“Đứt” mạch tăng giá, Hoà Phát, Thép Việt Đức… cùng thông báo giảm giá bán hàng
Ở trong nước, dưới góc nhìn người trong cuộc, ông Trần Thành Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen (HSG) – tại ĐHĐCĐ thường niên hôm 18/3/2024 cũng dự báo giá thép cuộn cán nóng (HRC) sẽ tiếp tục diễn biến khó lường và nhu cầu tiêu thụ thép vẫn chưa hồi phục mạnh.
- 19-03-2024Chân dung người con gái sinh năm 2001 có đủ tố chất để ông Lê Phước Vũ chuyển giao Hoa Sen
- 07-03-2024Thép Pomina (POM): Thua lỗ kỷ lục - cái giá đắt khi 2 lần đầu tư “đúng người, sai thời điểm” và vị cứu tinh bí ẩn
- 26-02-2024Chuỗi siêu thị VLXD Hoa Sen Home: Giấc mơ 2 tỷ USD, nỗ lực cuối cùng của ông Lê Phước Vũ trước khi rời Tập đoàn
Ngày 19/3/2024, Công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên đã có thông báo gửi khách hàng về việc điều chỉnh giá bán hàng. Theo Thép Hoà Phát Hưng Yên, trước tình hình giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào giảm, Công ty quyết định giảm giá bán. Trong đó, điều chỉnh giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn xây dựng (chưa bao gồm VAT), áp dụng cho khu vực miền Bắc từ ngày 19/3/2024.
Cùng ngày, CTCP Tập đoàn Sản xuất Thép Việt Đức cũng thông báo giảm thép cuộn các chủng loại VGS 200 đồng/kg (chưa bao gồm VAT), áp dụng cho khu vực miền Bắc và miền Trung, từ ngày 19/3/2024.
Sau 3 đợt tăng giá thép xây dựng trong tháng 1/2024, thị trường thép nội địa đã không nối lại được đà tăng giá sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán. Từ đầu tháng 3, các nhà sản xuất điều chỉnh giảm giá bán thép theo diễn biến giảm giá của nguyên liệu đầu vào như phôi thép, thép phế, quặng sắt.
Theo các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ, triển vọng nhu cầu yếu hơn đang làm tăng khả năng cắt giảm sản xuất thép.
Ở trong nước, dưới góc nhìn người trong cuộc, ông Trần Thành Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen (HSG) – tại ĐHĐCĐ thường niên hôm 18/3/2024 cũng dự báo giá thép cuộn cán nóng (HRC) sẽ tiếp tục diễn biến khó lường và nhu cầu tiêu thụ thép vẫn chưa hồi phục mạnh. Những điều này có thể tác động đến kết quả kinh doanh của Tập đoàn.
Dù vậy, chuyên gia vẫn có cái nhìn lạc quan cho nhu cầu trong nước, khi thị trường bất động sản cũng đang ấm lên. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép trong năm 2024 dự kiến tăng 6,4%, lên gần 21,6 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm tăng 12%, lên gần 13 triệu tấn. Mục tiêu này được đưa ra dựa trên kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 6 - 6,5% trong năm nay.
Nhiều DN thép cũng xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2024 tăng trưởng mạnh.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố kế hoạch kinh doanh 2024 với 140.000 tỷ doanh thu và 10.000 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023.
Về tình hình sản xuất và bán hàng 2 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát cho biết, đã sản xuất 1,38 triệu tấn thép thô, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao, phôi thép đạt 1,15 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023.
Hoa Sen trình bày 2 kịch bản. Ở kịch bản thấp, sản lượng tiêu thụ ước tính đạt hơn 1,6 triệu tấn, doanh thu thuần ở mức 34.000 tỷ đồng và lãi ròng đạt 400 tỷ đồng. Đối với kịch bản cao, sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt hơn 1,7 triệu tấn, doanh thu thuần đạt 36.000 tỷ đồng và lãi ròng đạt 500 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC mới đây cũng công bố mục tiêu lãi ròng 80 tỷ đồng trong năm 2024, tương ứng với sản lượng tiêu thụ 900.000 tấn thép các loại.
Là ngành mang tính chất chu kỳ, kết quả kinh doanh và thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành thép chịu nhiều ảnh hưởng từ bối cảnh vĩ mô trong nước và quốc tế. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, năm 2024, bức tranh tài chính của các doanh nghiệp thép Việt sẽ sáng sủa hơn. Triển vọng hồi phục rõ ràng đến từ thị trường thép xây dựng nội địa, đồng thời giá thép điều chỉnh tăng cũng giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép.
Nhịp sống thị trường