MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường Hồ Chí Minh: Chậm tiến độ 2 năm, chưa rõ thời gian kết thúc

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Quốc hội.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, trong 5 năm (2017-2021), dự án đường Hồ Chí Minh được triển khai chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng.

Sáng 24/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình số 157/TTr-CP ngày 5/5/2022 của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Theo dự kiến, thời hạn hoàn thành nối thông toàn tuyến là năm 2020. Năm 2020 cũng là thời điểm bắt đầu triển khai nâng cấp các tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Tuy vậy, đối với phân kỳ đầu tư đến năm 2020, dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe.

Theo tờ trình của Chính phủ, đến năm 2021, dự án đã được triển khai hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang thực hiện 211 km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171 km còn lại để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.

Một số vướng mắc được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ ra như khả năng cân đối nguồn lực có hạn nên nhiều dự án phải dừng, giãn tiến độ, thậm chí chưa thể bố trí đủ nguồn vốn để nối thông toàn tuyến như mục tiêu của Nghị quyết; hay việc triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) cũng gặp nhiều bất cập, các chủ thể đều hạn chế về kinh nghiệm, dẫn đến việc triển khai không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, Chính phủ đề xuất mục tiêu đầu tư đường Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025 hoàn thành các đoạn đang triển khai, đồng thời cân đối bố trí nguồn lực để đầu tư 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận. Tập trung nguồn lực hoàn thành 287 km thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh.

"Sau năm 2025 sẽ dựa trên nhu cầu, hiệu quả đầu tư, quy hoạch và khả năng cân đối nguồn lực của từng thời kỳ, đầu tư khoảng 634 km đường Hồ Chí Minh theo chuẩn cao tốc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu.

Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết, với tiến độ như trên, trong 5 năm (2017-2021), dự án được triển khai chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng và đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần và nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết và chưa rõ thời gian kết thúc.

Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ khẳng định rõ tiến độ thực hiện dự án đã không đáp ứng được phân kỳ đầu tư theo yêu cầu của Nghị quyết và xác định rõ thời gian tiếp tục thực hiện dự án từ năm 2022.

Cụ thể, giai đoạn 2022-2025, cơ quan thẩm tra yêu cầu Chính phủ tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, thanh quyết toán kịp thời, hoàn thành các dự án đang triển khai thực hiện dở dang, sớm đưa vào khai thác, sử dụng. Đối với các dự án còn lại, một số dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, một số dự án khác đang được đề nghị chuyển đổi phương thức đầu tư, theo đó, cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, lựa chọn phương án đầu tư thiết thực, hiệu quả.

Đường Hồ Chí Minh: Chậm tiến độ 2 năm, chưa rõ thời gian kết thúc - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Chính phủ khẳng định rõ tiến độ thực hiện dự án đã không đáp ứng được phân kỳ đầu tư theo yêu cầu của Nghị quyết. Ảnh: Quốc hội.

Về việc nâng cấp một số đoạn theo phân kỳ đầu tư, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh yêu cầu của Nghị quyết là "nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020".

Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tích hợp dự án đường Hồ Chí Minh vào mạng lưới đường bộ, một số đoạn được quy hoạch là đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây và một số đoạn đi trùng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó một số đoạn đang được đầu tư phân kỳ, một số đoạn tuyến khác cũng đã được xem xét đưa vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Luật Đầu tư công, điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án là "không trùng lặp với các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư".

"Do đó, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ làm rõ các dự án đi trùng phải bảo đảm thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết", Chủ nhiệm Lê Quang Huy nói.

Theo My Anh

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên