Được tăng lương, dân văn phòng vẫn nghèo đi vì bão giá
Tuy mới được tăng lương, nhưng cô gái lại cảm thấy mình nghèo đi vì lạm phát cũng tăng theo
- 10-06-2022Giá cả leo thang, chật vật kiếm tiền ăn ở: Gen Z không ngại nhảy việc để tăng lương, thà vay tiền mua nhà còn hơn đi thuê đắt đỏ
- 27-05-2022'Lỗ' 1 tỷ vì mê du lịch, bà mẹ ở Nha Trang tiết lộ: Đi về lương tăng gấp 3!
- 27-04-2022Có 3 thế hệ làm văn phòng: 7x tiết kiệm, 8x đầu tư và 9x thì... nợ thẻ tín dụng vì lương không tăng nhưng vẫn bất chấp tiêu tiền
Trương Lam (1992, Bắc Ninh) chia sẻ về vấn đề tăng lương trong thời bão giá. Không chỉ mình cô nàng, mà đây là tình trạng chung của rất nhiều người trẻ, khi nguồn thu thường chỉ tập trung vào 1 công việc chính duy nhất. Hiện tại, Lam đang là Sales Admin của một Công ty công nghệ, mới đây nhất, mức lương của cô nàng được tăng thêm 12%. Nhưng trái với việc vui mừng, cô nàng lại cho biết: "Mình vừa được tăng lương, nhưng niềm vui chưa được bao lâu, thì mình chợt nhận ra rằng... thời bão giá lại tới. Dù được tăng lương nhưng chính mình cảm thấy bản thân đang dần nghèo đi."
Tại sao tăng lương mà mình vẫn thấy nghèo đi?
Giá thực phẩm tăng quá nhanh
Bản thân mình mới lập gia đình cách đây khoảng 2 năm, nên mình đã học được những cách quản lý tài chính trong hôn nhân khá hiệu quả. Mình là một người chi tiêu tiết kiệm, cực kỳ nghiêm khắc với bản thân, vì thế, sau khi lấy chồng, mình càng chú trọng hơn vào việc so sánh giá cả, những ưu đãi của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, các cửa hàng bán đồ tiêu dùng hơn nữa.
Chính vì thường xuyên theo dõi giá cả, thế nên dạo gần đây mình nhận ra rằng: "Giá thực phẩm đang tăng quá nhanh!". Rau muống từ 10k/bó, nay đã tăng lên 15k/bó, tính ra là tăng đến 50% rồi. Thịt thà thì mình chưa tính đến, nhưng ngay cả những món chả thịt, chả cá cũng tăng đâu đó hơn 20%. Rồi những đồ ăn khác như các loại bún, cơm quán bình dân,... trước đây chỉ dao động 30-35k/suất, nhưng bây giờ thì toàn 40-45k/suất. Những món đồ uống mình hay uống, như Highlands, cũng đang có thông báo tăng từ 10-15%, thậm chí có món tăng 18%.
Mọi thứ đều tăng nhanh một cách chóng mặt. Nhìn lại lương mình thì đáng buồn thay, chỉ tăng vỏn vẹn 12%, thì hỏi làm sao mà chúng mình không nghèo đi cơ chứ!
Tâm lý tiêu tiền: Ok, tăng lương rồi, mình tự thưởng bản thân thôi!
Một điều đáng buồn nữa khiến mình dễ dàng nghèo đi, đó chính là tâm lý "tự thưởng bản thân". Điều này không sai, nhưng mình đã gần như cắt bỏ nó ra khỏi cuộc sống, từ khi nhận ra rằng mình nghèo đi vì những thứ không tên thế này.
Trước đây, sau mỗi lần tăng lương, khoảng 6 tháng - 1 năm, mình thường lấy lí do "Mình đã chăm chỉ trong thời gian dài, tăng lương rồi mình cũng tự thưởng bản thân thôi!", nghe hết sức là hợp lý. Thế là mình tự đi ăn những món ngon ở nhà hàng đắt đỏ mà trước đó mình không dám đi, mua 1 chiếc váy hoặc túi xách hiệu bình thường cũng không dám xài, đi du lịch đổi gió,... Ôi trời, kể ra thì không hết được. Cứ nghĩ chỉ thưởng bản thân 1 món, nhưng có những lần "lỡ tay" tự thưởng bản thân hết cả tháng lương ấy chứ đùa!!!
Tốc độ tăng lương không theo kịp tốc độ lạm phát
Thực tế cho thấy rằng, không phải công việc nào cũng có tốc độ tăng lương bằng hoặc cao hơn tốc độ lạm phát, để có thể giảm bớt sự mất giá đồng tiền trong túi. Hoặc nhiều khi, lương tăng ít cũng chẳng đủ để đuổi kịp lạm phát.
Lấy 1 ví dụ nhỏ: Nếu tổng thu nhập của bạn là 100 triệu/ năm, 1 năm chi khoảng 10% cho tiền rau, tức là bằng 10% giá trị danh mục. Khi có lạm phát, rau tăng gấp đôi, nếu vẫn giữ nguyên 10% giá trị danh mục này, bạn sẽ tiêu tốn khoảng 20 triệu/ năm.
- Vậy nếu lương của bạn được tăng 12% lận, nhưng nếu tính theo kiểu này, bạn cũng sẽ chỉ giữ lại thêm được khoảng 2 triệu/tháng. Con số này đúng thật chẳng thấm vào đâu!
Làm gì khi những người tự lực cánh sinh như mình "bớt nghèo" đi 1 chút trong thời bão giá
Hãy cố gắng để tốc độ tăng lương theo kịp tốc độ lạm phát
Nếu như bạn đang làm tốt công việc của chính mình, được sếp yêu quý, tạo ra nhiều giá trị cho công ty,... thì chắc chắn sẽ có tên trong kỳ xét tăng lương sắp tới, cuộc sống sẽ được thoải mái hơn đôi chút.
Nhưng nếu như công việc vẫn không có phát triển, nhìn lại thời gian vừa qua cũng không có gì đột biến, thì 6 tháng tới có lẽ vẫn sẽ êm đềm như thế? Và rồi chi tiêu tiếp tục bị cắt giảm, cho đến khi không thể cắt giảm được nữa, cuộc sống sẽ ngày càng bị eo hẹp bởi chính sự bão giá này.
Vậy nên, để hạn chế không vấp phải tình trạng này, hãy cố gắng để đặt tên mình vào danh sách tăng lương sắp tới. Cùng mình làm 1 bài toán nhỏ để tính toán con số tăng lương hợp lý nhé:
- Thường thì tốc độ lạm phát trung bình ở Việt Nam rơi vào khoảng 3%/ năm, tốc độ phát triển trung bình 1 năm là 7%, thì lương của bạn cần được tăng ở mức (1,03 x 1,07 = 1,1021) là khoảng 10% mới đủ chống chọi với bão giá - ít nhất là như thế.
Nếu công ty hiện tại có chế độ tăng lương ở dưới 10%, thì bạn nên xem xét nhảy việc, lựa chọn những công ty có những đãi ngộ tốt hơn. Hoặc nếu như bạn không muốn mạo hiểm, hãy cố gắng gia tăng nguồn thu bằng những công việc làm thêm ngoài giờ khác tùy theo năng lực của mình.
Tiết kiệm tối đa nhất có thể, tốt nhất là vượt mức 40% lương
Mình đã thực hiện việc tiết kiệm từ khi có những đồng lương đầu tiên. Khi mới ra trường, lương khởi điểm của mình chỉ khoảng 8 triệu, chi phí tiền nhà + tiền sinh hoạt tối thiểu cũng mất 5 triệu, vậy là mình tiết kiệm được 3 triệu, khoảng 40% thu nhập khi đó. Đến khi mức lương tăng lên khoảng 15, 20 triệu, mình vẫn giữ tiết kiệm ở mức này. Nhưng khi bước qua tuổi 25, và đặc biệt là khi có gia đình, mục tiêu của vợ chồng mình là nâng tiết kiệm lên mức 50% tổng thu nhập của cả 2. Để duy trì được con số này, thực sự cần sự kỷ luật đến từ cả 2 bên.
Vai trò của tiền tiết kiệm thì chắc ai cũng rõ. Với nhà mình, tiền tiết kiệm được sử dụng với 2 mục đích chính: dùng cho trường hợp khẩn cấp (thất nghiệp mấy tháng vẫn có thể sống thoải mái, ốm đau bệnh tật có tiền để chữa trị,...) + dùng để đầu tư, khiến tiền đẻ ra tiền. Chỉ có như vậy, thì dù cho tốc độ lạm phát có tăng nhanh hơn trong thời gian tới, thì ít nhất bọn mình đã có cơ sở để chống đỡ cái thời " bão nào bằng bão giá " này.
Học cách đầu tư càng sớm càng tốt
Vợ chồng mình không sành sỏi về đầu tư quá nhiều. Nhưng chúng mình ý thức được rằng, nếu như tiết kiệm tiền xong rồi để đấy, chỉ khiến chúng mình ngày càng nghèo đi chứ giàu sao nổi. Vì thế, chúng mình lựa chọn những kênh đầu tư khá an toàn như vàng, quỹ mở và ngân hàng. Mục đích chính của chúng mình, đó là khiến cho số tiền tiết kiệm được, sinh sôi nảy nở, tiền lãi kép này bắt buộc phải cao hơn tỷ lệ lạm phát.
Một trong những quy tắc mình rõ nhất khi đầu tư, đó là không bỏ hết trứng vào 1 rổ, không dồn hết tiền chỉ để mua vàng hoặc gửi hết vào ngân hàng. Mình có 1 số mẹo khá hiệu quả muốn chia sẻ với các bạn như sau:
- Đối với việc mua vàng, hãy bỏ số tiền tiết kiệm dành cho quỹ khẩn cấp để dự trữ vàng. Vàng là loại tài sản dễ thanh khoản, thế nên dù cho cần tiền gấp thì bạn có thể sử dụng được luôn.
- Đối với tiền gửi ngân hàng: Mình được khuyên rằng, chỉ nên gửi tối đa 250 triệu/1 tài khoản tại 1 ngân hàng. Lý do ở đây, thứ nhất hạn mức 250 triệu cũng đủ khiến bạn nhận được nhiều ưu đãi, với mức lãi kép lên tới 10%/ năm. Thứ hai, trường hợp xấu nhất xảy ra, hệ thống an ninh của ngân hàng gặp trục trặc, tài khoản của bạn gặp vấn đề không may nào đó, thì cũng sẽ không khiến cho toàn bộ số tiền tiết kiệm của bạn bốc hơi.
- Đối với những quỹ tài chính mở: Hiện nay, quỹ tài chính mở đang ngày càng phổ biến hơn, an toàn hơn. Để tham gia những quỹ mở này, bạn sẽ mua gián tiếp qua các nhà quản lý quỹ chuyên môn, có trách nhiệm với số tiền bạn đầu tư quỹ. Có rất nhiều sản phẩm tài chính trung gian giúp bạn đầu tư dù chỉ với số tiền nhỏ vài trăm ngàn đồng. Mức lãi kép của khoản đầu tư này cũng sẽ giúp bạn yên tâm chống chọi với lạm phát thời bây giờ.
Cảm ơn Trương Lam vì những chia sẻ!
Trí Thức Trẻ