Được shark Bình cam kết rót vốn 8 tỷ, Founder Minh Trang: Trong kinh doanh giáo dục, HẬU QUẢ hay HIỆU QUẢ phụ thuộc lớn vào năng lực, cái tâm và tư duy của người cung cấp dịch vụ!
Mạnh dạn đi trước các ông lớn như Tiki, Fahasa,... với mô hình giao sách định kỳ được nhận xét xét là "quá khó khăn", "mệt mỏi" và "phức tạp", nữ MC kiêm mẹ bỉm sữa nổi danh này quyết biến thách thức thành cơ hội, trở thành doanh nhân giáo dục của start-up vừa nhận được vốn đầu tư ngàn đô trong thương vụ với Shark Bình.
- 16-07-20228 cây cầu phá kỷ lục thế giới: Việt Nam có một, khung cảnh tựa chốn bồng lai, thách thức những người ưa mạo hiểm
- 15-07-2022Không chỉ giàu thứ 4 thế giới, Bill Gates còn là người giàu lòng nhân ái, nhiều năm vẫn chăm làm một công việc
- 14-07-2022Chỉ số IQ cao là yếu tố số 1 dự đoán tiềm năng của một người, nhưng 5 đặc điểm này là chìa khóa quyết định sự thành bại
“Thoát xác” khỏi danh hiệu MC-BTV truyền hình quen thuộc, người mẹ bỉm sữa này đã quyết tâm phải “làm chuyện lớn” khi start-up với hàng loạt dự án giáo dục: Mầm Nhỏ, Hộp Háo Hức và Làng Háo Hức. Hành trình của chị Nguyễn Minh Trang bắt đầu với những bước đi đầu tiên rất nhỏ, từ những chia sẻ đều đặn về cuộc chiến bỉm sữa “dở khóc dở cười” cùng 4 “thiên thần nhỏ” của mình. Sau đó nhờ “hữu xạ tự nhiên hương”, những chia sẻ thật tâm ấy ngày càng được nhiều người đón nhận theo cấp số nhân, lớn lên thành ý tưởng, thành dự án, và tham vọng của người mẹ 4 con ấy nay đã thành công thuyết phục Shark Bình rót vốn gần chục tỷ đồng. Nguyễn Minh Trang và hệ sinh thái giáo dục của chị đã truyền cảm hứng tới cộng đồng về hình tượng một bà mẹ bỉm sữa hiện đại với tư duy kinh doanh đầy “táo bạo” mà “chân thành”.
Chị nghĩ gì về khái niệm kinh doanh giáo dục?
Giáo dục cũng là một sản phẩm dịch vụ rất rõ ràng. Trong ngành dịch vụ này, mức độ trách nhiệm của người tham gia cung cấp dịch vụ sẽ phải rất lớn. Theo tôi, cái “hiệu quả”, cũng như “hậu quả” của sản phẩm dịch vụ giáo dục ấy sẽ phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, vào cái tâm, tư duy và chiến lược những người trực tiếp cung cấp dịch vụ ấy.
Chị có tự nhận mình là một doanh nhân giáo dục?
Khi điều hành Mầm Nhỏ, thật ra tôi không quen lắm với với danh xưng là doanh nhân. Nếu tính ra mặc dù tôi có đến vài cương vị luôn: 1 người mẹ, 1 MC, 1 doanh nhân, 1 nhà giáo dục, 1 KOL. Tuy nhiên thực chất, trọng trách làm mẹ vẫn luôn là xuất phát điểm, là cái gốc giữ tôi có đủ nhiệt huyết, giữ cho tâm của tôi không bị lung lay trong quá trình triển khai các dự án, nhắc nhở cũng như động viên rất nhiều trong tất cả các cương vị khác.
Từ 3 năm trước, mô hình “giao hộp sách định kỳ” còn quá mới, điều gì khiến chị liều lĩnh quyết định khai sinh Hộp Háo Hức?
Số lượng người inbox hỏi tôi giúp đỡ mỗi ngày quá đông, mà nhiều phụ huynh thực sự xuất phát điểm từ tờ giấy trắng. Có người hỏi những câu như: “Chị ơi chị dạy con theo phương pháp gì?”, “Làm sao để em nuôi con được như chị?”, những câu hỏi tôi cảm tưởng phải viết 10 cuốn sách cũng chưa đủ để trả lời trọn vẹn. Và thế là sau 1 năm đằng đẵng, tôi đã nhận ra câu trả lời ở ngay bên mình thôi: đồng hành cùng con, đặc biệt thông qua đọc sách, chính là cách giáo dục tốt nhất. Và khi đó, Hộp Háo Hức chính là mô hình đầu tiên và duy nhất ra đời với dịch vụ định kỳ giao hộp sách kết hợp trò chơi.
Ở nước ngoài, dịch vụ giao hộp hàng tháng như vậy chỉ bao gồm sách thôi. Vì các bạn ấy đã được rèn thói quen yêu sách từ bé, chỉ cần nhìn sách thôi là đã mê tít rồi. Nhưng trẻ con Việt Nam vẫn cần thêm đồ chơi để “níu chân”. Ngoài ra, bố mẹ khi mua Hộp về cho con thì “choáng váng” vì đây không phải bộ đồ bác sĩ, một con búp bê mà cứ thẩy ra là các bạn tự chơi được, còn bố mẹ thì rảnh tay đi làm việc khác.
Kết quả là, tháng đầu tiên mở bán, Hộp Háo Hức có doanh số cực cao, nhưng đến tháng thứ 2 tôi phải ngỡ ngàng khi con số giảm đi mất nửa. Lúc đó, tôi lại xắn tay vào công cuộc “giáo dục người dùng”, chia sẻ với bố mẹ về mục đích cốt lõi: chiếc hộp chính là cái cớ tuyệt vời để cha mẹ có thêm dịp kết nối và đồng hành sâu sắc với con. Nhờ phụ huynh hiểu được những tâm tư đó, doanh thu bắt đầu ổn định trở lại trong những tháng sau.
Đầu 2021, chị đã phải thừa nhận rằng mô hình “giao sách định kỳ” mất nhiều chi phí marketing, vận hành nhưng lợi nhuận lại thấp. Tại sao chị vẫn tự tin mang Hộp Háo Hức tới gọi vốn?
Trong 3 năm qua, tôi rất lo vì mô hình của mình chưa hề có đối thủ cạnh tranh. Đó là vì thị trường subscription quá khó, quá mệt mỏi, phức tạp để vận hành. Đến cả những ông lớn có khả năng vận hành như Tiki, Fahasa cũng chưa hề triển khai mô hình này. Lí do thứ nhất là vì tâm lý người tiêu dùng còn e ngại “trả tiền trước nhận sau” và hệ thống thanh toán tại Việt Nam chưa thực sự tối ưu.
Mặc cho những thách thức đó, Hộp Háo Hức duy trì được đã 3 năm qua - một cột mốc mà có tới 95% các startup không thể chạm tới. Tôi nhận thấy đây là thời điểm mà start-up của mình vừa đủ trưởng thành và khẳng định được hiệu quả lẫn tác động tới cộng đồng. Hộp Háo Hức đã được Shark Bình chốt đầu tư 8 tỷ đổi lấy 20% cổ phần trên Shark Tank mùa 5, tương đương mức định giá là 40 tỷ. Đây không phải là con số quá cao so với nhiều startup đã lên sóng, nhưng điều này thể hiện sự đánh giá cao của nhà đầu tư về mô hình “subscription box” trong lĩnh vực giáo dục - vốn là mô hình từng gặp rất nhiều rào cản ở Việt Nam, bởi thực tế là 100% các đơn vị từng triển khai mô hình này trước đây đều thất bại.
Shark Bình với khẩu vị đầu tư là mở rộng nhanh, rủi ro cao nhưng lợi nhuận bùng nổ. Theo chị thì USP (Unique Selling Point - Lợi điểm bán hàng độc nhất) nào của Mầm Nhỏ thuyết phục được Shark. Tại sao chị lại lựa chọn Shark Bình để hỗ trợ phát triển Mầm Nhỏ?
Tôi nghĩ mô hình subscription box bản thân nó đã là một điểm hấp dẫn đặc biệt với các Shark bởi khả năng mở rộng và phát triển nhanh, bền vững. Thị trường tôi đang nhắm tới cũng ngày càng phát triển rầm rộ: gần 20 triệu trẻ em độ tuổi 10-15 (người tiêu dùng cuối cùng) và 25-28 triệu người 20-40 tuổi (khách hàng). Doanh thu hơn 45 tỷ sau 3 năm ra mắt cũng khiến tôi vô cùng tự tin vào khả năng tăng trưởng của mình. Tôi lựa chọn đồng hành cùng Shark Bình vì tôi nghĩ mảng bán lẻ (B2C) và công nghệ trong hệ sinh thái hiện tại của quỹ Next100 mà Shark Bình có sẽ hỗ trợ hiệu quả nhất cho Hộp Háo Hức. Ngoài ra, Shark Bình cũng có con nhỏ. Ngoài vai trò một nhà đầu tư, doanh nhân, tôi tin rằng tâm huyết của người làm cha mẹ cũng sẽ là điểm kết nối bền chặt giữa chúng tôi.
Ngược lại sự mới mẻ của Hộp Háo Hức, mô hình giáo dục trải nghiệm lại đã quá phổ biến tại Việt Nam, tại sao chị vẫn quyết tâm đến mức mua hẳn một khu đất để xây dựng nên Làng Háo Hức?
Đó là vì bình thường mọi người làm trại hè sẽ không bao giờ dành nhiều tiền để xây dựng cả một khu như tôi làm đâu. Thế nhưng tôi lại khá “trăn trở” khi không gian nhà ở, tiện ích trải nghiệm đều không hề được tối ưu cho các hoạt động của trẻ con. Trên khu đất tôi mua chỉ có sẵn một ngôi nhà cấp 4 trên khu trồng chè của vùng núi Thái Nguyên. Vậy là tôi có cả một trang giấy trắng để cùng các bé hãnh diện tự xây nên không gian của chính mình.
Thứ hai, các chương trình từ trước đến giờ ở Việt Nam đều hướng đến những thứ cao siêu như kĩ năng lãnh đạo. Giáo dục trẻ em không phải là dạy những thứ cao siêu như kĩ năng lãnh đạo, mà phải bắt đầu từ những việc nhỏ như biết gấp chăn màn, tự biết dọn ghế, rửa bát sau khi ăn… Một từ khóa xuyên suốt cho những chương trình của tôi chính là sự tôn trọng: tôn trọng chính bản thân, bạn bè, thầy cô, môi trường xung quanh nữa. Đây chính là cái gốc gác chi phối năng lực, hành vi, để rồi sau những trải nghiệm biết trân quý đó, các bạn nhỏ sẽ tự nghiệm ra những triết lý cho riêng mình.
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Hộp Háo Hức còn có các nhân sự là người điếc, hướng tới xây dựng một doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Liệu chị có đang tự tạo cái khó cho mình?
Không hề, từ ngày đầu tiên thành lập tôi đã quyết tâm phải đưa các bạn điếc vào doanh nghiệp của mình. Bộ phận sản xuất đóng gói bao bì yêu cầu sự tập trung, rất phù hợp với các bạn điếc. Tôi cũng muốn tạo ra một môi trường làm việc an toàn, văn minh, nhân văn cho người khuyết tật vì cơ hội việc làm của họ rất khó khăn.
Tôi tâm niệm là việc tích hợp các nhân viên khuyết tật vào một bộ phận nào đó trong doanh nghiệp nên được lan tỏa rộng rãi. Thay vì một năm công ty cứ bỏ tiền cho nhân viên đi lao động công ích, rồi từ thiện quỹ nọ kia thì tại sao không làm những việc có ích như vậy hàng ngày trong công việc. Tôi mong trong tương lai không còn cần rạch ròi dùng đến khái niệm “Doanh nghiệp xã hội” nữa. Bất kể doanh nghiệp nào được lập ra, dù là kinh doanh thuần túy, đều nên gắn với sứ mệnh tạo được tác động bền vững trong cộng đồng, bất kể là về nhân sự, cách vận hành hay sản phẩm.
Nhưng rất hiếm doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam đạt được cùng lúc 2 mục tiêu: Đem lại giá trị cho cộng đồng và Đạt mục tiêu lợi nhuận. Đến với Shark Tank với ý tưởng mở rộng kinh doanh, liệu chị có nghĩ mình sẽ phải thỏa hiệp và mất dần đi yếu tố "xã hội" không?
Việc đem lại “giá trị cho cộng đồng” của Hộp Háo Hức không giống như một số doanh nghiệp sản xuất thương mại thông thường, là trích lợi nhuận để thực hiện các chiến dịch CSR hay làm từ thiện. Bản thân sản phẩm và mô hình của tôi khi triển khai và duy trì được chất lượng, đã góp phần xây dựng văn hoá đọc cho trẻ em. Khi nhận được đầu tư và mở rộng kinh doanh, tôi cũng sẽ tuyển dụng thêm nhiều các nhân sự điếc để đáp ứng nhu cầu gia công sản phẩm.
Tôn chỉ của tôi là: Phát triển và mở rộng đến cỡ nào cũng quyết không hy sinh những cam kết đóng góp cho cộng đồng. Bởi đó là lí do vì sao Hộp Háo Hức ra đời, và đó cũng là động lực để chúng tôi vượt qua khó khăn, trưởng thành hơn mỗi ngày.
Công việc kinh doanh bận rộn như vậy, các con ngày một lớn hơn, chị có cảm giác mình không dành đủ thời gian đủ cho chính con mình không. Làm cách nào để chị kéo con gần lại và giữ hạnh phúc gia đình?
Khoảng cách thế hệ là thứ chắc chắn có, tôi không thể nào chối bỏ được vì bản chất việc sinh ra ở 2 giai đoạn khác nhau, ở những môi trường tương tác hàng ngày khác nhau thì tất nhiên sẽ có những khoảng cách như thế. Phụ huynh đừng cố xóa nhòa khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái, vì đó mới là thứ gia vị thú vị cho mối quan hệ thiêng liêng ấy. Tôi thích mê khi được con hỏi: “Mẹ ơi mẹ kể cho con ngày xưa những trò nhí nhố mẹ hay làm mà bị bà mắng đi”, cũng hay theo tôi đi đến văn phòng, sự kiện. Ngược lại tôi cũng như thế, cũng rất tò mò về thế giới của con. Cũng chính như giữa tôi và chồng, cách nhau 7 tuổi, cũng tạm gọi là có khoảng cách thế hệ rồi, và mỗi người lại mang đến cho người kia nhiều thứ để học hỏi. Sự tôn trọng chính là chìa khóa để chúng ta đóng góp vào mỗi mối quan hệ một cách chân thành và bền vững nhất.
Cũng bận rộn như bao bậc phụ huynh khác, đâu là bí quyết để chị không trở thành “cha mẹ hổ” mà là “cha mẹ thiên thần” trước con cái?
Phụ huynh Việt Nam nói chung trong 10 năm trở lại đây có sự thay đổi rất lớn so với thế hệ trước. Tuy nhiên, ý thức chủ động tiếp cận những kiến thức về nuôi dạy con ở nhiều khu vực còn hạn chế. Đến độ tuổi đủ để kết hôn, con người ta vẫn mới chỉ có năng lực sinh lý về việc sinh con, chứ năng lực về tâm lý, kĩ năng nuôi dạy con của nhiều cha mẹ Việt Nam thì lại hoàn toàn là một con số 0. Thế nên tôi rất quan trọng việc trang bị thêm kiến thức để nuôi dạy con với tình yêu và sự tỉnh táo.
Ngoài ra, tôi cũng luôn chủ trương trở thành một “happy mom” thay vì là “super mom”. Ai cũng cần sự giúp đỡ khi cần thiết. Trong 1-2 năm đầu tiên khi startup, tôi khóc thường xuyên. Nhưng nhờ có sự hỗ trợ của nhiều team trong công ty, đặc biệt là sự đồng hành cả về tài chính lẫn tinh thần và chuyên môn của chồng, nên giờ không còn phải khóc mấy nữa rồi.
Phụ huynh cũng đừng lạm dụng câu “áp lực tạo kim cương”. Cách lựa chọn áp lực và cách tung áp lực đó ra cho con phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cá nhân, khả năng tiếp nhận, tính cách của từng bé. Bạn không thể ném tự dưng con ra giữa biển và bảo con biết bơi đi mà vẫn hi vọng con còn sống được.
Trong thời gian tới, chị có kế hoạch cho dự án tiên phong nào khác trong hệ sinh thái giáo dục của mình không?
Tôi không tự nhận bản thân là người tiên phong các phong trào giáo dục đâu. Vì theo tôi, giáo dục không phải thứ gì đao to búa lớn, không cần phải nâng tầm lên mức trường phái, phong trào gì cả. Giáo dục thực ra rất nhỏ thôi. Đi trên đường nhìn thấy cọng rác thì bố mẹ biết nhặt lên đã chính là hành vi giáo dục con cái của tôi rồi.
Các dự án của tôi đều không mục tiêu quá nhiều tới tốc độ tăng trưởng, mà tôi coi trọng chỉ số hài lòng của khách hàng, phản hồi của đối tác, chất lượng. Do đó, chúng tôi sẽ ưu tiên thời gian sắp tới để mở rộng thị trường tới các khu vực nông thôn, nơi cha mẹ chưa thực sự quan tâm tới văn hóa đọc, nơi những cuốn sách tốt vẫn chưa được tiếp cận, vì mục tiêu là 10 triệu trẻ em và gia đình Việt Nam đọc sách mỗi ngày, chứ chưa có sản phẩm mới. Với hình ảnh người nổi tiếng và kinh nghiệm làm truyền hình lâu năm, để kiếm được tiền thì có tôi nhiều cách lắm, đặc biệt như các ngành lợi nhuận cao như bán mỹ phẩm, thời trang. Nhưng tôi chọn con đường hiện tại vì tối đi ngủ tôi cảm thấy mình đang được tận hưởng cuộc sống, mặc dù rất mệt.
Một điều khiến tôi luôn muốn tiếp bước tâm huyết này chính là hàng ngày sau khi miệt mài làm việc thì nhận ra: mỗi khi các dự án kinh doanh của tôi phát triển thêm một chút, cũng chính là lúc tôi nhìn thấy sự trưởng thành, khôn lớn của các con.
Cảm ơn chị vì những chia sẻ đầy tâm huyết!
Nhịp sống kinh tế