Được ví von là 'kẻ leo bảng xếp hạng tham vọng', Ngân hàng Quân đội MB đang làm ăn ra sao?
Việc giá trị thương hiệu MB tăng nhanh chóng cũng phản ánh chính xác những thay đổi mạnh mẽ của ngân hàng này trong vài năm gần đây.
- 10-02-202211 nhà băng Việt lọt Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất toàn cầu: Techcombank lần đầu lọt Top200, giá trị MB tăng gấp đôi
- 09-02-2022Top 10 ngân hàng cho vay nhiều nhất 2021: Big4 vẫn yên vị, nhóm tư nhân chạy đua mạnh mẽ với cú bứt phá của MB
- 07-02-2022Techcombank lập kỷ lục CASA, MB và Vietcombank "bó tay" đứng nhìn?
Theo công bố mới đây của Brand Finance, Việt Nam có 11 ngân hàng lọt Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu đắt nhất hành tinh (Banking 500), tăng thêm 2 ngân hàng so với bảng xếp hạng năm ngoái.
11 ngân hàng này bao gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, VPBank, ACB, BIDV, Techcombank, MB, Sacombank, HDBank, SHB.
Xét giá trị thương hiệu, Agribank được xếp đầu bảng tại thị trường Việt Nam, với thứ hạng 157 toàn cầu, tăng 16 bậc so với năm 2021.
Các thứ hạng tiếp theo lần lượt thuộc về VietinBank (184), Techcombank (196), VPBank (205), BIDV (212), MB (247), ACB (311), Sacombank (370), HDBank (430) và SHB (456).
Điểm đáng chú ý là việc Brand Finance gọi MB là một trong những "kẻ leo bảng xếp hạng tham vọng" (Ambitious climbers) - một trong những thương hiệu tăng giá trị nhanh nhất trong bảng xếp hạng Brand Finance Banking 500 năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 113%, lên 642 triệu USD.
Việc giá trị thương hiệu tăng nhanh chóng cũng phản ánh chính xác những thay đổi mạnh mẽ của ngân hàng này trong vài năm gần đây.
Thế cân bằng
Một điểm khác biệt của MB so với các nhà băng khác là tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn. Cổ đông lớn nhất của MB là tập đoàn Viettel với 14,1% cổ phần. Một doanh nghiệp quân đội khác là Tân Cảng Sài Gòn sở hữu 7,14%, tiếp theo là công ty Trực thăng Việt Nam thuộc bộ Quốc phòng sở hữu 7,39%, Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel sở hữu 3,05%.
Ngoài những cổ đông quân đội, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước SCIC cũng sở hữu 9,34%. Nếu tính cả định chế lớn thì nhà đầu tư tổ chức chiếm gần 60% cổ phần của tổ chức tín dụng này.
Với cơ cấu cổ đông này, MBBank có tập khách hàng ổn định đến từ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên vài năm gần đây, MBBank mở rộng sang cả khách hàng bán lẻ. Mảng kinh doanh này đưa tỷ lệ tăng trưởng khối khách hàng cá nhân đạt mức 40-50%/năm trong vài năm gần đây.
“Các ngân hàng khác quá thiên về doanh nghiệp, một số thiên về cá nhân, MB thì cân bằng hơn. Chúng tôi không bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ”, CEO Lưu Trung Thái từng chia sẻ về định hướng phát triển của nhà băng này trên Forbes.
Với chiến lược cân bằng này, hoạt động kinh doanh và thu nhập lãi thuần của MBBank có những kết quả đáng kinh ngạc. Thu nhập lãi thuần năm 2021 của nhà băng này có quy mô gấp 311 lần năm 2003. Lợi nhuận trước thuế cũng gấp 228 lần so với trước đó.
Không những vậy, MBBank nhanh chóng vượt lên Techcombank hay ACB trong cuộc đua về thu nhập lãi thuần, chỉ xếp sau VPBank.
Dư nợ cho vay khách hàng của MBBank cũng tăng ấn tượng khi quy mô tăng gấp lần 132 lần. Tổng tài sản gấp 151 lần so với thời điểm cuối năm 2003.
Á quân về CASA
Nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (CASA) - loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ từ 0,1-0,8%/năm, được xem là một trong những giải pháp giảm chi phí vốn tối ưu. Tỷ lệ này càng lớn thì ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, từ đó, giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Mặt khác, tỷ lệ này cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích trong thu hút và tạo nền tảng khách hàng.
Trước khi Techcombank vươn lên mạnh mẽ về CASA trong vài năm trở lại đây, thì khoảng 4 năm trước, MBBank và Vietcombank luôn là những nhà băng dẫn đầu với những lợi thế vượt trội.
Năm 2019, tỷ lệ CASA tại Vietcombank, Techcombank, MBBank đều ở quanh mức 30%. Và sau 2 năm đã có những thay đổi lớn.
Năm 2021, tổng tiền gửi của khách hàng của MBBank trong năm qua tăng 23,7% lên 384.692 tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng tăng tới gấp rưỡi lên 171.396 tỷ đồng, là một trong những ngân hàng có tăng trưởng mạnh nhất. Bên cạnh đó, tiền gửi ký quỹ cũng tăng vọt 66% lên 11.728 tỷ đồng, tiền gửi vốn chuyên dùng ở mức 4.388 tỷ đồng.
Ước tính tỷ lệ CASA cuối năm 2021 ở mức 49%, tăng mạnh so với mức 41% cuối năm 2020. Đây cũng là mức cao nhất về CASA mà MBBank đạt được từ trước đến nay và gần đuổi kịp Techcombank (50,5%).
Theo giải thích của Forbes, mối quan hệ lâu năm của MBBank với khối doanh nghiệp quân đội và nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa mang lại lợi thế lớn trong việc tăng CASA. Điều này giúp MBBank vượt lên những ngân hàng gạo cội như BIDV, VietinBank, Vietcombank, Sacombank,... dù mạng lưới ít hơn rất nhiều.
Doanh nghiệp và Tiếp thị