MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường học hành gập ghềnh của nữ sinh từ chối Apple

17-07-2022 - 22:20 PM | Sống

Trượt khối A đại học, Trần Kim Phượng đành học khối D, song cú "sảy chân" ấy lại đưa cô đến học bổng du học toàn phần và lời mời từ Apple.

Trần Kim Phượng, 28 tuổi, hiện là Data Analyst (chuyên viên phân tích dữ liệu) mảng phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên tại Đại học Queensland, thành phố Bribane, Australia. Trước khi nhận công việc này cách đây vài tháng, cô gái Hạ Long từng hai lần từ chối hãng Apple, với mức lương hậu hĩnh và nhiều quyền lợi.

Hiện Phượng hài lòng với cuộc sống ổn định tại Australia và công việc hỗ trợ các du học sinh Việt Nam tại đây định hướng nghề nghiệp, chuẩn bị hồ sơ, phỏng vấn xin việc làm.

Chục năm trước, cô từng trải qua cú sốc trượt trường chuyên năm cấp ba và thiếu nửa điểm vào ngành học yêu thích tại đại học. Phượng không ngờ, hai cú sốc chính là bước ngoặt đưa cô tới những thành quả hôm nay.

"Đường học hành của em rất gập ghềnh", Phượng nhớ lại.

Không vào được chuyên Lý mơ ước ở THPT chuyên Hạ Long, Phượng lên Hà Nội học cấp ba tại một trường dân lập. Vốn học tốt các môn tự nhiên, cô đăng ký thi đại học khối A ngành Tài chính và khối D ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học Kinh tế Quốc dân.

"Mục tiêu của em là khối A. Khối D chỉ là phương án dự phòng và khá mạo hiểm vì ngoài Toán, hai môn còn lại em không xuất sắc", Phượng kể.

Đường học hành gập ghềnh của nữ sinh từ chối Apple - Ảnh 1.

Trần Kim Phượng, 28 tuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thi xong khối A, Phượng chỉ có hai ngày để chuẩn bị khối D. Cô lên mạng học cấp tốc môn Văn và may mắn "trúng tủ" một câu trong đề thi năm đó. Nhờ điểm Toán cao kéo lên, Phượng đạt 24 điểm, trúng tuyển khối D, nhưng chỉ được 26,5 điểm, thiếu 0,5 điểm để đỗ khối A.

Chuyên viên phân tích dữ liệu cho hay, cô đỗ khối D trong "hoang mang" vì không hiểu sẽ "sống sót" ra sao với chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh vốn không phải thế mạnh của mình. Phượng bước vào giảng đường đại học với nỗi tự ti vì khả năng ngoại ngữ kém so với các bạn trong lớp có nền tảng tiếng Anh vững chắc. Do điểm đầu vào tiếng Anh thấp, cô buộc phải học lớp bổ túc tiếng Anh do khoa tổ chức và được xếp vào lớp có trình độ thấp nhất.

Không muốn thua kém bạn bè, Phượng quyết tâm học ngoại ngữ. Thấy các bạn học IELTS, cô cũng đăng ký một khóa ở trung tâm song không theo nổi. Phượng mày mò học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, tự đúc rút phương pháp học tiếng Anh cho người mất gốc rồi luyện ở nhà. Hàng ngày, Phượng làm bài tập ngữ pháp, rèn các kỹ năng qua việc nghe thụ động các chương trình bằng tiếng Anh. Sau khoảng hai năm đầu, tiếng Anh của cô được cải thiện, thi IELTS đạt 6.0.

Tiếng Anh chưa thực sự nổi trội nhưng nhờ học tốt các môn tính toán nên thành tích học tập của Phượng luôn trong top của lớp. Phượng giành được một suất đi trao đổi sinh viên ở Nhật Bản khi đang là sinh viên năm thứ hai. Chuyến đi có sự tham gia của sinh viên các nước trên thế giới, giúp Phượng có cơ hội trò chuyện, học tập và giao lưu văn hóa bằng tiếng Anh. Trình độ ngoại ngữ của Phượng bật lên từ chuyến trao đổi đó.

Năm 2016, cô tốt nghiệp loại xuất sắc, thuộc nhóm sinh viên có điểm trung bình cao nhất khoa, với GPA đạt 3.76/4.0.

Trong cuộc trò chuyện về hành trình đi học, Phượng luôn nhấn mạnh việc đạt được thành quả không phải do là cá nhân xuất chúng, học trường chuyên hay có khởi đầu cạnh tranh. Mấu chốt giúp cô giành được học bổng toàn phần và những lời mời làm việc hấp dẫn ở nước ngoài chính là nhờ khả năng nắm bắt cơ hội và hoạch định chiến lược.

"Khả năng nắm bắt cơ hội và hoạch địch chiến lược là những kỹ năng bạn có thể dùng sự cố gắng của mình để hoàn thiện theo thời gian", Phượng nói.

Cô lấy ví dụ, lần đi trao đổi sinh viên ở Nhật đã nuôi ước mơ du học trong cô. Du học tự túc nằm ngoài tầm với, vì thế, Phượng hướng tới các học bổng chính phủ hoặc học bổng toàn phần cả học phí và sinh hoạt phí. Tuy nhiên, những loại học bổng này đều yêu cầu ít nhất hai năm kinh nghiệm.

Phượng chưa vội nộp hồ sơ mà bắt đầu với công việc trong lĩnh vực Marketing tại một tập đoàn đa quốc gia nhưng sau đó chuyển sang các dự án phi chính phủ trong lĩnh vực bản quyền trí tuệ và giáo dục do Liên minh châu Âu và Australia tài trợ.

"Em muốn tạo ra những giá trị, sức ảnh hưởng với cộng đồng, có quyền tự chủ cao hơn với công việc và thời gian của mình", Phượng giải thích.

Việc chuyển từ tập đoàn đa quốc gia sang một tổ chức phi chính phủ cũng sẽ giúp cô có cơ hội đạt học bổng cao hơn. Theo Phượng, học bổng chính phủ hay học bổng toàn phần của các tổ chức thường ưu tiên hơn cho ứng viên khối ngành nhà nước, tổ chức phi chính phủ hay các ngành học liên quan đến phát triển, có sức ảnh hưởng.

Khi cảm thấy đã đủ kinh nghiệm, hồ sơ đủ mạnh, Phượng bắt đầu nộp hồ sơ du học. Thay vì "rải đơn", Phượng xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình để tìm và nộp những học bổng phù hợp nhất. Điều này giúp cô hiểu bản thân hơn và có thời gian tập trung hoàn thiện hồ sơ những học bổng có cơ hội cao nhất.

Ngành học và nơi làm việc của Phượng không trong danh sách ưu tiên cho các học bổng chính phủ nên khả năng đạt học bổng dạng này tương đối thấp. Thế mạnh của Phượng là thành tích học tập tốt, do đó, cô tập trung vào các học bổng của tổ chức, xét duyệt qua trường đại học.

Năm 2019, Phượng giành học bổng toàn phần bậc thạc sĩ ngành International Business của Đại học Melbourne. Cô cũng tự học thêm về Data Analytics (Phân tích Dữ liệu) do thích làm việc với các con số. Nhờ có thêm những kỹ năng mới, ở kỳ học thứ hai năm thứ nhất, Phượng xin được công việc chuyên viên phân tích dữ liệu bán thời gian tại trường, thậm chí nhận được nhiều lời mời về làm việc ngay khi tốt nghiệp.

Nhưng muốn thử thách bản thân, Phượng tiếp tục thử sức các nơi, trong đó có Đại học Queensland và Apple. Quá trình tuyển dụng của Apple kéo dài khoảng ba tháng khiến Phượng nhận lời mời về làm việc ở trường đại học trước khi có kết quả từ công ty này. Vài tuần sau lần từ chối đầu tiên, Phượng tiếp tục được hãng gửi lời mời, với mức lương cao hơn.

"Em đã cân nhắc rất lâu và rất tiếc khi phải từ chối Apple. Ở Đại học Queensland, em phụ trách dự án, không thể bỏ dở công việc giữa chừng. Hơn nữa, em thích làm việc trong lĩnh vực giáo dục hơn", Phượng nói.

Mỗi khi gặp khó khăn, Phượng nhìn rộng ra để thấy các cơ hội khác. Nếu thất bại, cô cũng không tốn nhiều thời gian buồn bã mà lập tức có phương án để sửa sai.

Nhìn lại hành trình, Phượng biết ơn những gập ghềnh đã qua và tự rút ra bài học: không ngại bản thân không đủ giỏi, hãy nắm bắt cơ hội, hoạch định chiến lược sớm để đạt điều mình muốn.

"Nếu cần, hãy dũng cảm (nhưng lý trí) đổi hướng", cô cho hay.

Theo Bình Minh

Vnexpress

Trở lên trên