Đường đua thị phần tín dụng tiêu dùng ngày càng khốc liệt
Các công ty tài chính tiêu dùng không phải là những doanh nghiệp duy nhất áp dụng công nghệ cao vào sản phẩm để cạnh tranh trên đường đua thị phần. Cuộc cạnh tranh còn ngày càng khốc liệt hơn khi các Fintech và ngân hàng cũng đẩy mạnh đầu tư công nghệ vào số hóa quy trình cho vay.
Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Stockplus cho biết, năm 2017, ước tính dư nợ tín dụng tiêu dùng cả nước có quy mô khoảng 26,5 tỷ USD, tăng 65% so với năm 2016 và vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (khoảng 19%), qua đó nâng tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% của năm 2015 lên 17% vào cuối năm 2017.
Còn theo tính toán của Công ty chứng khoán Bản Việt VDSC, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng mạnh, ước tính có thể tăng trưởng 30% mỗi năm trong hai năm tới, dự đoán đạt khoảng 1.000 nghìn tỷ đồng (44 tỷ USD) vào năm 2019.
Các chuyên gia cho rằng, tuy thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh trong những năm trở lại đây nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.
Ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến FE Credit cho hay, nếu như ở các nước phát triển, tỷ trọng cho vay tiêu dùng thường chiếm khoảng từ 40% đến 50% trên tổng dư nợ thì ở Việt Nam trong năm 2017, tài chính tiêu dùng mới đóng góp 17% tổng dư nợ cả nước.
Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính giải thích việc tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam còn ít đến từ nhiều nguyên nhân như nhận thức, thói quen của người dân vay tiêu dùng còn hạn chế; sản phẩm chưa đa dạng, thủ tục phức tạp, khuôn khổ pháp lý chưa đồng bộ,….Khái niệm tín dụng tiêu dùng hiện nay thậm chí vẫn chưa được nhất quán, chấm điểm tín dụng cho khách hàng còn khó khăn do thông tin thiếu minh bạch, thiếu chính xác,..
Dù vậy, tiềm năng và cơ hội tăng trưởng của thị trường này tại Việt Nam vẫn còn rất lớn khi dân số trẻ, thu nhập bình quân tăng nhanh và tỷ lệ người dân được tiếp cận dịch vụ tài chính còn thấp.
Ông Nguyễn Thiện Tâm cho biết, 48% dân số có thu nhập thấp khó tiếp cận được với dịch vụ cho vay của ngân hàng truyền thống sẽ trở thành những khách hàng tiềm năng của ngành tài chính tiêu dùng. Đồng thời thị trường nông thôn, vùng ven vẫn còn đang bị bỏ ngỏ do các công ty tài chính vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng tại đây.
Ông Tâm cho rằng, các công ty tài chính hàng đầu hiện nay vẫn đang trong giai đoạn nắm bắt thị phần và bước vào giai đoạn "chuyên nghiệp hóa". Trong giai đoạn này, việc số hóa quy trình cũng như áp dụng các công nghệ 4.0 là chiến lược để bứt phá và duy trì vị thế.
Đáng chú ý, độ phủ sóng của các dịch vụ tài chính, đặc biệt là cho vay tại các vùng nông thôn còn rất thấp. Do đó, nền tảng công nghệ sẽ giúp các công ty tài chính tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng tại đây (chiếm tới 60% dân số cả nước).
Trên đường đua thị phần, theo ông Tâm, yếu tố quan trọng nữa là phải kiểm soát rủi ro và giảm thiểu chi phí. Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn cho vay truyền thống tại các ngân hàng do sự chênh lệch từ chi phí đầu vào cao, chi phí vận hành và tính chất rủi ro từ phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình – thấp. Muốn giảm lãi suất tiêu dùng cần ưu tiên xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu người dùng và khai thác sử dụng công nghệ hiệu quả tốt cho tất cả các bên, giảm gánh nặng đối với người vay và chi phí vận hành của doanh nghiệp.
Trên thị trường nhiều tiềm năng đó, không chỉ công ty tài chính tiêu dùng áp dụng công nghệ cao để tranh giành thị phần mà cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi các Fintech và ngân hàng cũng đang đẩy mạnh công nghệ vào số hóa quy trình cho vay. Sự khuyến khích từ Ngân hàng Nhà nước cũng đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp tham vọng gia nhập thị trường tiềm năng này.