MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường lậu đua nhau “vượt biên” vào Việt Nam khi giá lên cao nhất 4 năm

16-11-2021 - 08:36 AM | Thị trường

Đường lậu đua nhau “vượt biên” vào Việt Nam khi giá lên cao nhất 4 năm

Chỉ trong vòng vài tháng gần đây công an các tỉnh An Giang, Tây Ninh đã bắt giữ hàng trăm tấn đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam.

Với giá rẻ hơn giá đường trong nước 2.000-3.000 đồng/kg và không bị đánh thuế nên nhiều đối tượng dùng mọi thủ đoạn, chiêu trò nhằm qua mặt cơ quan chức năng tuồn đường lậu qua biên giới, chủ yếu là biên giới các tỉnh Tây Nam vào nước ta để bán kiếm lời.

Liên tiếp phát hiện nhiều vụ buôn lậu đường

Mới đây, ngày 13/11, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh phối hợp phát hiện, bắt giữ đối tượng điều khiển xe ô tô tải, vận chuyển trái phép hàng hóa nhập lậu, thu giữ 6.500 kg đường cát ngoại. Số đường này đều là đường cát ngoại, có xuất xứ từ Thái Lan .

Trước đó, ngày 5/11, Công an huyện An Phú, tỉnh An Giang cũng phát hiện và tạm giữ gần 10 tấn đường cát Thái Lan nghi vấn nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam trên khu vực biên giới huyện An Phú.

An Giang cũng là địa bàn thường xuyên phát hiện những vụ buôn lậu đường lớn. Điển hình, ngày 12/10 năm ngoái, trên đoạn sông thuộc khu vực xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang, lực lượng công an phát hiện bắt quả tang hai đối tượng đang điều khiển ghe vận chuyển 100 tấn đường cát nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam.

Ngày 16/10 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã khởi tố, bắt tạm giam một cán bộ Cục Hải quan tỉnh An Giang do có liên quan đến vụ vận chuyển 100 tấn đường cát nhập lậu này. Trước đó, cơ quan chức năng cũng đã khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng liên quan về tội "buôn lậu".

Tương tự, hồi đầu tháng 8, Công an tỉnh Tây Ninh cũng ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam hai giám đốc và phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Thúy Anh cùng hai đối tượng khác do liên quan đến vụ vận chuyển lậu hơn 170 tấn đường cát không có hóa đơn, chứng từ nhập khẩu vào Việt Nam.

Đường Thái Lan né thuế, tràn vào Việt Nam qua các nước khác

Báo cáo về thị trường mía đường của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) công bố hồi cuối tháng 10 nhận định, cùng với đà tăng của giá đường thế giới, năm 2021 là thời cơ vàng để ngành đường Việt Nam khởi sắc. Giá đường trong nước tăng kỷ lục trong hơn 4 năm, cùng với đó là sự hỗ trợ từ chính sách Chống Bán phá giá và Chống trợ cấp từ Chính phủ.

Đường lậu đua nhau “vượt biên” vào Việt Nam khi giá lên cao nhất 4 năm - Ảnh 1.

Theo đó, mức thuế áp dụng cho các sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan gồm có thuế chống bán phá giá (CBPG) 42,99% và thuế chống trợ cấp (CTC) 4,65% trong vòng 5 năm có hiệu lực kể từ ngày 16/6/2021.

Với tổng mức thuế lên tới 47,64% các doanh nghiệp sản xuất mía đường Việt Nam giảm bớt sự cạnh tranh với các sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan khi trước đó phải đối diện với rất nhiều khó khăn từ đường nhập khẩu khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) bắt đầu có hiệu lực.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), sản lượng đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục giảm mạnh sau khi chính thức bị áp thuế, chỉ đạt 6,1 nghìn tấn trong tháng 8, giảm 93% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất trong hơn 2 năm gần đây.

Trong 8 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu đường của Thái Lan sang Việt Nam đạt 356,1 nghìn tấn, giảm 62% so với cùng kỳ 2020.

Tuy nhiên, theo VSSA các tháng gần đây sản lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN vốn không đủ năng lực xuất khẩu đường tăng đột biến so với giai đoạn trước đó.

"Đây khả năng là một động thái né thuế của đường Thái Lan, khi các nước nhập khẩu đường Thái Lan không để tiêu dùng trong nước mà đưa sang Việt Nam. Bên cạnh đó là đường nhập lậu qua biên giới với khối lượng lớn vẫn vào Việt Nam bất chấp tình hình dịch diễn biến phức tạp và kiểm soát chặt chẽ biên giới", VSSA nhận định.

Các năm trước, giá đường xuống thấp và ngành đường nội địa không cạnh tranh được với đường giá rẻ nhập lậu cũng như đường Thái Lan sau khi hiệp định ATIGA được ký kết làm cho diện tích và sản lượng liên tục sụt giảm. Đây cũng là nguyên nhân khi giá đường trong nước tăng cao, sản lượng không đủ, các đối tượng đã tìm mọi cách để qua mặt cơ quan chức năng tuồn đường lậu qua biên giới vào trong nước bán kiếm lời.

Với diễn biến giá đường trong nước đang ở mức cao nhất trong 4 năm qua, Agriseco dự báo giá đường sẽ tiếp tục tăng, giữ ở mức cao trong thời gian tới, qua đó giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nội địa sau nhiều năm giá đường sụt giảm và không cạnh tranh được với đường nhập khẩu.

Thêm vào đó là tình hình thời tiết thuận lợi sẽ là động lực để mở rộng trở lại vùng trồng, giúp tăng sản lượng tiêu thụ, dự kiến niên vụ tới sản lượng mía đưa vào ép tăng hơn 25%.

Lý giải về nguyên nhân giá đường thế giới tăng trong thời gian qua, Agriseco phân tích do nguồn cung đường bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cùng với sản lượng tại Brazil và Thái Lan sụt giảm mạnh do thời tiết không thuận lợi.

Đây là 2 quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới niên vụ 2020/2021 khi lần lượt chiếm 50% và 11% sản lượng đường xuất khẩu. Agriseco dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy, niên vụ 2021/2022, sản lượng mía đường Thái Lan hồi phục mạnh so với năm ngoái nhờ thời tiết thuận lợi cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, xuất khẩu đường sẽ đạt mức 10 triệu tấn, tăng từ mức thấp kỷ lục 4 triệu tấn ở niên vụ 2020/2021.

Tuy nhiên, sản lượng mía đường ở Brazil tiếp tục sụt giảm 10% so với niên vụ 2020/2021 do thời tiết khô hạn, lượng mưa dưới mức trung bình và tình trạng sương giá, sản lượng xuất khẩu dự kiến giảm hơn 6 triệu tấn so với niên vụ trước. Bên cạnh đó là sản lượng dự trữ đường trên thế giới tiếp tục đường dự báo giảm trong niên vụ tới, về mức 43,9 triệu tấn.

Tổ chức Đường Quốc tế ISO dự báo sản lượng đường thế giới sẽ thâm hụt 3,8 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022, qua đó dự báo giá đường vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo Hoàng Hà

BizLive

Trở lên trên