MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Duyên nợ đặc biệt của vị CEO Hàn Quốc với chứng khoán Việt Nam

Kang Moon Kyung, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Mirae Asset là người duyên nợ với chứng khoán Việt Nam. Năm 2007, ông Kang tới đây để gây dựng một công ty chứng khoán Hàn Quốc với niềm tin về triển vọng tươi sáng của chứng khoán Việt. Thế nhưng…

Cuộc phỏng vấn với Kang Moon Kyung diễn ra vào đúng thời điểm Tổng thống Hàn Quốc – Moon Jae In đang thăm Việt Nam. Ngay trước đó, chỉ số VN-Index vừa vượt đỉnh cao của mọi thời đại (đỉnh cũ thiết lập năm 2007 khi ông Kang mới đến Việt Nam), đem lại tâm lý hưng phấn cao cho nhiều nhà đầu tư trong đó có cả những chuyên gia như CEO Mirae Asset.

Duyên nợ đặc biệt của vị CEO Hàn Quốc với chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1.

Năm 2007, khi mới sang Việt Nam để đặt nền móng cho Mirae Asset, ông Kang Moon Kyung có niềm tin to lớn về triển vọng phát triển của thị trường. Chuyên gia này đã miệt mài nghiên cứu để viết cuốn sách có tên "Rising Vietnam" nói về sự phát triển và tương lai của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thế nhưng, cuối năm 2009, vào đúng thời điểm cuốn sách được phát hành rộng rãi tại Hàn Quốc, thị trường chứng khoán Việt Nam lâm vào khủng hoảng nặng nề. Dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là một ngôi sao mới của châu Á của ông Kang trở nên khá hài hước…  

Duyên nợ đặc biệt của vị CEO Hàn Quốc với chứng khoán Việt Nam - Ảnh 2.

Phát hành cuốn sách với dự đoán "thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở thành ngôi sao mới của châu Á" khi đang xảy ra khủng hoảng nặng nề, ông nghĩ gì về điều đó?

Năm 2007, thị trường chứng khoán rất nóng bởi nhà đầu tư nước ngoài tràn vào sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nhưng sau đó thị trường đi xuống  và khủng hoảng.

Ở đây tôi xin lưu ý, khi kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng, mọi quốc gia đều phải trải qua một giai đoạn khủng hoảng ngắn. Thế nhưng, nếu ai còn bám trụ được qua giai đoạn đó thì sẽ ổn.

Nếu chỉ nhìn vào ngắn hạn, không ai có thể dự báo được điều gì sẽ xảy ra và khủng hoảng, thị trường đi xuống là điều dễ thấy. Nhưng xét về triển vọng dài hạn, thị trường Việt Nam vẫn rất tốt và chắc chắn sẽ phục hồi.  

Duyên nợ đặc biệt của vị CEO Hàn Quốc với chứng khoán Việt Nam - Ảnh 3.

Ông có nhận được lời phàn nàn về cuốn sách "Rising Vietnam" từ người Hàn Quốc khi quảng bá về một tương lai tươi sáng nhưng thực tế ở Việt Nam đang cho thấy điều ngược lại?

Tình thực mà nói tôi không nhận được lời phàn nàn nào vì cuối năm 2009, tôi được công ty mẹ cử sang Brazil để xây dựng một công ty mới. Thời điểm đó, tại Mirae Asset, tôi là người duy nhất có kinh nghiệm xây dựng một công ty chứng khoán từ lúc đầu và có thể điều động đi được.

Khi khủng hoảng, giá của mọi chứng khoán đều lao dốc,  mọi người đều rất sợ hãi bởi dường như giá vẫn tiếp tục đi xuống. Tôi thường nói với các nhà đầu tư: nếu triển vọng dài hạn là tốt, thị trường cứ đi xuống liên tục là cơ hội để giải ngân nguồn vốn, với số tiền từng chút từng chút một...

Duyên nợ đặc biệt của vị CEO Hàn Quốc với chứng khoán Việt Nam - Ảnh 4.

Đến Brazil, ông suy nghĩ gì về câu chuyện "Rising Vietnam" mà mình đã viết?

Thời gian có thể làm thay đổi nhiều thứ nhưng khi quyết định tới Việt Nam, tôi có một niềm tin to lớn và điều đó không thay đổi dù khủng hoảng xảy ra.

Trong giai đoạn từ 2007-2010, Trung Quốc là một miền đất hứa cho các nhà đầu tư nước ngoài nhưng từ cuối năm 2010, mọi việc đã thay đổi lớn. Nhiều nhà đầu tư lớn không hài lòng với chính sách từ chính quyền Trung Quốc, cộng với chi phí nhân công tăng mạnh… khiến nơi đây không còn hấp dẫn và họ phải tìm miền đất mới cho các khoản đầu tư của mình.

Trong số những địa điểm được cân nhắc thì Việt Nam – quốc gia láng giềng của Trung Quốc, là một lựa chọn tốt với chi phí nhân công hợp lý và chính sách thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là lý do mà Samsung, LG… đã chuyển những nhà máy lớn đến Việt Nam.  

Duyên nợ đặc biệt của vị CEO Hàn Quốc với chứng khoán Việt Nam - Ảnh 5.

Đó cũng là lý do ông quay lại Việt Nam vào năm 2016 hay còn điều gì khác?

Từ năm 2007 đến 2015, công việc kinh doanh của chúng tôi ở Việt Nam khá trầm lắng, chủ yếu là duy trì. Đến năm 2015, chúng tôi vẫn là một công ty chứng khoán cổ phần với đối tác Việt Nam. Vốn điều lệ của công ty khá nhỏ, chúng tôi muốn tăng vốn nhưng đối tác trong nước không có đủ tiền mặt.

Năm 2016, sau khi đàm phán với đối tác nội địa, chúng tôi mua hết cổ phần và trở thành công ty 100% vốn  Hàn Quốc. Sau đó, CEO của công ty thay đổi và tôi được tập đoàn chỉ định thay chỗ để thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đi kèm với đó, vốn điều lệ của Mirea Asset cũng được tăng lên 2.000 tỷ đồng và chúng tôi có nguồn tài chính tốt hơn để phát triển.

Kể từ đó đến nay, hoạt động kinh doanh của chúng tôi đã có nhiều khởi sắc. Lúc tôi mới quay trở lại, thị phần môi giới của Mirae Asset chỉ là 0,3% còn bây giờ là hơn 2%. Mục tiêu của chúng tôi là vào Top 10 và tất cả các đồng nghiệp của tôi tại Mirae Asset đang rất cố gắng và quyết tâm thực hiện.  

Duyên nợ đặc biệt của vị CEO Hàn Quốc với chứng khoán Việt Nam - Ảnh 6.
Duyên nợ đặc biệt của vị CEO Hàn Quốc với chứng khoán Việt Nam - Ảnh 7.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In mới sang thăm Việt Nam đi kèm với dự báo về sự tăng trưởng mạnh của các nhà đầu tư Hàn Quốc nói chung vào Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán nói riêng. Còn đánh giá của riêng ông?

Duyên nợ đặc biệt của vị CEO Hàn Quốc với chứng khoán Việt Nam - Ảnh 8.

Hiện nay, nhà đầu tư Hàn Quốc rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, và nhiều người đã đầu tư muốn đầu tư thêm. Tổng nguồn vốn từ các quỹ Hàn Quốc đầu từ vào Việt Nam khoảng 4 tỷ USD, và còn tiếp tục tăng lên bởi họ nhìn thấy cơ hội cả ở thị trường niêm yết lẫn OTC từ các công ty Nhà nước lớn chuẩn bị cổ phần hóa và IPO.

Ở Hàn Quốc, có rất nhiều người muốn mua chứng khoán Việt Nam vì triển vọng thị trường ở đây. Để chuẩn bị chúng tôi đã có sẵn 2 lựa chọn cho họ. Một là mua chứng chỉ quỹ, hai là có thể mua trực tiếp cổ phiếu của các công ty, họ chỉ cần gửi yêu cầu đến trụ sở chính của chúng tôi ở Hàn Quốc và công ty ở Việt Nam sẽ thực hiện. Hệ thống pháp lý và công nghệ của Mirae Asset đã được chuẩn bị kỹ cho việc này.  

Duyên nợ đặc biệt của vị CEO Hàn Quốc với chứng khoán Việt Nam - Ảnh 9.

Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt của mình với thị trường chứng khoán Việt Nam?

Năm 2007, khi tôi mới đến Việt Nam và làm việc với tư cách là fund manager, tôi không thể mua được cổ phiếu nào cả. Cứ mỗi sáng thức dậy, giá cổ phiếu lại tăng mạnh khiến các lệnh đặt mua của chúng tôi luôn lạc hậu với các nhà đầu tư khác. Tôi bị stress thực sự vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Đến năm 2009 thì thị trường khủng hoảng, tôi chứng kiến một hoàn cảnh trái ngược. Dù tin rằng khủng hoảng chỉ là ngắn hạn và về dài hạn kinh tế sẽ phục hồi và chứng khoán Việt Nam đi lên, nhưng  thực tế là giá cổ phiếu cứ đi xuống mãi mà không thấy điểm dừng nên tôi cũng bị stress nặng.

Khi tôi trở lại Việt Nam 2016, mọi việc rất khác. Năm 2017, thị trường chứng khoán tăng trưởng ngoạn mục, giúp chúng tôi thiết lập nền tảng kinh doanh vững chắc ở Việt Nam.  

Điều gì khiến ông thích nhất khi làm việc và sinh sống ở Việt Nam?

Tôi thích thức ăn, đặc biệt là hoa quả nhiệt đới như xoài, dưa hấu. Thời tiết ở TPHCM cũng ấm áp. Vợ và 3 con trai của tôi cũng thích cuộc sống ở đây.  

Duyên nợ đặc biệt của vị CEO Hàn Quốc với chứng khoán Việt Nam - Ảnh 10.
Hoàng Ly - Minh Châu
Hoàn Như
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ27/3/2018

Hoàng Ly - Minh Châu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên