Đường lên sàn chứng khoán Tokyo nhìn từ cơ hội của startup Việt POPS Worldwide: Vốn hóa tối thiểu 350 triệu USD, 20% doanh thu phải đến từ thị trường Nhật
Để được lên sàn chứng khoán Tokyo (TSE), các startup nước ngoài cần có ít nhất 3 năm chuẩn bị, vốn hóa ít nhất 350 triệu USD và 20% doanh thu đến từ thị trường Nhật. Hiện có 591 doanh nghiệp tăng trưởng đến từ khắp thế giới đang niêm yết trên TSE, tuy nhiên vẫn chưa có bất cứ DN Việt Nam nào. POPS Worldwide đang được hỗ trợ để có thể trở thành người đầu tiên.
Chưa có bất cứ startup Việt Nam nào xuất hiện trên TSE
Sàn chứng khoán Tokyo (TSE) hiện có 3.956 DN đang niêm yết với giá trị vốn hóa tầm 6,6 nghìn tỷ USD - lớn thứ 3 thế giới. Tính đến tháng 8/2024, cơ cấu loại doanh nghiệp trên TSE gồm: DN lớn – Prime có 1.644, DN tiêu chuẩn – Standard có 1.603, DN SMEs và startup đang tăng trưởng – Growth có 591.
Trong tệp TSE Growth, xuất hiện rất nhiều DN có Founder hoặc khởi thủy từ các nước châu Á và Đông Nam Á. Trong 4 năm gần đây, có nhiều startup Singapore hoặc có nguồn gốc từ Singapore đã lên sàn TSE như Astroscale Holdings, AnyMind Group, YCP Holdings, OMNI-PLUS System. Startup được thành lập và phát triển tại Nhật có Founder là người ngoài có thể kể đến Liberaware – Hàn Quốc, INFORICH – HongKong, HOUSEI – Trung Quốc…
Tuy nhiên, trong lịch sử TSE, chưa từng có bất cứ startup nào đến từ Việt Nam xuất hiện trên bảng điện tử; có chăng chỉ là 1 DN có Founder là người Việt. Vào tháng 12/2021, Hybrid Technologies của Nhà sáng lập Trần Văn Minh đã thành công IPO ở TSE Growth, huy động được 10,2 triệu USD và hiện vốn hóa của DN này tầm 39 triệu USD.
Để khuyến khích các startup tiềm năng tại châu Á niêm yết trên TSE thay vì tìm đến Sàn chứng khoán HongKong – Singapore hay Mỹ, TSE đã khởi tạo chương trình ‘TSE Asia Startup Hub’. Theo đó, ‘TSE Asia Startup Hub’ sẽ chọn các hạt giống khỏe mạnh từ khắp châu Á nhằm hỗ trợ và thúc đẩy họ lớn mạnh nhanh hơn, để ngày nào đó có thể IPO trên TSE.
Hiện ‘TSE Asia Startup Hub’ đã chọn được 14 startup khắp châu Á: 6 đến từ Singapore, 4 từ Đài Loan, 1 từ Hàn Quốc – Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Đại diện duy nhất của Việt Nam chính là POPS Worldwide. Ngoài ra, TSE và JETRO vừa tổ chức sự kiện để phổ cập kiến thức cho các startup Việt làm sao để có thể lên Sàn chứng khoán Tokyo.
Điều kiện cần và đủ để startups Việt có thể xuất hiện trên TSE
“Để lên được TSE, các startup/SMEs cần ít nhất có 3 năm chuẩn bị. Năm đầu tiên: xây dựng 1 đội ngũ phục vụ cho việc lên sàn TSE, lựa chọn agency cho việc kiểm toán, nhìn lại xem DN mình còn thiếu điều kiện gì. Năm thứ hai: kiện toàn và xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, lựa chọn người bảo lãnh.
Năm thứ 3: hoàn tất đầy đủ các chính sách và kiểm soát nội bộ hiệu quả, người bảo lãnh sẽ hỗ trợ - hướng dẫn DN thực hiện DD – tài liệu – marketing và thông báo rộng rãi về tiến trình IPO. Năm có thể lên sàn: người bảo lãnh kiểm tra – TSE kiểm tra – tài chính đảm bảo. Từ năm 2 đến năm lên sàn, DN luôn được kiểm toán báo cáo tài chính ”, ông Kazuhiro Matsuo – Partner của Ernst & Young cho hay.
Ông Shigeki Kanemoto – Director Daiwa Corporate Investment cũng tiếp lời: về kinh doanh – startups phải có ít nhất 20% doanh thu bán hàng đến từ thị trường Nhật Bản và B2B hay B2C đều ổn; vốn hóa thị trường phải trên 350 triệu USD, quan trọng là tốc độ tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận ấn tượng.
Cuối cùng, startups có thể chọn cách sáp nhập với một công ty bản địa (Corporate Inversion) hoặc niêm yết theo dạng chứng chỉ lưu ký (Japan Depository Receipt) khi lên TSE. Để được niêm yết trên TSE Growth, Hybrid Technologies cũng đã phải M&A với 3 DN khác tại Nhật Bản nhằm phù hợp với các quy định tối thiểu của TSE Growth cho DN trong nước: quy mô nhân sự trên 750 người, có lãi và đang tăng trưởng.
“ Vậy startup nào của Việt Nam có thể nghĩ đến việc lên sàn TSE trong tương lai? Đầu tiên, startup đó phải chiếm được thị phần đáng kể tại Việt Nam trong lĩnh vực của mình, nhận thức được rõ ràng sự khác nhau giữa thị trường Nhật Bản và Đông Nam Á.
Nếu đã quyết tâm, các startup Việt có thể sớm chuẩn bị tiếp cận đối tác B2B tại Nhật Bản hoặc tìm kiếm liên doanh – hợp tác với các startup/SMEs Nhật Bản tiềm năng có mô hình kinh doanh tương tự hoặc liên quan. Đây là cách nhanh nhất để giải quyết điều kiện có 20% doanh thu từ thị trường Nhật Bản.
Startup đó cũng phải phù hợp với ‘khẩu vị Nhật Bản – Japan Flavor’. Và theo tôi, đây là thời điểm tốt để các startup Việt nghĩ đến việc lên TSE vì có nhiều DN đến từ Nhật Bản đang đặt sự quan tâm lớn đến thị trường Việt Nam, cũng như quan tâm đến điểm chạm khách hàng/nhà cung cấp Việt” , ông Shigeki Kanemoto khuyến nghị.
Để làm rõ hơn về yếu tố ‘Japan Flavor’, ông Atsushi Takahashi – Quản lý cấp cao của MUFG nêu cụ thể startup phải có các giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề xã hội hoặc thực hiện vai trò nào đó còn thiếu tại thị trường Nhật Bản.
Bên cạnh đó, về góc độ kinh doanh, startup phải có doanh thu, chi nhánh hoặc văn phòng, liên doanh với 1 đối tác, có website, có ý định mở rộng thị trường tại Nhật Bản. Startup cũng phải có nhà đầu tư chính hoặc phụ đến từ Nhật Bản; có đại diện/nhân sự cấp cao là người Nhật Bản.
Startup có tham gia các chương trình ươm tạo/tăng tốc khởi nghiệp hoặc đạt giải thưởng khởi nghiệp từ các tổ chức Nhật Bản; có sự hỗ trợ toàn diện hoặc sâu sát từ các đối tác Nhật Bản.
“ Đã có 125 startups liên quan đến yếu tố nước ngoài thành công IPO trên sàn TSE. Trong đó: 41 startup không đăng ký tại Nhật (Singapore 20, Mỹ 9, Đài Loan 4, Hàn Quốc 3 và Malaysia có 2, Malaysia/Israel/Indonesia/Hà Lan 1); 48 startup lên sàn theo dạng Corporate Inversion.
MUFG chính là người đã hỗ trợ 6 startups liên quan đến yếu tố nước ngoài lên TSE từ năm 2017. Mặc dù MUFG chỉ có một khách hàng là người Việt Nam, nhưng 5 công ty còn lại hoạt động chủ yếu ở thị trường Việt Nam ”, ông Atsushi Takahashi chia sẻ.
Về lý thuyết, các startup Việt có thể lên TSE khi đến vòng gọi vốn Series C hoặc D và cần chuẩn bị từ vòng gọi vốn Series A hoặc B - mở rộng thị trường ra nước ngoài như Nhật Bản hoặc tiến hành lựa chọn M&A với startups/SMEs Nhật. Tuy nhiên, thực tế thì ngay cả khi các startup Việt đã đến vòng gọi vốn Series C hoặc Series D và thêm 3 năm chuẩn bị cũng chưa chắc lên được TSE.
Nhịp Sống Thị Trường