Đường vào Việt Nam của IKEA sẽ giáp mặt với hàng loạt ông lớn nội thất lão làng trong và ngoài nước: Từ Phố Xinh, Nhà đẹp đến Uma, JYSK...
Đường vào Việt Nam của IKEA sẽ giáp mặt với hàng loạt ông lớn nội thất lão làng trong và ngoài nước: Từ Phố Xinh, Nhà đẹp đến Uma, JYSK...
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết Bộ Công thương vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất, thiết kế Thuỵ Điển IKEA đang có kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống trung tâm bán lẻ, kho hàng tại Hà Nội, với vốn đầu tư khoảng 450 triệu EUR.
Thông tin IKEA mở cửa hàng tại Việt Nam bắt đầu manh nha từ năm 2015 nhưng phải đầu năm 2019 thông tin đầu tư mới được hé lộ. Đây cũng là điều bình thường trong chiến lược kinh doanh kỹ lưỡng của IKEA. Một nhân viên thiết kế làm việc tại Trung Đông của IKEA cho biết tập đoàn này thường nghiên cứu 3 năm trước khi vào một thị trường mới.
IKEA sẽ xem xét hầu hết các yếu tố thị trường như: Mức độ cạnh tranh đang tồn tại; Nhân khẩu học thị trường; Nhu cầu thị trường; Văn hóa bản địa; Phong cách và địa điểm sống của khách hàng; Họ từng sử dụng đồ nội thất như thế nào và họ đã chi trả bao nhiêu cho nội thất; Các phong cách chủ yếu được sử dụng tại địa phương là gì; Và rất nhiều yếu tố khác...
Xét về mức độ cạnh tranh trên thị trường, khi gia nhập Việt Nam IKEA sẽ phải đối đầu với các chuỗi nội thất lớn cả nội địa lẫn nước ngoài.
UMA: Chuỗi siêu thị nội thất của một cựu quản lý IKEA
3 nhà sáng lập UMA.
Năm 1994, August Wingardh (người Thụy Điển) đặt chân đến TP.HCM với vai trò là trưởng đại diện người mở đường cho IKEA, thương hiệu phân phối sản phẩm nội, ngoại thất lớn nhất châu Âu. Việc làm này có ý nghĩa khá lớn với nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành, bởi gia công cho IKEA là con đường vừa kiếm được lợi nhuận, vừa có cơ hội nâng cao tay nghề sản xuất.
Các sản phẩm IKEA đặt hàng đều có số lượng rất lớn và đòi hỏi cao về kỹ thuật. Nhờ làm ăn với IKEA mà đồ gỗ Việt Nam rộng đường ra với thế giới và nhanh chóng được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng.
Năm 2006, sau khi nhiệm vụ với IKEA đã hoàn thành, August đứng trước vài lựa chọn, tiếp tục làm công việc cũ với một nhiệm kỳ mới để ở lại hay quay về Thụy Điển..., Rốt cuộc sau đó ông lại chọn một hướng đi hoàn toàn mới là khởi nghiệp chuỗi nội thất của mình.
Thời điểm này, trình độ sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất Việt Nam đã phát triển và có tiếng trên thế giới nhưng thị trường trong nước thì gần bỏ ngỏ.
UMA là viết tắt của ba cái tên của người sáng lập nên thương hiệu này. Hiện chuỗi siêu thị này có 15 cửa hàng và 2 trung tâm thiết kế tại Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Tập đoàn nội thất AKA: Đơn vị sở hữu thương hiệu Nhà Xinh, BoConcept, Calligaris, Bellavita
Thương hiệu Nhà Xinh được nhà sáng lập Nguyễn Quốc Khanh cho ra đời năm 1999 với hệ thống 11 cửa hàng tại Hà Nội và Tp.HCM. Ông Khanh vốn là gương mặt nổi tiếng trong giới nổi thất với việc thành lập tập đoàn AA năm 1993.
Tập đoàn AA chuyên thi công cho các công trình khách sạn và resort 5 sao tại Việt Nam và thế giới. Hiện AA là một trong những thương hiệu có tiếng trong ngành thi công nội thất tại Đông Nam Á.
Năm 2007, AA cho ra mắt thương hiệu Bellavita chuyên nhập khẩu nội thất cao cấp từ Ý và châu Âu. Năm 2010, đón đầu xu hướng bất động sản tại các đô thị lớn phát triển, tập đoàn này nhận phân phối thương hiệu nội thất đến từ Đan Mạch BoConcept. Thương hiệu nội thất toàn cầu đến từ Đan Mạch ra đời năm 1952 với hơn 270 showroom trên 64 quốc gia. Tại Việt Nam, BoConcept hiện có 4 showroom.
Ngoài ra AA còn sở hữu các thương hiệu như Lingne Roset, Calligaris. Năm 2017, AKA ra đời chuyên quản lý các thương hiệu nội thất bán lẻ của tập đoàn.
JYSK: Chuỗi bán lẻ nội thất lớn nhất Đan Mạch
JYSK là nhà bán lẻ nội thất lớn nhất Đan Mạch và hiện có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Thương hiệu này được thành lập bởi Lars Larsen, người đã mở cửa hàng đầu tiên trên Silkeborgvej tại thành phố Aarhus của Đan Mạch vào năm 1979. Hiện chuỗi bán lẻ vẫn thuộc sở hữu của Larsen, một trong những người giàu nhất Đan Mạch.
Hiện JYSK có hơn 2.400 cửa hàng tại 41 quốc gia trên thế giới. Thương hiệu này vào Việt Nam năm 2015 với thông qua đơn vị nhượng quyền có tên Công ty Cổ phần Tinh Tươm. Hiện JYSK có 15 cửa hàng tại Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
Phố Xinh: Thương hiệu có hệ thống showroom diện tích lớn
Nhà sáng lập nên thương hiệu Phố Xinh là Dương Quốc Nam, một doanh nhân 47 tuổi, quê ở Kiên Giang trong gia đình có truyền thống kinh doanh mặt hàng nội thất. Năm 2000, ông Nam tự mở cửa hàng nội thất có tên Phố Xinh.
Ông Nam có bằng Quản trị Kinh doanh của trường Đại học Kinh tế Tp.HCM. Ông Nam thành lập công ty Hoàng Nam vào năm 2001 và khai trương siêu thị nội thất đầu tiên với thương hiệu Phố Xinh.
Hiện Phố Xinh là thương hiệu có không gian trưng bày nội thất quy mô rất lớn tại các đô thị ở Việt Nam. Ngoài ra công ty này còn là đối tác phân phối độc quyền cho thương hiệu nội thất của Mỹ là Ashley.
Nhà đẹp: Thương hiệu thuộc về tập đoàn TCT
Công ty TNHH Thương Mại & Nội Thất Nhà Đẹp là công ty sở hữu thương hiệu "Nhà Đẹp", hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh đồ gỗ nội thất, đồ trang trí, gia dụng trong gia đình từ năm 1999. Nhà Đẹp là thành viên của TCT Group.
Tập đoàn này được biết đến trong các lĩnh vực bán lẻ, kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn và xây dựng nội thất.
TCT Group có 20 công ty thành viên với hàng loạt các chuỗi hệ thống quen thuộc như nhà hàng Phố biển, Vạn Hoa, Đệ Nhất, Mama Mia, Hola, trung thâm thể thao Fit24 Fitness. Đây cũng là tập đoàn vừa bán lại thương hiệu Fivimart cho tập đoàn Vingroup cách đây không lâu.
Rất nhiều công ty nội thất nhỏ lẻ khác
Ngoài các chuỗi lớn nổi tiếng về nội thất, khi gia nhập thị trường Việt Nam, IKEA còn buộc phải cạnh tranh với các công ty nội thất cá nhân. Các công ty này thường được ưa chuộng bởi đáp ứng nhu cầu thiết kế cá nhân hóa theo sở thích của chủ căn hộ.
Ngoài ra với việc sở hữu xưởng và nhân công riêng, các đơn vị thi công nội thất cá nhân này hiện có khả năng cạnh tranh lớn về giá so với các chuỗi siêu thị lớn hiện nay.