Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập bất thường
Mưa không lớn, thời gian mưa cũng ngắn nhưng đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn ngập dù máy bơm "khủng" đang hoạt động.
- 17-10-2017Truy tìm "thủ phạm" gây ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh
- 01-10-20171 giờ siêu máy bơm “giải cứu” đường Nguyễn Hữu Cảnh trong cơn mưa lớn nhất mùa
- 04-09-2017Con đường Nguyễn Hữu Cảnh hư hỏng như thế nào?
Trưa 17-10, đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM) đã ngập trở lại sau nửa tháng ký hợp đồng nguyên tắc giữa UBND TP HCM và chủ đầu tư hệ thống máy bơm là Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung.
Phá hoại hay máy trục trặc?
Khoảng hơn 12 giờ, nước mưa trên đường Nguyễn Hữu Cảnh không thể chảy xuống cống, mặt đường bị ngập. Nghiêm trọng nhất là đoạn dưới cầu vượt gần đường Điện Biên Phủ, nước ngập khiến các phương tiện qua đây gặp nhiều khó khăn. Cách đó không xa, đoạn trước chung cư The Manor cũng ngập nửa bánh xe máy. Một số người dân nhà ở đường Nguyễn Hữu Cảnh cho biết khoảng nửa tháng qua, từ khi có máy bơm "khủng", đường luôn khô ráo nhưng nay mưa nhỏ lại bị ngập.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, khẳng định máy bơm vẫn hoạt động bình thường, không bị trục trặc gì. Trong các lần vận hành trước đó, nước đổ về rất nhanh, máy bơm hoạt động là đường khô ráo ngay.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập trở lại vào trưa 17-10 dù mưa không lớn
Ông Cường cho rằng có người muốn phá hoại doanh nghiệp nên làm cho đường cống bị tắc nghẽn khiến nước không về được máy bơm. Công ty đã thông báo đến Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP HCM (Trung tâm Chống ngập) để tìm hiểu nguyên nhân (!).
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP, cho biết tình trạng người dân xả rác xảy ra từ nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, với lượng rác trong cống "không đáng kể" thì không phải là nguyên nhân khiến đường cống bị tắc.
Do đó, công nhân Chi nhánh Thoát nước số 3 - Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP đã phải chạy lồng thông cống để xem hệ thống thoát nước bị tắc ở đoạn nào. Đến tối cùng ngày, công nhân vẫn thông từng đoạn cống và thông cả 2 bên đường. "Nếu điều tra ra có kẻ phá hoại gây tắc đường cống thì sẽ xử lý nghiêm. Ngược lại, đường cống thông suốt thì phải xem lại máy bơm có trục trặc gì không" - ông Dũng đề nghị.
"Né" điểm ngập nặng
Theo hợp đồng nguyên tắc ký kết ngày 2-10 giữa UBND TP HCM và chủ đầu tư, phạm vi chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh kéo dài từ đường Võ Duy Ninh đến đường Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, chủ đầu tư cho rằng đoạn dưới chân cầu vượt bị tắc nghẽn nên không chịu trách nhiệm nếu khu vực này ngập và đề nghị đưa ra ngoài hợp đồng.
"Hệ thống thoát nước khu vực này bị bồi lắng do chất thải của một số công trình xây dựng gần đó gây ra. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan chức năng của TP vì chúng tôi không có thẩm quyền đào đường để thay thế cống mới. Máy bơm vẫn đủ công suất để hút nước đoạn cuối đường đổ ra sông Sài Gòn nhưng cống phải thông. Chúng tôi cam kết hết ngập mới lấy tiền nhưng đoạn dưới cầu vượt nằm ngoài khả năng của chủ đầu tư" - ông Cường nói.
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Chống ngập TP HCM, cho biết theo hợp đồng, chủ đầu phải bảo đảm yêu cầu về phạm vi cam kết. Về ý kiến của chủ đầu tư nói cống bị tắc, ông Long khẳng định cống không bị tắc mà do cống nhỏ, nước thoát chậm. Tuyến cống đường Nguyễn Hữu Cảnh đã xuống cấp từ lâu, trung tâm đã kiểm tra và cung cấp cho chủ đầu tư trước khi thử nghiệm. Do tuyến cống xuống cấp nên TP đã có kế hoạch nâng cấp, cải tạo và nâng đường. "Theo hợp đồng thì phạm vi từ đường Điện Biên Phủ đến đường Võ Duy Ninh, nếu chủ đầu tư có ý kiến gì khác phải xin ý kiến UBND TP" - ông Long thông tin.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Trung tâm Chống ngập TP và chủ đầu tư đã ký thỏa thuận về việc xử lý "rốn ngập" dưới cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Qua khảo sát, hệ thống thoát nước khu vực này bị võng xuống theo thời gian do nền đất yếu, đường bị lún. Hai bên thống nhất sẽ thuê đơn vị chuyên môn khảo sát và "nắn" đoạn bị võng này cho thẳng lại, toàn bộ hệ thống thoát nước sẽ được thông suốt.
Do trình tự, thủ tục lập dự án xử lý điểm "xi-phong" này lâu nên Trung tâm Chống ngập TP HCM đề xuất chủ đầu tư tạm ứng kinh phí để đầu tư trước, TP sẽ tính đúng, tính đủ khi ký hợp đồng thuê máy bơm chính thức. Chủ đầu tư đồng ý việc ứng tiền và đề nghị không tính đoạn bị ngập này cho đến khi đường cống được thông suốt.
Không lo kinh phí thuê máy bơm
Tại buổi lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc hôm 2-10, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhận định việc thuê dịch vụ máy bơm là giải pháp tình thế nhưng rất cần thiết cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Do đặc thù của tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh là đang bị lún, TP sẽ tính đến phương án nâng đường bằng công nghệ mới. Về kinh phí thuê máy bơm, ông Tuyến cho biết hiện có nhiều doanh nghiệp muốn đóng góp nên không phải lo ngại, chủ đầu tư cần tiếp tục nghiên cứu công nghệ, giải pháp tiến bộ hơn.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng đề nghị chủ đầu tư vận hành máy bơm ngay khi trời mưa vì những rủi ro mà người dân gặp phải khi triều cường rất lớn. UBND TP HCM giao Trung tâm Chống ngập TP nghiên cứu những khu vực tương tự phù hợp với công nghệ này để đề xuất TP tiếp tục thuê nếu như thí điểm hiệu quả.
Người lao động