Ế ẩm “đất vàng” cho thuê Hà Nội do Covid 19
Covid 19 dai dẳng hơn một năm đẩy thị trường "đất vàng" cho thuê của Hà Nội ế ẩm. Nhiều nơi căng biển quảng cáo cho thuê hàng tháng trời vẫn không có khách hỏi thăm...
Đại dịch Covid 19 gây ra cùng với những lần giãn cách xã hội, hạn chế tập trung đông người, ngừng các hoạt động không thiết yếu đã khiến hoạt động mua sắm hàng hoá trực tiếp của người tiêu dùng giảm mạnh. Đại dịch tác động bất lợi tới hầu hết các hoạt động kinh tế, trong đó mặt bằng cho thuê là một ví dụ điển hình về những tổn thương mà nền kinh tế đang phải chịu đựng.
Tại khu vực Hoàn Kiếm - trung tâm của thủ đô Hà Nội, nơi vẫn được xem là "đất vàng, đất kim cương", là thiên đường mua sắm của du khách, bỗng trở nên đìu hiu. “Mặc dù tác động của dịch bệnh diễn ra từ đầu năm 2020, nhưng khi đó các chủ cửa hàng vẫn còn sức chống chịu vì người cho thuê chấp nhận giảm giá một nửa. Đến đầu năm nay thì không cầm cự được nữa, nhiều người thuê cửa hàng buộc phải bỏ cuộc ngay cả chủ cho thuê đồng ý giảm giá cũng không mấy ai còn mặn mà vì kinh doanh khó khăn”, anh Minh, một môi giới văn phòng nhà đất cho biết.
Ở góc độ người cho thuê, nhiều chủ cửa hàng cho biết, nếu như giai đoạn 2018-2019, chỉ cần phát đi thông tin có mặt bằng cho thuê thì một ngày đã có hàng chục cuộc điện thoại gọi đến tìm hiểu, khách cũ chưa chuyển đã có người mới tìm đến đặt cọc, chấp nhận giá cao hơn. Trong khi đó, từ năm 2020 trở đi, đặc biệt tháng 1-2 năm 2021 thời điểm sau Tết, dù đã treo biển đến cả tháng trời cũng không chọn được người thuê vừa ý.
Không tìm được khách thuê, nhiều chủ cửa hàng phải bỏ mặt bằng không kéo dài hàng tháng. Các dãy phố như Hàng Trống, Hàng Bông, Đinh Tiên Hoàng…vốn sôi động từ sáng đến đêm rơi vào trạng thái đìu hiu, vắng ngắt.
VnEconomy ghi lại tình trạng ế ẩm cho thuê mặt bằng kinh doanh phố cổ Hà Nội:
Để hấp dẫn khách thuê, nhiều chủ cửa hàng phải treo biển "đại hạ giá" - Ảnh: Đỗ Trang.
Lý Quốc Sư vốn là con đường nhộn nhịp khách du lịch, nhiều chủ cửa hàng đóng cửa do tác động của dịch Covid 19 khiến mua sắm giảm mạnh - Ảnh: Đỗ Trang.
Phố Lương Ngọc Quyến tình trạng đóng cửa, treo biển cho thuê kéo dài như hiệu ứng "domino" cả dãy khiến không khí trở nên đìu hiu, buồn tẻ - Ảnh: Đỗ Trang.
Các cửa hàng đóng kín cửa, đường phố vắng tanh, thiếu vắng âm thanh mua bán nhộn nhịp vốn có của khu phố cổ - Ảnh: Đỗ Trang.
Theo nhận định của giới chuyên môn, đại dịch đã thay đổi vĩnh viễn thói quen của người tiêu dùng. Thay vì mua sắm offline, giờ đây mọi người xu hướng mua sắm online để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Do đó, các chủ cửa hàng đóng cửa quay về kênh thương mại điện tử khiến các mặt bằng cho thuê ế ẩm - Ảnh: Đỗ Trang.
Trả mặt bằng, sang nhượng là tình thế bắt buôc của nhiều doanh nghiệp để sống còn trong bối cảnh covid 19 hoành hành. Sự việc này diễn ra nhiều đối với nhà hàng ăn uống, mua sắm thời trang, quần áo... Ảnh: Đỗ Trang.
“Có người vừa đến chưa được nóng chỗ đã phải dọn đi vì ế khách, có người xin giảm đến 50%, có người lại muốn khất nợ đến cuối năm trả tiền nên rất khó lựa chọn khách thuê. Chúng tôi chấp nhận chia sẻ rủi ro với khách thuê nhưng mong mọi người cũng hiểu chúng tôi cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng thiệt hại lớn vì Covid 19”, chị Mỹ Hạnh, một chủ cửa hàng cho thuê quận Hoàn Kiếm, nói.
Phố Đinh Liệt hàng loạt cửa hàng treo biển cho thuê nhưng ế ẩm vẫn chưa có khách - Ảnh: Đỗ Trang.
Theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, các toà nhà văn phòng tư nhân nhỏ lẻ đều chung đều chung tình trạng lo lắng khách thuê trả lại mặt bằng hoặc trả một phần nên phải giảm giá sâu, đồng hành cùng khách thuê vượt qua khó khăn. Giá cho thuê văn phòng hạng A có giá cho thuê dao động 25 – 50USD/m2; văn phòng hạng B 10 - 25USD/m2 và văn phòng hạng C có giá thuê 10USD - 15USD/m2 - Ảnh: Đỗ Trang.
Mặc dù giai đoạn hiện tại còn khó khăn, tuy nhiên, Hội môi giới bất động sản Việt Nam dự báo hoạt động cho thuê mặt bằng để bán hàng sẽ phục hồi, tăng trưởng khoảng 40% so với năm 2020. Khuyến cáo các chủ mặt bằng không nên tăng giá thuê, thậm chí nên có hỗ trợ để phục hồi bền vững sức khỏe của các doanh nghiệp thương mại - Ảnh: Đỗ Trang.
Nhịp sống kinh tế