Được UNDP tài trợ, startup Việt Selex Motors trở thành hãng xe máy điện 2 bánh đầu tiên trên thế giới đăng ký thành công tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn GS
Dự án của UNDP và Selex Motors là nỗ lực nhằm thử nghiệm khả năng sử dụng tín chỉ các-bon để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang giao thông phát thải thấp tại Việt Nam.
- 19-09-2024Hệ thống đổi pin xe điện của Selex Motors tiến sang Đà nẵng, đã có mặt tại 4 tỉnh thành
- 14-06-2024Xe máy điện của tập đoàn "bồn nước" dùng pin hoán đổi của Selex Motors, phát triển mạng lưới dùng chung pin
- 02-02-2024Tài xế giao nhận chỉ cần trả trước hơn 2 triệu đồng để mua xe máy điện Selex Motors
Ngày 3/12, chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Phát triển dự án tín chỉ các-bon thí điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải” nhằm chia sẻ các bài học và kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai Dự án.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Cơ quan Nhà nước, Tổ chức, và Doanh nghiệp có liên quan đến thị trường tín chỉ các-bon trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Trong khuôn khổ Dự án trên, UNDP hợp tác với nhà sản xuất xe máy điện - Selex Motor, để triển khai thí điểm một dự án tín chỉ các-bon cho xe máy điện tại Việt Nam và hoàn tất quy trình thẩm định quốc tế theo Tiêu chuẩn Vàng (Gold Standard).
Với sự tài trợ của UNDP, Selex Motors trở thành hãng xe máy điện 2 bánh đầu tiên trên thế giới đăng ký thành công tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn vàng (Gold Standard - GS).
CTCP Phương tiện điện Thông minh Selex (Selex Motors) thành lập tháng 6/2018, là startup trong lĩnh vực xe điện. Không chỉ tập trung phát triển dòng xe máy điện "bán tải" dành cho lĩnh vực giao vận, công ty này còn là đơn vị đầu tiên hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm xe máy điện tối ưu lĩnh vực giao vận tại Đông Nam Á.
Đáng chú ý, Selex Motors là công ty duy nhất ở Việt Nam được Samsung và LG xác nhận có nhà máy sản xuất pin đạt tiêu chuẩn.
Dự án của UNDP và Selex Motors là nỗ lực nhằm thử nghiệm khả năng sử dụng tín chỉ các-bon để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang giao thông phát thải thấp tại Việt Nam.
Dự án thí điểm đặt mục tiêu đóng góp vào giảm phát thải khí nhà kính trong bối cảnh ngành giao thông vận tải dự kiến sẽ tăng đáng kể lượng phát thải trong những năm tới nếu không có các biện pháp giảm thiểu phù hợp.
Theo kiểm kê khí nhà kính năm 2016, ngành giao thông vận tải tại Việt Nam phát thải khoảng 35 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 11% tổng phát thải quốc gia. Nếu không có các giải pháp hiệu quả, lượng phát thải này có thể tăng lên 88 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030.
Ông Vũ Thái Trường, Quyền Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam, chia sẻ: “ Dự án thí điểm tín chỉ các-bon từ xe máy điện là một nỗ lực bước đầu nhằm đánh giá tính khả thi của các giải pháp giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam. Dự án này không chỉ giúp kiểm nghiệm thực tế mà còn tạo ra những bài học kinh nghiệm hữu ích để tiếp tục phát triển các sáng kiến tương tự trong tương lai .”
Tại hội thảo, UNDP và các đối tác đã trình bày về những kết quả nổi bật của Dự án, bao gồm: Hỗ trợ phát triển khung chính sách thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật và tổ chức đối thoại chính sách cấp cao; Nâng cao năng lực cho cộng đồng với hơn 200 người đã tham gia các chương trình đào tạo và truyền thông nâng cao nhận thức về lợi ích của xe máy điện. Ngoài ra, Dự án đã triển khai chương trình hỗ trợ tài chính nhằm tăng khả năng tiếp cận xe máy điện cho người dân.
Những kết quả này đã tạo cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu và mở rộng các giải pháp giao thông phát thải thấp trong tương lai.
UNDP cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu khí hậu quốc gia, đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hội thảo đã tạo cơ hội để các bên liên quan chia sẻ bài học, thảo luận những thách thức, và tìm kiếm các giải pháp thực tiễn để phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam.
Nhịp sống thị trường