MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Được tháo "gông", xuất khẩu gạo vẫn chưa thoát đà suy thoái

25-06-2019 - 10:18 AM | Thị trường

Sau 9 tháng có hiệu lực, Nghị định 107 cũng chưa thể "cứu" được đà suy thoái của xuất khẩu gạo Việt Nam. ...

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2019 gặp nhiều diễn biến bất lợi về thị trường.

Ngoại trừ thị trường Philippines, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm và dự báo sẽ là cả năm 2019 với những lý do khác nhau: tồn kho vụ cũ cao ở Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia hay khôi phục sản xuất sau lũ lụt ở Bangladesh.

Sự sụt giảm nhập khẩu cùng lúc từ 3 thị trường đã làm cho kết quả xuất khẩu gạo của 3 nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều khá ảm đạm. Đối với Việt Nam, cùng kỳ 5 tháng 2018 xuất khẩu sang 3 thị trường này đạt 1,44 triệu tấn thì con số năm 2019 chỉ là 239 nghìn tấn.

Đối với Thái Lan, tổng xuất khẩu sang 3 thị trường trên cũng sụt giảm 71,6% so với cùng kỳ năm trước, làm cho tổng lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan trong 4 tháng năm 2019 giảm tới 16% so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, trị giá đạt khoảng 1,18 tỷ USD, giảm 20,4%.

Giá gạo xuất khẩu trung bình 5 tháng đầu năm khoảng 427,5 USD/tấn, giảm khoảng 76,8 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2018.

Những năm gần đây, nhiều nước tiêu dùng, nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo như: Thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo; Thay đổi phương thức nhập khẩu gạo cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu G2P để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn; Các nước nhập khẩu cũng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực; Các nước sản xuất tập trung tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, điều kiện canh tác để sản xuất gạo có chất lượng và có thương hiệu.

Các nước như Myanmar, Campuchia, Pakistan đều nỗ lực gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu. Trung Quốc không chỉ là nước nhập khẩu gạo lớn nhất mà cũng trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới. Các động thái và tình hình trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua.

Trước xu thế toàn cầu trên, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan trong thời gian qua đã nỗ lực triển khai các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần tiêu thụ hết lúa gạo cho người nông dân.

Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành 3 chính sách lớn là: Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị định quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo được ban hành với việc nới lỏng các điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo so với Nghị định 109/CP trước đây, mở rộng và tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo nên được nhiều người quan tâm đón nhận, và kỳ vọng nó sẽ là "làn gió" mới thúc đẩy ngành gạo xuất khẩu của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, ngay cả với người nông dân, các hợp tác xã hay doanh nghiệp.

Giới chuyên gia đánh giá Nghị định đã tháo "gông" khi bãi bỏ một số điều kiện gây khó cho doanh nghiệp muốn gia nhập ngành kinh doanh này. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ không phải đầu tư kho chứa, không phải đăng ký xuất khẩu gạo qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam, không còn giá sàn xuất khẩu gạo..

Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có hơn 140 doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu gạo, trong đó, 3 doanh nghiệp được cấp sau khi Nghị định 107/2018 có hiệu lực từ ngày 1/10.

Như vậy, sau 9 tháng có hiệu lực, Nghị định 107 cũng chưa thể "cứu" được đà suy thoái của xuất khẩu gạo Việt Nam.

Trong năm 2019, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt 6 triệu tấn, tương đương so với kết quả đã đạt được của năm 2018, trong đó thị trường chủ yếu là khu vực châu Á.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 6,1 triệu tấn lúa gạo, trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 5,1% về lượng và 16,3% về giá trị so với năm 2017. Song song đó, Việt Nam cũng đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo.

Như vậy, để đạt được mục tiêu trên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần phải tăng tốc hơn nữa.

Theo Bạch Huệ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên