Duyên nợ của 2 nhân vật quyền lực nhất Viettel
Trước khi nhận nhiệm vụ mới, ông Nguyễn Mạnh Hùng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel, còn ông Lê Đăng Dũng là Bí thư Đảng uỷ, Phó Tổng giám đốc. Hai lãnh đạo này có nhiều điểm chung khá thú vị.
- 01-08-2018Vì sao Thiếu tướng Lê Đăng Dũng được chọn làm người đứng đầu Viettel?
- 01-08-2018Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Từ giấc mơ viện sĩ đến vị trí người đứng đầu Viettel
Tại Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel), các nhân sự đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Lê Đăng Dũng đều có xuất thân quân nhân. Ông Hùng vào Viettel năm 1990 khi đó còn mang tên Công ty Điện tử thiết bị thông tin (SIGELCO), còn ông Dũng là năm 1996; cả 2 đều bắt đầu với vị trí trợ lý kỹ thuật.
Trước đó, nhân vật số 1 và số 2 của Viettel đều nhập ngũ và vào Học viện Kỹ thuật quân sự. Sau đó, cả 2 người cùng sang Liên Xô (cũ) học tập ở trường kỹ thuật (thời điểm và trường khác nhau): ông Hùng ở Đại học Thông tin Ulianop, còn ông Dũng ở Đại học Kỹ thuật điện Lêningrat. Sau đó, cả hai sang Úc học Thạc sĩ: ông Hùng ở Đại học tổng hợp Sydney, còn ông Dũng ở Đại học Nam Úc.
Đồ họa: Hương Xuân
Trước khi Viettel thực sự tiến vào thị trường viễn thông, ông Hùng và ông Dũng là 2 nhân vật quan trọng nhất tham gia vào một dự án đặc biệt của quân đội liên quan đến lĩnh vực này. Lúc đó, Bộ Tư lệnh thông tin đề xuất xin Chính phủ được sử dụng 2 sợi cáp thừa trên trục cáp quang 500KV (một của VNPT, một của EVN) để xây dựng mạng thông tin quân sự.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ mạng cáp quang thông thường cần có 4 sợi cáp (2 thu và 2 phát) thì mạng đường trục do Viettel thực hiện (dự án cáp quang 1A) chỉ có 2 sợi. Chưa hết, đường trục của các mạng thông tin khác đều cần sự tham gia của chuyên gia nước ngoài thì dự án này theo yêu cầu của cấp trên là thực hiện chỉ có người Việt Nam.
Nhóm kỹ thuật của Viettel do ông Hùng và ông Dũng phụ trách đã tìm ra phương án để thực hiện công nghệ thu phát trên 1 sợi cáp mà trước đó trên thế giới mới áp dụng ở Anh ở tuyến dài 200km (tuyến 1A dài gần 2.000km và qua nhiều địa bàn rừng núi rất hiểm trở). Trong dự án này, ông Hùng phụ trách một tuyến và ông Dũng phụ trách một tuyến. Trước đó, Viettel chưa từng thực hiện một dự án nào như vậy.
Ngoài ông Hùng và ông Dũng, dự án cáp quang 1A cũng tập trung những nhân sự giỏi nhất về kỹ thuật của Viettel lúc đó và đều trở thành các lãnh đạo chủ chốt sau này như: ông Tống Viết Trung (nguyên Phó Tổng giám đốc Viettel hiện là Phó Tư lênh Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng Bộ Quốc phòng), ông Lê Hữu Hiền (hiện là Phó Tổng giám đốc Công ty công trình Viettel), ông Nguyễn Thanh Nam (hiện là Tổng giám đốc Viettel Myanmar)…
Đồ họa: Hương Xuân
Sau dự án cáp quang 1A, Viettel tiến vào lĩnh vực viễn thông năm 2000 và ông Hùng trở thành Phó Giám đốc, còn ông Dũng lên chức Trưởng phòng Đầu tư phát triển – 2 vị trí trọng yếu tại công ty này. Tiếp đó, ông Dũng cũng lên chức Phó giám đốc, rồi cả 2 đều chuyển thành Phó Tổng giám đốc khi Viettel lên Tổng công ty, rồi Tập đoàn.
Năm 2014, khi ông Hùng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Viettel, ông Dũng cũng được giao nhiệm vụ Bí thư Đảng uỷ và được coi như nhân vật số 2 tại đây.
Khi thị trường viễn thông trong nước phát triển vẫn tốt, ông Hùng là người đề ra chiến lược cần tiến ra nước ngoài vì thị trường trong nước rồi sẽ bão hoà. Còn ông Lê Đăng Dũng là người Viettel đi đến nhiều quốc gia nhất để thực hiện công tác xúc tiến đầu tư. Trước khi được giao vị trí phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel, ông Dũng phụ trách lĩnh vực đầu tư nước ngoài và là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Viettel Global.
Đồ họa: Hương Xuân
Tại Tập đoàn Viettel, trong Ban Tổng giám đốc, ông Dũng có vai trò như một người phản biện quan trọng với những định hướng lớn mà ông Hùng đưa ra. Người đàn ông trầm tĩnh này được ông Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu để trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc kế tiếp của Tập đoàn Viettel. Giới thiệu của ông Hùng nhận được sự đồng thuận tuyệt đối trong Thường vụ Tập đoàn.
Nếu như ông Nguyễn Mạnh Hùng là người có thời gian làm việc lâu nhất tại Viettel trong Ban Tổng giám đốc thì ông Lê Đăng Dũng là người giữ vị trí Phó Giám đốc và Phó Tổng giám đốc lâu nhất trong lịch sử Viettel (16 năm); cả 2 người đều mang quân hàm Thiếu tướng.
Sau khi ông Hùng nhận nhiệm vụ mới (Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) thì người đồng đội Lê Đăng Dũng được giao vị trí phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel – trở thành nhân vật số 1 tại Tập đoàn này.
Trí Thức Trẻ
- Vì sao Thiếu tướng Lê Đăng Dũng được chọn làm người đứng đầu Viettel?
- Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Từ giấc mơ viện sĩ đến vị trí người đứng đầu Viettel
- Thiếu tướng Lê Đăng Dũng giữ chức phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel
- Trao quyết định giao quyền Bộ trưởng cho ông Nguyễn Mạnh Hùng
- Công bố quyết định phân công Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ TT&TT kiêm Phó Ban Tuyên giáo Trung ương