Đứt chuỗi tăng thần tốc, "siêu cổ phiếu" VNZ chính thức đáp sàn
Bên bán chiếm ưu thế với dư bán sàn 7.200 cổ phiếu, trong khi "trắng bên mua".
Trong phiên sáng ngày 17/2, ngay sau ATO, cổ phiếu VNZ đã xuất hiện áp lực chốt lời và cổ phiếu này mau chóng giảm kịch sàn về mức 1.219.500 đồng/cổ phiếu. Có 700 cổ phiếu được sang tay trong hơn 1 tiếng buổi sáng. Bên bán chiếm ưu thế với dư bán sàn 7.200 cổ phiếu, trong khi "trắng bên mua".
Điều đáng chú ý là thanh khoản giao dịch của VNZ có sự cải thiện rõ rệt. Thay vì chỉ khớp lệnh vỏn vẹn 100 cổ phiếu mỗi phiên, khối lượng giao dịch đã đạt mức trên dưới 6.000 cổ phiếu trong 4 phiên giao dịch gần nhất.
Thực tế, trong phiên ngày 16/2, VNZ đã chính thức đứt chuỗi 11 phiên tăng trần liên tiếp khi ghi nhận phiên giảm giá đầu tiên. Kết phiên 16/2, VNZ giảm 4,32% xuống 1,3 triệu đồng/cp.
Trước khi có pha “quay xe” giảm giá, VNZ cũng công bố văn bản giải trình lần 2 (vào ngày 15/2) với “văn mẫu” việc giá cổ phiếu tăng trần liên tiếp hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán, thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty khẳng định không có bất kỳ can thiệp nào và hoạt động côngty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.
Bàn về diễn biến cổ phiếu VNZ, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta nhận định, bản chất thị trường chứng khoán là cung cầu, phản ánh vào thanh khoản. Với VNZ, cổ phiếu đi lên không có thanh khoản, thì rủi ro cho người mua là không biết bán cho ai.
“Nếu cổ phiếu cứ giảm giá mà thanh khoản không có, mẫu hình cây thông sẽ xuất hiện. Đây là mẫu hình đã xuất hiện ở nhiều cổ phiếu từng "làm mưa, làm gió" trên thị trường. Đến giai đoạn phân phối tạo đỉnh, người mua lướt sóng vội vàng bán ra thì không có thanh khoản”, ông Minh đánh giá.
Câu chuyện lên sàn của VNZ vốn đã gây sự chú ý cho các nhà đầu tư suốt thời gian qua. Từ khi chính thức giao dịch trên UPCoM ngày 5/1đến 31/1, VNZ “tắt” thanh khoản với thị giá giữ nguyên. Đến phiên 1/2, cổ phiếu VNZ mới có lệnh khớp đầu tiên và đây cũng là phiên khởi đầu cho chuỗi tăng trần “độc lạ” khi thanh khoản mỗi phiên vỏn vẹn 100 cổ phiếu. Khối lượng giao dịch chỉ bắt đầu thay đổi từ phiên thứ 8 (ngày 10/02).
Cổ phiếu liên tục bứt phá giúp “kỳ lân” công nghệ VNG thiết lập hàng loạt kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Không những phá vỡ kỷ lục thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán được giữ bởi BMC từ năm 2007, VNZ cũng là cái tên đầu tiên trong lịch sử có một phiên tăng trên 130.000 đồng/cp. Con số cao hơn thị giá của hầu hết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Đặc biệt, VNZ đã trở thành cái tên đầu tiên trong lịch sử chứng khoán Việt Nam chạm đến mức thị giá trên 1 triệu đồng/cp.
Đà tăng của cổ phiếu VNZ diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam không mấy khả quan. Năm 2022, VNG lỗ trước thuế 943 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1.315 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 858 tỷ đồng. Đây không những là số lỗ kỷ lục mà còn là lần đầu tiên cả 3 chỉ tiêu này đều ở mức âm trong lịch sử hoạt động của VNG.
Nhịp sống thị trường