phủ phát Gạo Vàng miễn phí từ vào năm 2015 và việc trẻ em bị chán ăn vì màu vàng của gạo.
Tổ chức Amihan hiện đang làm việc với các nhà lập pháp quốc hội và các quan chức ở một số tỉnh để đưa ra nghị quyết hoặc lệnh cấm trồng giống Gạo Vàng biến đổi gen. Bà Estavillo cho biết các nhóm nông dân từ khu vực của bà đang lên kế hoạch cho một đoàn biểu tình kêu gọi nhổ bỏ cây lúa Vàng.
Tham khảo Nikkei