MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dưới tác động của cách mạng 4.0, "đũa thần" tạo nên "phép màu kinh tế Việt Nam" sẽ làm được thêm điều gì?

Nhiều nhà đầu tư đánh giá đất nước hơn 90 triệu dân đang dần trở thành trung tâm công nghệ mới của Đông Nam Á.

Trên trang Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã có một số bài viết phân tích về sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Trong đó, các tác giả tập trung vào việc nhận định Việt Nam là ngôi sao sáng thuộc nhóm thị trường mới nổi nhờ vào GDP tăng trưởng ổn định, trong khoảng 6 – 7%. Bên cạnh đó, xuất khẩu, thu hút vốn FDI cũng là những điểm nhấn đáng lưu ý.

Sự bứt tốc kinh tế của đất nước hình chữ S, theo World Bank và Viện chính sách Brookings dựa vào 3 yếu tố chính.

Thứ nhất, đất nước đã có sự đầu tư đúng mức vào con người và cơ sở hạ tầng, chủ yếu thông qua đầu tư công.

Thứ hai, Việt Nam đã tham gia mạnh vào quá trình tự do thương mại toàn cầu. Tính đến nay, thị trường này được xem là có độ mở rất lớn với thế giới.

Thứ ba, các nhận định đều chỉ ra rằng Chính phủ Việt Nam đã có nhiều quyết tâm trong cải cách, thông qua đó giảm quy định, hạ thấp chi phí đầu vào.

Trong suốt quá trình đó, thương mại trong và ngoài nước giữ vai trò chìa khoá của "phép lạ kinh tế".

Theo báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), kim ngạch thương mại hàng năm của Việt Nam hiện vượt mức 185% GDP khiến quốc gia này trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.

Mặt khác, phía ADB cũng nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam cũng được dẫn dắt bởi dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp FDI. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính đến 20/9/2018, tổng vốn đăng ký của 26.646 dự án FDI đạt 334 tỷ USD, vào 19/21 ngành nghề.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức. Với những khó khăn như đến từ già hoá dân số, bất ổn từ bên ngoài,… WEF đã đặt câu hỏi "liệu điều kỳ diệu có tiếp diễn?".

Câu trả lời dường như đang nằm trong cụm từ cách mạng công nghiệp được nhắc đến rất nhiều trong thời gian trở lại đây.

Hajime Hotta, Co-founder của Innovatube cho rằng Việt Nam đang dần trở thành trung tâm công nghệ mới của Đông Nam Á nhờ vào nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có chất lượng.

Ông nhận định đất nước này là đang có một danh sách dài những ứng viên tiềm năng cho mảng công nghệ tiên phong. Theo đó, số lượng kỹ sư công nghệ đang có xu hướng tăng, đặc biệt là ở lĩnh vực khoa học máy tính – nhiều hơn đại đa số các nước khác trong khu vực.

Qua một số cuộc tuyển dụng, Hajime cho biết ông bất ngờ vì khả năng toán của ứng viên. Đa số họ dễ dàng hoàn thiện được những bài toán hóc búa mà sinh viên Cambridge phải học đến năm 2 mới giải được.

Ở mảng kinh doanh, nhân sự Việt cũng rất nhanh nhạy và linh hoạt, theo Hajime.

Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, các khoảng cách sẽ được xoá nhoà. Việt Nam với những lợi thế như đã kể ra sẽ có thể tiếp nhận cái mới, phản ứng nhanh hơn với sự thay đổi chóng vánh của bối cảnh.

Dù  vậy, quãng đường để biến tiềm năng thành hiện thực là không dễ. Việc tạo ra các sản phẩm công nghệ tiên phong, ứng dụng công nghệ cao thường tiêu tốn nhiều thời gian, vốn, nhân lực hơn những giải pháp thông thường. Bên cạnh đó, nó còn cần đến sự kết nối, chung tay của nhiều phía.

Với những trăn trở đó, Bộ Khoa học công Công nghệ đã bảo trợ cho Vietnam Frontier Summits 2018 được diễn ra trong tháng 10 này. Sự kiện với chủ đề "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo cùng công nghệ tiên phong" được kỳ vọng sẽ phần nào giải đáp được những câu hỏi lớn, tìm ra được những khía cạnh mới, cho nền kinh tế trong nước.

Hà Thu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên