Ép người giàu đóng thuế... không dễ!
Việc xuất hiện thêm nhiều tỉ phú trong đại dịch đã khơi lại cuộc tranh cãi về việc đánh thuế giới siêu giàu
- 24-11-2021Thuế quê hương' - đặc sản chỉ có ở Nhật Bản: Người dân được chọn địa phương mình đóng thuế, kiếm tiền ở nơi khác vẫn có thể làm giàu cho quê hương
- 09-11-2021Elon Musk giải thích lý do muốn bán 10% cổ phần Tesla: Sắp phải đóng thuế xấp xỉ 16 tỷ USD?
- 29-10-2021Mỹ đề xuất luật thuế mới, Elon Musk và nhiều tỷ phú hết cửa đóng thuế 0 đồng?
- 04-10-2021Không chỉ Jeff Bezos mà cả Warren Buffett cũng bị gọi tên trong danh sách nhà giàu nhưng đóng ít thuế hơn nhà nghèo
Hơn 100 thành viên của "câu lạc bộ siêu giàu toàn cầu" kêu gọi các lãnh đạo tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2022 hành động nhằm buộc họ phải đóng thuế nhiều hơn để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch Covid-19 và giải quyết bất bình đẳng giàu nghèo.
Thế giới có thêm 2.520 tỉ USD mỗi năm
Những người ký vào thư ngỏ gửi tới WEF hôm 19-1, được biết đến là nhóm Các triệu phú yêu nước (PM), bao gồm người thừa kế Tập đoàn giải trí Walt Disney (Mỹ) Abigail Disney và nhà đầu tư mạo hiểm Nick Hanauer, kêu gọi các lãnh đạo chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp buộc giới siêu giàu đóng góp nhiều hơn cho sự hồi phục kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19.
Nhóm các triệu phú ủng hộ đóng thuế và các tổ chức phi lợi nhuận cho rằng khoản thu thuế này có thể mang về ít nhất 2.520 tỉ USD/năm, đủ để giúp 2,3 tỉ người thoát đói nghèo, sản xuất đủ vắc-xin cho thế giới, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội cho tất cả người dân của các nước có thu nhập thấp và trung bình (tương đương 3,6 tỉ người).
Nhóm này gồm Liên minh Chống bất bình đẳng (FIA), Tổ chức từ thiện Oxfam, Viện Nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Mỹ (IPS) và PM.
Các thành viên của tổ chức “Các triệu phú yêu nước” biểu tình bên ngoài căn hộ của người sáng lập Amazon Jeff Bezos để yêu cầu ông nộp thêm thuế hồi tháng 5-2021 Ảnh: REUTERS
Theo tờ Guardian, bà Jenny Ricks, điều phối viên toàn cầu của FIA, cho hay trong khi hàng tỉ người chật vật để sống sót qua đại dịch thì sự giàu có của các tỉ phú đang vượt ngoài tầm kiểm soát. Nhóm này đề xuất đánh thuế 2% với người có khối tài sản từ 5 triệu USD trở lên, 3% đối với triệu phú có tài sản trên 50 triệu USD và 5% với tỉ phú có tài sản từ 1 tỉ USD trở lên.
Mặc dù hơn 130 quốc gia đã đồng ý với thỏa thuận buộc các công ty lớn đóng mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% nhưng các triệu phú cho rằng giới siêu giàu vẫn cần phải đóng góp thêm.
Bất chấp cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng diễn ra 2 năm qua, khối tài sản của giới siêu giàu toàn cầu vẫn tăng mạnh. Theo thống kê của Tổ chức Oxfarm, khối tài sản của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng lên 1.500 tỉ USD. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ nới rộng đáng kể sự bất bình đẳng kinh tế toàn cầu.
Ở hầu hết các quốc gia, ngoại trừ một số ít ở châu Âu và một số nước Nam Mỹ, người giàu không phải trả thuế hằng năm đối với các tài sản như bất động sản, cổ phiếu hoặc tác phẩm nghệ thuật vì chúng chỉ bị đánh thuế khi tài sản được giao dịch.
Trong năm 2021, Ngân hàng Thế giới đã công bố một báo cáo kêu gọi các quốc gia xem xét đánh thuế tài sản để giúp giảm bất bình đẳng, bổ sung ngân sách chính phủ vốn cạn kiệt bởi các chương trình phòng dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế và khôi phục niềm tin của xã hội.
Tuy nhiên, ngoài Argentina và Colombia, không có kế hoạch đánh thuế tài sản mới nào được khởi xướng trên toàn cầu kể từ khi đại dịch bùng phát.
Lỗ hổng của luật
Ở Mỹ, bất bình đẳng về thu nhập và tài sản đã tăng theo thời gian nhưng luật thuế hiện tại lại tạo điều kiện giúp các tỉ phú có thể trốn thuế.
Theo phân tích dữ liệu của Forbes và Viện Nghiên cứu chính sách, Mỹ hiện có 745 tỉ phú, tăng từ mức 614 được thống kê vào tháng 3-2020, thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát ở Mỹ.
Nhóm tỉ phú trên đã thêm 2.100 tỉ USD vào khối tài sản của họ trong hơn một năm qua, nâng tổng số tài sản lên 5.000 tỉ USD. Tuy nhiên, thách thức cơ bản với đề xuất đánh thuế tỉ phú là Mỹ không có hệ thống hoặc quy định nào yêu cầu công dân phải báo cáo tổng tài sản với chính phủ.
Một đề xuất về việc đánh thuế tài sản các tỉ phú Mỹ đã "chết yểu" sau khi được đưa ra quốc hội hồi năm ngoái. Thượng nghị sĩ Ron Wyden, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, hồi tháng 10-2021 công bố đề xuất thuế tỉ phú, nhằm áp thuế với khoảng 700 người giàu nhất nước Mỹ.
Ý tưởng trên lập tức vấp phải chỉ trích của người giàu nhất thế giới Elon Musk, vốn có thể khiến ông mất 10 tỉ USD mỗi năm nếu được thông qua.
Thất bại của ông Wyden, cũng như những nỗ lực đánh thuế người giàu khác, một lần nữa cho thấy những thách thức tồn tại dai dẳng trong việc bắt những người giàu có nhất nước Mỹ đóng góp công bằng vào ngân sách liên bang.
Có năm không phải đóng thuế
ProPublica, trang điều tra phi lợi nhuận, đã dùng từ "thuế suất thực" để mô tả tỉ lệ của khoản thuế thu nhập mà 25 người giàu nhất nước Mỹ đã đóng so với khối tài sản khổng lồ của họ.
Theo đó, từ năm 2014 đến 2018, thuế suất thực mà những người này phải đóng trung bình chỉ có 3,4%. Trong khi đó, mức thuế thu nhập mà các gia đình Mỹ phải đóng hằng năm trung bình là 14%, cao nhất là 37% (mức thuế tăng theo thu nhập).
Theo luật Mỹ, khi khối tài sản của các tỉ phú gia tăng hàng tỉ USD mỗi năm thì những thứ góp phần giúp họ giàu càng thêm giàu như giá trị gia tăng của cổ phiếu và bất động sản vẫn không được xem là thu nhập chịu thuế, trừ khi họ bán chúng.
Đáng chú ý, không ai trong số 25 người giàu nhất nước Mỹ tránh nộp nhiều tiền thuế như tỉ phú Warren Buffett. Theo Forbes, tài sản của ông đã tăng 24,3 tỉ USD từ năm 2014 đến 2018. Trong những năm đó, tỉ phú này nộp 23,7 triệu USD tiền thuế thu nhập, tức thuế suất thực chỉ 0,1%.
Theo điều tra được công bố hồi tháng 6 năm ngoái của ProPublica, thậm chí có một số tỉ phú từng không đóng một đồng thuế nào, như nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos vào năm 2007 và 2011, tỉ phú Elon Musk vào năm 2018.
NLĐ