Đường sắt Trung-Lào hút khách khi mở tuyến du lịch thẳng Bắc Kinh-Viêng Chăn: Kinh tế Lào bùng nổ!
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tuyến đường sắt có thể tăng tổng thu nhập ở Lào lên tới 21% trong thời gian dài.
- 14-11-2023Đồng yên chạm đáy 3 thập kỷ, thị trường cảnh giác cao độ
- 14-11-2023Thị trường hồi hộp chờ 5 thông tin quan trọng trên radar kinh tế của Washington trong tuần: Một dữ liệu then chốt với quyết định lãi suất của FED
- 13-11-2023Thị trường chứng khoán của nền kinh tế hàng đầu châu Á thăng hoa nhờ ‘ông cụ’ 93 tuổi Warren Buffett: Rời xa cây cao bóng cả có là bão tố?
Kết nối du lịch xuyên biên giới từ Bắc Kinh
Hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 13/11 đưa tin, tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào (đường sắt Trung-Lào) đã chính thức triển khai dịch vụ du lịch xuyên biên giới từ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đến thủ đô Viêng Chăn của Lào.
Do đây là chuyến tàu xuyên biên giới đầu tiên khởi đầu từ Bắc Kinh của toàn tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào nên khá nổi tiếng, dù khởi hành vào sáng sớm nhưng sự thích thú chờ đợi chuyến đi của hành khách không hề giảm.
"Bởi vì trước đây tôi chưa từng đi tàu du lịch nên đây là lần đầu tiên tôi đi du lịch nước ngoài bằng tàu, tôi rất muốn xem tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào trông như thế nào", một hành khách chia sẻ với Tân Hoa Xã.
Theo lịch trình, vào lúc 2h02 sáng ngày 13/11, tàu khởi hành từ ga Phong Đài Bắc Kinh, đi dọc tuyến Bắc Kinh-Quảng Châu, Thượng Hải-Côn Minh.
Sau đó, tàu sẽ tiếp tục đi dọc đường sắt Trung-Lào đến thủ đô Viêng Chăn của Lào, với một số điểm dừng bao gồm Luông Pha Băng và Vang Vieng.
Vào ngày du khách đến Lào, bữa tối chào mừng sẽ được tổ chức tại địa phương. Trong chuyến đi, du khách có thể tham quan Luông Pha Băng, cố đô và trung tâm Phật giáo nổi tiếng của Lào; tham quan chùa Xiêng Thoong cổ, núi Phou Si, ngắm thác Kuang Si, ngắm hoàng hôn trên sông Mê Kông, nếm thử món lẩu đặc biệt của Lào.
Chuyến trở về sẽ đi qua các điểm tham quan của Trung Quốc như Tây Song Bản Nạp ở tỉnh Vân Nam và khu thắng cảnh Xích Bích ở tỉnh Hồ Bắc. Hành trình hai chiều mất 15 ngày.
Chuyến tàu du lịch này có tổng cộng 17 toa, gồm 15 toa chở khách, 1 toa ăn uống, 1 toa máy phát điện.
Vì có nhiều hành khách lớn tuổi và thời gian hành trình dài nên Dịch vụ Du lịch Đường sắt Trung Quốc cũng cung cấp nhiều tiện ích về ăn, ở và thị thực.
Kinh tế du lịch địa phương bùng nổ
Theo kênh CGTN (Trung Quốc), đường sắt Trung-Lào dài 1.035 km, bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2021. Đây là tuyến đường sắt quốc tế đầu tiên kết nối trực tiếp với mạng lưới đường sắt quốc gia của Trung Quốc.
Tuyến đường sắt nối Côn Minh của Trung Quốc với Viêng Chăn ở Lào đã vận chuyển 9,62 triệu tấn hàng hóa chỉ trong nửa đầu năm 2023, tăng 94,7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó khối lượng hàng hóa xuyên biên giới tăng hơn gấp ba lần, đạt mức 2,3 triệu tấn.
Các loại hàng hóa chính được vận chuyển trên tuyến đường sắt này là trái cây, bột khoai tây, lúa mạch, cao su, bia, quặng sắt, tinh quặng và phân bón hóa học.
China Daily thì cho biết, tính đến cuối tháng 8, tuyến đường sắt đã ghi nhận vận chuyển 20,79 triệu lượt hành khách.
Du khách Stuart Hart đến từ Vương quốc Anh chia sẻ về chuyến thăm Lào: "Di chuyển bằng tàu rất nhanh chóng, hiệu quả và dễ chịu".
Hart, đã sống ở Thượng Hải được hai năm, cho biết dịch vụ này tốt như những chuyến tàu mà anh từng trải nghiệm ở Trung Quốc.
Du khách Juliet và Dean O'Reilly, cũng đến từ Anh, nói nhà ga Viêng Chăn rất to đẹp. Họ di chuyển từ Viêng Chăn đến địa điểm du lịch Luông Pha Băng nổi tiếng ở Lào.
Trước khi tuyến đường sắt được thông xe, phương tiện giao thông công cộng duy nhất giữa Viêng Chăn và Luông Pha Băng là xe buýt.
Vongthong Somphavath, một người Luông Pha Băng hiện làm việc tại Viêng Chăn, cho biết: "Di chuyển bằng xe buýt sẽ mất cả ngày… Thật không dễ chịu khi phải ngồi trên một chiếc xe buýt đông đúc từ sáng sớm đến hoàng hôn. Đường núi quanh co khiến hành trình trở nên tệ hơn".
Cô cho biết thêm, hiện giờ thời gian giữa hai địa điểm đã rút ngắn còn 2 tiếng nếu di chuyển bằng tàu hỏa.
"Bên cạnh tốc độ, phong cảnh dọc đường sắt còn đẹp hơn nhiều so với nhìn từ xe buýt. Có một số ý kiến phàn nàn về giá vé nhưng thực tế là vé luôn bán hết rất nhanh".
Cố đô của Lào Luông Pha Băng là địa danh du lịch nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp dọc sông Mê Kông cùng di tích văn hóa phong phú.
Bà Soudaphone Khomthavong, người đứng đầu cơ quan truyền thông, văn hóa và du lịch của tỉnh Luông Pha Băng, nói tuyến đường sắt Trung-Lào đã đưa nhiều khách du lịch đến địa phương hơn. Tuyến đường sắt này đã thúc đẩy vận tải, đầu tư, hậu cần và du lịch ở Lào và trong tương lai sẽ tiếp tục như vậy.
Dữ liệu từ cơ quan chức năng Lào cho thấy, kể từ khi tuyến đường sắt mở cửa, khoảng 85% khách du lịch đã chọn đi tàu từ Viêng Chăn đến Luông Pha Băng.
Bà Khomthavong bổ sung: "Người dân Lào và khách du lịch từ các nước khác thấy việc đến thăm Luông Pha Băng bằng tàu dễ dàng hơn".
Dự án bước ngoặt
China Daily cho hay, là một dự án mang tính bước ngoặt, đường sắt Trung-Lào thể hiện mối liên kết cơ sở hạ tầng giúp tăng cường lợi ích của Trung Quốc, Lào và các quốc gia khác.
Theo sách trắng do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố, "tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã được hoàn thành và đang cung cấp dịch vụ tốt, đồng thời vai trò của nó như một kênh vận tải vàng ngày càng trở nên nổi bật".
Trước khi có đường sắt Trung-Lào, Lào chỉ có tuyến đường sắt dài 3,5 km dọc biên giới với Thái Lan nên tuyến đường sắt mới đã giúp Lào trở thành trung tâm liên kết đất liền, thúc đẩy vận tải, đầu tư, hậu cần và du lịch.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tuyến đường sắt có thể tăng tổng thu nhập ở Lào lên tới 21% trong thời gian dài.
Trong khi đó, thương mại quá cảnh dọc tuyến đường qua Lào ước tính đạt 3,9 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030, bao gồm việc chuyển khoảng 1,5 triệu tấn thương mại từ vận tải biển sang đường sắt.
Đời sống và Pháp luật