MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường đẩy giá mía tăng, nông dân lãi khá

29-09-2016 - 17:00 PM | Thị trường

Trong vòng một tháng qua, giá đường tăng mạnh. Đến nay giá bán sỉ của các nhà máy 15.500 - 16.500 đ/kg, tăng hơn 2.000 đ/kg. Giá đường tăng khiến giá thu mua mía tăng theo, người trồng mía lãi khá.

Giới kinh doanh cho rằng, giá đường chỉ tăng nhất thời. Đó là do vào thời điểm này hàng tồn kho của các nhà máy đường trong vùng ĐBSCL sắp cạn. Hơn nữa vừa qua lực lượng quản lý thị trường vùng biên giới Tây Nam siết chặt kiểm soát nạn đường nhập lậu, khan hàng nên giá tăng.

Trước đó vào cuối tháng 8/2016, các nhà máy đường trong vùng đã có cuộc họp chuẩn bị vào vụ mía mới với dự đoán thị trường đường nội địa bình ổn. Các nhà máy đồng thuận với dự tính mía 10 chữ đường (CCS) sẽ thu mua tại ruộng 930 đồng/kg và mua tại nhà máy 1.000 đồng/kg.

Tuy nhiên do giá đường tăng buộc các nhà máy tăng giá thu mua mía. Trong đó Cty Mía đường Cần Thơ (Casuco) điều chỉnh tăng giá mua mía tại ruộng lên 1.040 đồng/kg và tại nhà máy lên 1.120 đồng/kg, cao hơn 200 đồng/kg so vụ mía 2015 - 2016.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Casuco nói: Giá đường tăng, giá mía tăng như thế là phù hợp và nông dân mới chịu bán mía. Hai nhà máy đường Vị Thanh và Phụng Hiệp của Cty, mỗi nhà máy đã thu mua trên 3.000 tấn mía để ngày 28/9 chính thức hoạt động vào vụ.

Một diễn biến khác trên vùng trồng mía, thương lái đến tận ruộng mua mía xô (bằng kinh nghiệm đánh giá chất lượng mía chín, đo chữ đường bằng dụng cụ thủ công tại ruộng) đã ra giá thu mua 1.200 - 1.250 đồng/kg, cao hơn hẳn mức giá nhà máy đường đưa ra.

Cán bộ khuyến nông Hậu Giang đi về vùng trồng mía cho hay, một số nông dân nghe tin đường tăng giá nên dù cho mía sắp thu hoạch cũng không vội bán. Nếu với năng suất đạt trung bình 110 - 120 tấn/ha tính ra giá thành sản xuất mía khoảng 650 - 750 ngàn đồng/tấn, nông dân trồng mía lợi nhuận đạt gần 100%.

Ở Hậu Giang, nhiều nông dân chuyển đổi giống mía mới như ROC16, thời vụ 10 tháng, đạt năng suất bình quân 120 - 130 tấn/ha; các giống mía K95-156, KK4, KK3, Su-7… thời vụ trồng 11 - 12 tháng, năng suất đạt tới mức 150 - 250 tấn/ha, giá thành sản xuất còn thấp nữa.

Tập kết mía nguyên liệu về nhà máy đường Vị Thanh, Hậu Giang (Ảnh: HĐ)

Hiện vùng ĐBSCL có 9 nhà máy đường công suất lớn. Mấy năm vừa qua giá mía không ổn định, thu nhập nông dân trồng mía giảm. Vụ mía 2016 - 2017 toàn vùng còn khoảng 42.250ha mía, giảm hơn 6.000ha so vụ mía trước.

Bù lại, năm nay không có lũ, vùng trồng mía ở Phụng Hiệp (Hậu Giang) không còn cảnh vất vả lo đốn mía non chạy lũ. Từ ngày 15/9 nhà máy Long Mỹ Phát tại Long Mỹ (Hậu Giang) đã hoạt động vào vụ thu mua mía. Ngày 28/9 là hai nhà máy đường Vị Thanh, Phụng Hiệp (Hậu Giang). Đến 6/10 nhà máy đường Sóc Trăng vào vụ và từ 15/10 các nhà máy đường đồng loạt hoạt động trở lại.

Giám đốc điều hành một doanh nghiệp mía đường tại ĐBSCL nhận định: Hiện nay trong vùng chưa xảy ra tranh mua mía nguyên liệu. Nhưng điều này còn tùy thuộc vào diễn biến thị trường đường sắp tới và nhất là từ sau ngày 15/10 khi tất cả các nhà máy đường trong vùng đồng loạt hoạt động. Do đó dự đoán trong 2 tuần tới thị trường đường ở ĐBSCL có thể sẽ hạ nhiệt, bình ổn trở lại.

+ Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), dự báo vụ SX mía đường 2016-2017 mức thâm hụt khoảng 6 triệu tấn đường, xảy ra hầu hết các nước châu Á. Ở nước ta trong vụ SX mía đường 2015 - 2016 dự kiến đạt trên 14,4 triệu tấn mía và 1,5 triệu tấn đường. Tuy nhiên do khô hạn, mặn xâm nhập vào đầu năm 2016 nên các nhà máy đường chỉ ép đạt 12,9 triệu tấn mía, sản lượng đường chỉ đạt 1,2 triệu tấn, giảm hơn 320.000 tấn.

+ Vụ SX mía đường 2016 - 2017, cả nước có 40 nhà máy đường và khoảng 240.000ha mía (có hợp đồng SX bao tiêu), năng suất bình quân trên 65 tấn/ha, chữ đường bình quân 9,9 CCS. Sản lượng mía ép dự kiến kế hoạch hơn 15 triệu tấn, sản lượng thu đạt trên 1,4 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện đạt trên 50%.

Theo Hữu Đức

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên