MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ CÁT LINH - HÀ ĐÔNG: Chưa thể vận hành vào đầu tháng 4

21-03-2019 - 08:33 AM | Xã hội

Dù đã hoàn thành 99% khối lượng công việc nhưng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vẫn chưa thể vận hành thương mại vào đầu tháng 4-2019 do chậm trễ nhiều khâu.

Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dự kiến triển khai từ tháng 11-2008 và hoàn thành vào tháng 11-2013, tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (gồm nguồn vốn trong nước kết hợp với vốn vay ODA của Trung Quốc). Tuy nhiên do chậm tiến độ, đến tháng 10-2011, dự án mới chính thức được triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỉ đồng).

Nhiều hạng mục chưa hoàn thiện

Trả lời về kế hoạch vận hành thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), khẳng định chưa có bất cứ tuyên bố nào của các cơ quan chức năng về thời gian chính thức vận hành hệ thống này.

"Tôi chưa bao giờ phát ngôn là dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông tháng 4-2019 sẽ đi vào hoạt động. Đầu tháng 4 này, tuyến đường sắt chưa thể hoạt động và dự kiến cuối tháng 4 mới vận hành thử nghiệm chở khách" - ông Trường nói và cho biết hiện còn một số hạng mục chưa hoàn thiện như hệ thống kiểm vé tự động, thang cuốn chưa có mái che…

Ông Trường nói thêm là để tàu có thể chính thức hoạt động cần qua nhiều đợt kiểm định, giám sát chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng. Do vậy, khó xác định được thời điểm chính xác đoàn tàu chính thức vận hành.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn gồm 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách. Khi chính thức vận hành sẽ đạt tần suất trung bình 10 phút/chuyến, thời gian từ ga Cát Linh tới ga Yên Nghĩa là 23 phút, thời gian hoạt động từ 5 giờ đến 23 giờ mỗi ngày.

Cũng theo ông Trường, UBND TP Hà Nội đã thông qua phương án giá vé: Giá vé lượt là 8.000-15.000 đồng/tùy cự ly; giá vé ngày là 30.000 đồng/ngày; giá vé tháng là 200.000 đồng/tháng loại phổ thông và 100.000 đồng/tháng loại ưu tiên.

Ông Trường cũng thông tin cách đây 3 năm, nhân lực được đưa đi đào tạo ở Trung Quốc và đến nay đã đủ trình độ để tham gia vận hành hệ thống.

 ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ CÁT LINH - HÀ ĐÔNG: Chưa thể vận hành vào đầu tháng 4  - Ảnh 1.

Vận hành thử nghiệm các đoàn tàu trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông Ảnh: Ngô Nhung

Chưa đăng kiểm xong

Ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết đến nay, 99% tổng khối lượng vật tư, thiết bị đã về đến công trường dự án và hoàn thành lắp đặt khoảng 90%. Tuy nhiên, hiện còn một số hạng mục chưa lắp đặt như hệ thống thẻ vé tự động, hệ thống báo cháy, các hệ thống chiếu sáng động lực... nên chưa đủ điều kiện vận hành chính thức.

"Các đoàn tàu đáng ra phải hoàn thành công tác đăng kiểm trong tháng 11-2018 nhưng đến nay vẫn chưa xong do tổng thầu thiếu báo cáo thí nghiệm; chậm trễ cung cấp hồ sơ phương tiện; công tác kiểm tra, kiểm chứng không tuân thủ kế hoạch đề ra với Cục Đăng kiểm Việt Nam" - ông Phương nói.

Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, nhìn nhận đến nay, tổng thầu chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo yêu cầu kỹ thuật của dự án. "Tổng thầu được yêu cầu hoàn thành trước 28-2 nhưng vẫn chưa thực hiện xong và dự kiến đến hết tháng 3-2019 mới trình được. Việc chậm trễ này gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai công tác vận hành thương mại" - ông Thành giải thích thêm.

Phải tuyệt đối an toàn

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đội ngũ đăng kiểm của đơn vị đang kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 13 đoàn tàu điện của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau kiểm tra, phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm định để đưa vào vận hành.

Ngoài các đoàn tàu, cũng theo Cục Đăng kiểm, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nói riêng và các tuyến đường sắt đô thị xây mới nói chung đều phải trải qua khâu đánh giá và được cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống mới được đưa vào vận hành thương mại.

Việc đánh giá, chứng nhận này do một tổ chức chứng nhận độc lập thực hiện, được chủ đầu tư dự án lựa chọn qua đấu thầu. Đơn vị này chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, chứng nhận của mình. Đơn vị đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là liên danh Apave-Certifier-Tricc. Theo quy định, kết quả đánh giá phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định, cấp giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống trước khi dự án đi vào khai thác.

Hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 13 báo cáo đánh giá an toàn hệ thống. Đến nay, nhà thầu đã lập đến báo cáo số 9. Ngày 20-3, chuyên gia của nhà thầu sẽ cùng các bên liên quan kiểm chứng mức độ an toàn của các hệ thống, thiết bị tại hiện trường dự án. Dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo đánh giá cuối cùng vào giữa tháng 4-2019.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa trực tiếp thị sát tình hình vận hành thử dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ông Thể yêu cầu tổng thầu và các đơn vị liên quan nỗ lực để dự án đưa vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4-2019. "Khi đưa vào vận hành thương mại, đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải được chứng nhận an toàn hệ thống, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách" - ông Thể chỉ đạo.

Hiệu quả tài chính là rất thấp?

Đánh giá về hiệu quả kinh tế của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường cho rằng không nên chỉ đánh giá về mặt tài chính, kinh tế mà hãy nhìn nhận về mặt xã hội, công ích, hiệu quả của kinh tế tổng hợp. "Dự án là đầu tư vào lĩnh vực công ích nên nếu như đứng trên góc độ hiệu quả tài chính là rất thấp" - ông Trường nhìn nhận.


Theo VĂN DUẨN - HUY THANH

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên