MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường sống cho những công ty chia sẻ như Uber hay Airbnb: Muốn tồn tại thì hãy học cách sẻ chia

29-08-2018 - 12:46 PM | Tài chính quốc tế

Thử tưởng tượng các công ty như Uber hợp tác với chính quyền thành phố thực hiện từng bước vấn đề xe cộ, tập trung vào các khu vực chưa được khai thác, hơn là đổ vào những thị trường đông đúc và gây ra cuộc chạy đua cho phân khúc thấp.

Vài năm trước, Travis Kalanick, nhà sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành Uber, đã có một buổi nói chuyện với một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Boston. Ông dự đoán về một thế giới "không tắc đường" sẽ thành hiện thực trong 5 năm nữa.

Cách đây vài tuần, chính quyền thành phố New York đã thông qua những đạo luật giới hạn việc đăng ký phương tiện cho thuê mới do Uber và đối thủ của mình, Lyft, khai thác, nhằm xem xét liệu có phải các dịch vụ gọi xe này là nguyên nhân khiến tình hình giao thông ngày một tồi tệ.

Số lượng xe của các dịch vụ này tăng gần gấp đôi ở New York so với năm 2015. Thị trưởng Mayor Bill de Blasio đã ban hành một đạo luật mới, tăng lương cho các tài xế, nhằm khích lệ các lãnh đạo công đoàn và mô hình taxi truyền thống trước sức ép từ loại hình dịch vụ này.

Cùng thời điểm, Uber công bố mức thua lỗ trong quý II và tăng ngân sách cho mảng "hành chính", bao gồm kinh phí dự trù cho các cuộc chiến pháp lý.

Rồi họ sẽ cần đến khoản ngân sách này. New York là thành phố mới nhất, sau London, Paris và một vài thành phố khác, ban hành lệnh cấm dịch vụ gọi xe, gây ra những xáo trộn đối với giao thông đô thị. Vấn đề này cần được nhìn nhận từ cả hai phía. Ở New York, nhờ có Uber và Lyft, việc gọi xe ở các quận ngoại ô trở nên đặc biệt dễ dàng. Người dân sử dụng hàng chục chuyến mỗi tuần và thậm chí nghĩ đến việc bán luôn xe ô tô của mình (nếu bạn thắc mắc lí do nào dẫn đến suy nghĩ này, hãy đọc tiểu thuyết của Calvin Trillin về việc tìm chỗ đậu xe ở New York).

Ngược lại, tình hình giao thông có vẻ ngày một tồi tệ, bất kỳ ai đã đầu tư vào một giấy phép taxi truyền thống — từng được bán với giá hơn 1 triệu USD rồi sau đó lao dốc xuống mức giá sáu chữ số — đều thua lỗ nặng nề. Dĩ nhiên, đó là những gì mà công nghệ gây ra. Hãy thử hỏi những người theo xu hướng bảo thủ.

Vấn đề nằm ở chỗ trong khi khoa học kĩ thuật ở thế kỷ 21 đang tái cấu trúc lại nhiều ngành công nghiệp thì luật lao động vẫn cũ mèm như ở thế kỷ 19. Không mấy ngạc nhiên khi vô số các tài xế tuyệt vọng đến mức phải tự sát. Nếu chúng ta muốn "nền kinh tế tự do" thực hiện đúng vai trò của nó, các công ty công nghệ trung gian, nhóm thu về nhiều lợi nhuận nhất từ các hoạt động kinh doanh của mình — cần học cách chia sẻ.

Cần có những thay đổi cả về khoa học kỹ thuật lẫn khả năng sinh tồn. Về bản chất, chúng ta nên từ bỏ sự vi diệu mà bằng cách nào đó nền kinh tế tự do vẽ ra về việc giải quyết tình trạng chênh lệch quyền lực giữa người lao động và các ông chủ. Các nhà thầu làm việc qua Uber, hay bất kì các công ty trung gian "dựa trên nhu cầu" quả thật được tự chủ hơn, và các cuộc khảo sát cũng cho thấy họ thích điều này. Như cách mà Uber chứng minh điều này bằng đoạn quảng cáo về một người đàn ông da trắng trẻ tuổi và giàu có ngồi trong một chiếc xe chan hòa ánh nắng và mỉm cười, theo đúng khẩu hiệu "Freedom Pays Weekly." Đó có thể là một giáo viên đang kiếm thêm thu nhập trong kì nghỉ hè.

Thực tế, đa số các lái xe Uber là người gốc phi, Á hay Latin và chỉ nhận được khoản lương dưới mức tối thiểu. Nhìn chung, cách quản lý thuật toán trao nhiều quyền năng cho các công ty trung gian hơn. Họ không chỉ giám sát người lao động 24/7, mà còn kiếm lời từ lượng thông tin thuật toán đồ sộ cho phép họ sa thải ngay lập tức các tài xế bị người dùng xếp hạng kém, hay lấy mức lợi nhuận biên cao hơn từ các lái xe sẵn sàng trả thêm để dùng dịch vụ tốc độ cao, mà không có bất kỳ ưu đãi nào cho họ.

Đây không phải là cách mà một thị trường nên hoạt động. Đó là sự độc quyền dữ liệu sẽ ngày càng tước đi quyền lực của cả người lao động và nguồn vốn ở một mức độ mà chúng ta không thể hình dung nổi. Không chỉ các tài xế bị "uber hóa" mà cả các bác sĩ chụp X quang, luật sư, nhà thầu và các kế toán viên cũng rơi vào tình cảnh này. Tất cả các dịch vụ giờ đều có thể được kết nối ở mức giá thấp thông qua các bên trung gian.

Thay vì chờ đợi sự kiểm soát từ chính quyền, các công ty công nghệ trung gian nên chịu trách nhiệm cho những thay đổi họ tạo ra — không chỉ trên khía cạnh tích cực. Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức. Nhiều ông lớn ngành công nghệ có xu hướng tự do thái quá và thâm nhập khu vực công một cách tùy tiện. Uber đã tự làm xấu đi hình ảnh của mình do xâm nhập các thị trường mới theo kiểu du kích, lũng đoạn thị trường rồi sau đó đề xuất các yêu cầu. (Hiện giờ hãng đang cố gắng cải thiện danh tiếng dưới thời Dara Khosrowshahi, người đã thay thế Kalanick vào năm ngoái.)

Lợi ích tiềm tàng của các dịch vụ gọi và chia sẻ xe — từ giảm tắc đường đến giảm ô nhiễm — không thể thành hiện thực trừ khi các ông lớn hợp tác với khu vực công. Thử tưởng tượng các công ty như Uber hợp tác với chính quyền thành phố thực hiện từng bước vấn đề xe cộ, tập trung vào các khu vực chưa được khai thác, hơn là đổ vào những thị trường đông đúc và gây ra cuộc chạy đua cho phân khúc thấp.

Điều tương tự cũng xảy ra với các dịch vụ trung gian khác, như Airbnb. Công ty này thường xuyên chào hàng khả năng khai thác du lịch ở các khu vực lân cận, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng ở các thành phố như New York, hầu hết các hoạt động kinh doanh được thực hiện ở những khu vực thượng lưu — và những dịch vụ lớn nhất là của các nhà điều hành thương mại với vô vàn lựa chọn, với những tác động lên việc tăng giá thuê nhà và tăng các loại hình dịch vụ do mức sống ngày càng được cải thiện. Airbnb chính thức thực hiện chính sách "one host, one home" (một chủ sở hữu một nhà) ở New York, nhưng vẫn cần những biện pháp mạnh hơn.

Về phía người lao động, các công ty trung gian này phải chịu trách nhiệm cho chi phí người lao động do những lũng đoạn thị trường gây ra. Giáo sư Arun Sundararajan thuộc Đại học New York đã kiến nghị cho phép các công ty này mở một quỹ huấn luyện gọi là "bến đỗ an toàn" cung cấp bảo hiểm và những lợi ích khác cho các tài xế và những người lao động làm việc theo yêu cầu mà không kích động những luật lao động như phân loại người lao động trong thị trường này thành lao động toàn thời gian (điều mà các công ty luôn muốn tránh).

Đó sẽ là một rào cản, nhưng đồng thời tạo điều kiện cho cả hai bên thích nghi với những đạo luật mới đối với nền kinh tế dựa trên nhu cầu để đảm bảo nó sẽ không trở một thị trường zero-sum.


Minh Trang

FT

Trở lên trên