MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường đi ngàn dặm, bắt đầu từ bước đầu tiên; muốn làm đại sự, tuyệt đối đừng coi thường tiểu tiết: Chỉ bằng lời nói, Lão Tử chỉ ra yếu tố quyết định thành bại cả đời người

10-07-2019 - 00:41 AM | Sống

Cũng giống như câu thành ngữ “nước chảy đá mòn”, Lão Tử khuyên chúng ta không nên coi thường những hành động nhỏ, bởi chúng có thể gây ra tác động to lớn về lâu về dài.

Trong cuộc sống, không ai có thể đạt được thành tựu to lớn chỉ sau một đêm, mà phải biết đi nỗ lực không ngừng nghỉ ngày qua ngày. Tương tự, những tham vọng vĩ đại của chúng ta cũng có thể đổ sụp một ngày nào đó nếu những sai lầm của chúng ta cứ tích lũy lớn dần qua thời gian.

Câu chuyện 1: Hãy bắt đầu từ việc quét nhà

Đường đi ngàn dặm, phải bắt đầu từ bước đầu tiên; muốn làm đại sự, tuyệt đối đừng coi thường tiểu tiết: Chỉ 1 câu của Lão Tử quyết định thành bại cả đời người - Ảnh 1.

Thời nhà Hán, có một người bán hàng rong khá tự kiêu tên là Trần Phàm. Người đàn ông họ Trần này rất tham vọng và luôn mong muốn làm nên đại sự, nhưng anh ta sống chẳng có kỷ luật. Vì thế, phòng anh ta lúc nào cũng hôi hám và bừa bộn.

Một ngày nọ, Học Cần - một người bạn của cha anh ta - đến chơi. Khi nhìn thấy căn phòng bẩn thỉu của Trần Phàm, ông hỏi: "Tại sao cháu không dọn phòng đi?"

Trần Phàm đáp: "Một người đàn ông có chí lớn như cháu, tại sao phải lãng phí thời gian cho những việc lặt vặt như quét phòng, trong khi có thể tập trung chinh phục thế gian?

Học Cần trầm ngâm một lúc rồi nói: "Đến cái nhà đang sống còn chẳng dọn dẹp cho sạch được, làm sao mà làm được việc lớn?" Lời nhận xét khiến Trần Phàm chết đứng.

Con người có chí lớn muốn làm đại sự thôi chưa đủ. Không biết trân trọng những điều nhỏ bé thì thất bại là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Câu chuyện 2: Đường đi ngàn dặm, phải bắt đầu từ bước nhỏ trước

Đường đi ngàn dặm, phải bắt đầu từ bước đầu tiên; muốn làm đại sự, tuyệt đối đừng coi thường tiểu tiết: Chỉ 1 câu của Lão Tử quyết định thành bại cả đời người - Ảnh 2.

Lão Tử từng nói: "Hợp bão chi mộc, sinh vu hào mạt; cửu tằng chi thái, khởi vu lũy thổ; thiên lí chi hành, thủy vu túc hạ". Hiểu nôm na có nghĩa là: Cây cổ thụ hai người ôm mới xuể mọc lên từ cây non còn xanh; muốn xây dựng tháp cao 9 tầng cần lấy mô đất nhỏ làm móng; đường đi ngàn dặm, phải bắt đầu từ bước nhỏ trước.

Nhà văn nổi tiếng thời nhà Thanh - Bành Đoan Thục - từng kể một câu chuyện về 2 nhà sư: người giàu có, người lại nghèo túng. Cả hai đều muốn vượt qua biển Nam để tới Ấn Độ thỉnh kinh, cúng Phật.

Nhà sư giàu nói với nhà sư nghèo: "Mấy năm nay, tôi đều thử thuê thuyền băng qua biển, thế nhưng mãi chẳng có kết quả gì. Thầy định lấy gì mà đi thỉnh kinh?"

Một năm sau, nhà sư giàu có vẫn chưa thể xuất hành, trong khi nhà sư nghèo đã trở về từ chuyến đi thỉnh kinh. Thấy nhà sư giàu ngạc nhiên, nhà sư nghèo chỉ nói: "Trong suốt cuộc hành trình, tôi chỉ sống nhờ vào một bình nước và một cái bát để xin ăn. Đó là tất cả những gì tôi cần để hoàn thành tâm nguyện của mình."

Nhà sư nghèo đạt được mục tiêu nhờ từ từ làm từng bước một, dựa vào sự can đảm và ý chí của bản thân. Ngược lại, nhà sư giàu cứ đắm chìm trong ảo mộng, mải mê nói về ước vọng của mình và chẳng thèm bắt tay vào làm một cách nghiêm túc. Tư duy khác biệt chắc chắn sẽ đem lại những kết quả không giống nhau.

Lời nói không thể biến khát khao thành hiện thực, chỉ có người dám hành động không ngại gian khổ mới có thể hưởng trái ngọt cuối cùng.

Câu chuyện 3: San phẳng núi cao

Đường đi ngàn dặm, phải bắt đầu từ bước đầu tiên; muốn làm đại sự, tuyệt đối đừng coi thường tiểu tiết: Chỉ 1 câu của Lão Tử quyết định thành bại cả đời người - Ảnh 3.

Ngày xưa, có ông lão Ngu Công đã 90 tuổi, sống giữa hai ngọn núi Thái Hành và Vương Ốc ở gần sông Hoàng Hà. Hai ngọn núi này rộng hơn 700 dặm, cao tận 10.000 thước. Bất cứ ai muốn đi qua sông đều phải đi vòng qua Thái Hành và Vương Ốc.

Sau nhiều năm chứng kiến chuyện này, Ngu Công cho rằng giải pháp duy nhất là dời núi. Ông cùng con cháu ra núi phá từng tảng đá, đào từng miếng đất. Sau đó, họ vận chuyển đá và đất ra phía bờ biển Bột Hải.

Trí Tẩu - một người sống ở gần bờ sông - thấy thế liền cười vào mặt Ngu Công: "Sức người hèn mọn, sao có thể san phẳng được hai ngọn núi đó cơ chứ?"

Ngu Công chỉ lẳng lặng đáp: "Kể cả khi tôi qua đời rồi, các con trai tôi sẽ tiếp tục việc này. Rồi đến đời cháu tôi, chắt tôi. Các thế hệ tương lai trong gia đình tôi sẽ luôn gánh vác nhiệm vụ này, còn hai ngọn núi này thì chẳng thể lớn thêm. Một ngày nào đó, chúng sẽ bị san phẳng. Vậy gì việc gì tôi phải lo?"

Trí Tẩu nghe vậy thì cứng họng.

Mặc dù tuổi cao sức yếu, Ngu Công vẫn luôn tin rằng chỉ cần nỗ lực thì mục tiêu sẽ sớm hoàn thành. Thế rồi, niềm tin và lòng quyết tâm của ông đã được trời cao chứng giám. Ngọc Hoàng sai người xuống giúp ông lão dời núi. Kể từ đó, người đi đường có thể tới sông Hoàng Hà mà không gặp bất kỳ chướng ngại nào.

Trên đời chẳng có việc gì khó khăn, quan trọng là tâm ta đủ kiên nhẫn đến chừng nào.

Câu chuyện 4: Đại họa bắt đầu từ những sai lầm nhỏ

Đường đi ngàn dặm, phải bắt đầu từ bước đầu tiên; muốn làm đại sự, tuyệt đối đừng coi thường tiểu tiết: Chỉ 1 câu của Lão Tử quyết định thành bại cả đời người - Ảnh 4.

Người xưa kể rằng, vị vua cuối cùng của nhà Thương cực kỳ quý một đôi đũa bằng ngà voi mà ông được tặng.

Biết điều này, cận thần Kỳ Tử mới thở dài mà nói rằng: "Bệ hạ càng quan tâm đến đôi đũa, sẽ lại càng nghĩ rằng đôi đũa này chỉ hợp dùng với bát làm từ sừng tê giác và cốc bạch ngọc."

"Có đồ quý như vậy rồi, bệ hạ sẽ lại chỉ muốn dùng chúng để đựng của ngon vật lạ. Ăn quen của ngon vật lạ rồi, bệ hạ sẽ lại khao khát gấm vóc lụa là, cung vàng điện ngọc."

"Bao nhiêu của quý trong đất nước ta rồi cũng chẳng đủ, bệ hạ sẽ lại đòi bằng được của ngon vật lạ từ nước khác. Từ đôi đũa ấy, ta có thể nhìn thấy kết cục phía trước. Ta không thể nào không lo lắng cho bệ hạ."

Rốt cuộc, lời tiên đoán của Kỳ Tử đã thành thật. Trụ Vương ngày càng ăn chơi trác táng, chẳng màng tới quốc gia, chỉ đắm chìm trong xa hoa hưởng lạc. Ông cho tăng thuế để xây cung điện với bạt ngàn nào rượu nào thịt. Chính vì vậy, người dân càng ngày càng mất niềm tin vào Trụ Vương, dẫn tới việc nhà Thương bị lật đổ sau này.

Thay vì kiềm chế ham muốn khi chúng còn nhỏ, Trụ Vương lại để lòng tham lam của mình lấn át lý trí. Chỉ một sai lầm nhỏ cuối cùng lại mang đến đại họa, phải trả giá bằng cả đất nước và mạng sống.

Người khôn ngoan nên biết nhìn lại thiếu sót của mình trước khi chúng biến thành vấn đề nghiêm trọng có thể dẫn tới đại họa.

Ngọc Hà

The Epoch Times

Trở lên trên