MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Economist: "Mùa đông khắc nghiệt" đang ập đến với kinh tế Mỹ

11-12-2020 - 15:54 PM | Tài chính quốc tế

Economist: "Mùa đông khắc nghiệt" đang ập đến với kinh tế Mỹ

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng những thông tin kinh tế tích cực trên sẽ kết thúc, ít nhất là cho đến khi vắc-xin được phổ biến rộng rãi.

Trong giai đoạn mùa hè và mùa thu, nền kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng trở lại. Sau khi đạt đỉnh ở mức gần 15%, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhanh chóng. GDP quý III đã phục hồi sau giai đoạn sụt giảm do phỏng tỏa vì đại dịch. Sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như không bị ảnh hưởng bởi làn sóng nhiễm coronavirus lần thứ hai và thứ ba, ngay cả khi tình hình kinh tế ở các khu vực khác trên thế giới cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại rằng những thông tin kinh tế tích cực trên sẽ kết thúc, ít nhất là cho đến khi vắc-xin được phổ biến rộng rãi. Trong buổi điều trần trước Quốc hội vào ngày 1 tháng 12, Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, cho biết tốc độ phục hồi đang chậm lại, trong khi quyết định cùng ngày của một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng về việc đưa ra đề xuất gói kích thích kinh tế cũng phản ánh những lo ngại tương tự. Đó là một tin xấu đối với hàng triệu người không có việc làm, cũng như tỷ lệ người Mỹ đang sống trong cảnh nghèo đói đang gia tăng nhanh chóng.

Những dữ liệu theo thời gian thực đáng lo ngại

Số liệu thống kê chính thức có xu hướng có độ trễ lớn. Vì vậy, trong thời gian xảy ra đại dịch, các nhà kinh tế đã chuyển sang sử dụng dữ liệu "có tần suất cao hơn", phần lớn là số liệu từ khu vực tư nhân và được tạo ra bởi các giao dịch của người tiêu dùng và doanh nghiệp, để đo lường nền kinh tế trong thực tiễn. Các ngân hàng ở Phố Wall hiện thường xuyên cung cấp cho khách hàng thông tin cập nhật về các lĩnh vực từ mức tiêu thụ điện hàng tuần đến việc đặt phòng khách sạn hàng ngày. Dữ liệu tần suất cao rất hữu ích trong việc tìm ra những bước ngoặt. Chúng đã giúp xác định chính xác thời điểm bắt đầu suy thoái vào tháng 3 trước khi có số liệu thống kê chính thức.

Nước Mỹ đang ở một bước ngoặt khác. STR, một nhà cung cấp dữ liệu, nhận thấy rằng trong tuần kết thúc vào ngày 21 tháng 11, các khách sạn đã hoạt động ở mức công suất 40%, giảm so với mức 50% chỉ vài tuần trước. Số lượng thực khách tại các nhà hàng đã giảm mạnh trong những tuần gần đây, theo dữ liệu từ OpenTable, một nền tảng đặt chỗ trước, với sự sụt giảm thậm chí còn cao hơn ở các bang bị đại dịch công phá nhiều nhất. Đà phục hồi về số lượng hành khách đi máy bay dường như cũng đã bị chặn lại.

Các phương thức "cập nhật theo thời gian thực" khác đo lường tình hình kinh tế một cách rộng rãi hơn. Cổ phiếu của các công ty nhỏ tạm thời đóng cửa có thể đang tăng lên. Theo Cardify, một hãng cung cấp dữ liệu, chi tiêu của người tiêu dùng trong tuần kết thúc vào ngày 22 tháng 11 đã giảm 5% so với trước đó. Sử dụng dữ liệu của Google, tờ The Economist đã xây dựng một chỉ số kinh tế đo lường tần suất ghé thăm nơi làm việc, các trung tâm giao thông và các địa điểm bán lẻ và giải trí. Sau khi có mức tăng ổn định trong suốt mùa thu, chỉ số này đã giảm trở lại - mặc dù tình hình tại Mỹ vẫn có vẻ tốt hơn châu Âu, nơi chỉ số kinh tế đã sụp đổ sau khi các chính phủ áp dụng một đợt phong tỏa khác. 

JP Morgan Chase đưa ra ước tính về mức tăng trưởng GDP hàng tháng của người Mỹ từ một loạt dữ liệu thời gian thực. Một báo cáo được công bố vào ngày 2 tháng 12 đã cho thấy có thể GDP đã không tăng trưởng nữa từ tháng 11.

Nguyên nhân do đâu?

Có ba yếu tố giải thích cho cho sự tăng trưởng chậm lại. Ở một mức độ nào đó, điều đó là không thể tránh khỏi. Việc nới lỏng phỏng tỏa đã cho phép hàng triệu người trở lại làm việc và bắt đầu chi tiêu trở lại. Nhưng không có sự nới lỏng nào có thể so sánh được đối với các hạn chế do đại dịch Covid-19 sau đó. Vì vậy, việc lặp lại mức tăng trưởng GDP 7,4% hàng quý so với cùng kỳ tháng 7 đến tháng 9 là không thực tế đối với Mỹ.

Chính sách tài khóa là yếu tố thứ hai. Một lý do khác khiến nền kinh tế phục hồi nhanh chóng vào mùa hè là sự hào phóng của các gói kích thích được Quốc hội thông qua vào mùa xuân, trị giá khoảng 14% GDP. Tuy nhiên, Quốc hội cho đến nay vẫn chưa đồng ý với một gói kích thích khác, mặc dù các nhà dự báo lạc quan nhất vẫn cho rằng cần phải có một gói trị giá hơn 500 tỷ đô la để giúp nền kinh tế trở lại bình thường. 

Một chính sách do Tổng thống Donald Trump triển khai để tăng khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp thêm 300 đô la một tuần, giúp tăng tổng thu nhập của hộ gia đình lên 1,5%, đã bị chấm dứt vào tháng 10. Các bang và chính quyền bang, đối mặt với tình trạng khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng và đã phải cắt giảm hơn 1 triệu việc làm trong sáu tháng đầu tiên trong giai đoạn đại dịch, nhiều hơn những gì các bang này phải chứng kiến ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-09.

Lý do thứ ba và quan trọng nhất cho sự chậm lại là do đại dịch. Cho đến gần đây, nhiều người Mỹ, đặc biệt là ở các khu vực nghiêng về đảng Cộng hòa, có vẻ hạnh phúc một cách kỳ lạ khi công việc kinh doanh của họ được vận hành bình thường. Ví dụ, ở Nam Dakota vào tháng 9 và tháng 10, lượng khách truy cập vào các website bán lẻ và giải trí cao hơn 1,5% so với mức bình thường vào thời điểm đó trong năm, ngay cả khi số ca nhiễm covid tăng mạnh. Phân tích của The Economist, dựa trên dữ liệu của Google và Mark Muro cùng các đồng nghiệp tại Viện nghiên cứu Brookings, cho thấy rằng vào mùa hè và mùa thu, lượng người dân ở các khu vực ủng hộ Trump đã giảm do họ tránh tụ tập tại các khu vực nơi công cộng so với những người sống trong các khu vực đã bỏ phiếu cho Joe Biden.

Nhưng giờ đây, ngay cả người dân ở những khu vực ủng hộ Đảng Cộng hòa nhất cũng có vẻ trở nên khó đoán. Trong tuần trước Lễ Tạ ơn, lượng người tới các khu giải trí và bán lẻ ở bang South Dakota thấp hơn 8% so với mức bình thường. Sự gia tăng liên tục các trường hợp covid có thể giải thích một phần điều này, nhưng có lẽ sự gia tăng tỷ lệ các ca tử vong mới là nguyên nhân chính. Nghiên cứu được thực hiện bởi Austan Goolsbee và Chad Syverson, thuộc trường Đại học Chicago, phát hiện ra rằng tỷ lệ tử vong tại địa phương do dịch bệnh có tác động lớn đến nền kinh tế địa phương, có lẽ vì chúng là sự cảnh báo nghiêm trọng về tình hình thực tế. Số ca tử vong thấp hơn số ca mắc và tỷ lệ các hạt của Mỹ có ít nhất một ca tử vong do covid-19 trong tuần trước đang tăng vọt. Các cuộc khảo sát cho thấy ngày càng có nhiều người lo lắng về việc bị lây nhiễm vi-rút.

Nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại khi có vắc xin. Một bản nghiên cúu gần đây của ngân hàng Goldman Sachs cho thấy khoảng 40% dân số Hoa Kỳ sẽ được tiêm phòng trước, và điều này đã đưa Mỹ xếp hạng chỉ sau Anh về tốc độ triển khai vắc xin. Và sự kích thích nền kinh tế do vắc-xin có thể lớn hơn nhiều người mong đợi. Cho đến nay, đại dịch đã để lại ít hằn vết đáng kinh ngạc đối với nền kinh tế của Mỹ. Các vụ phá sản doanh nghiệp và lượng người thất nghiệp về dài hạn vẫn thấp hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính 2007-09.

Cho đến lúc đó nền kinh tế vẫn sẽ trì trệ. Một số chương trình cho vay khẩn cấp cũng có khả năng kết thúc vào thời điểm đó. Và đại dịch vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Nước Mỹ, và đặc biệt là những người nghèo nhất, sẽ phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt.

Tham khảo The Economist

Lục Trúc

Kinh doanh và phát triển

Trở lên trên