MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EU áp giá trần với dầu Nga: Vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu, thách thức trật tự kinh tế thế giới?

05-12-2022 - 14:04 PM | Tài chính quốc tế

EU áp giá trần với dầu Nga: Vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu, thách thức trật tự kinh tế thế giới?

Chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/12 nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Mức giá này có thể điều chỉnh để bảo đảm luôn thấp hơn giá thị trường 5%.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, các nước phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga, trong đó hạn chế xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga, đồng thời làm giảm nguồn thu ngân sách của Nga, từ đó làm suy yếu khả năng triển khai hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine.

EU nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng với dầu Nga

Theo đề xuất của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vào đầu năm nay, các biện pháp áp giá trần dầu Nga và lệnh cấm vận chuyển dầu thô của Nga bằng đường biển sẽ có hiệu lực trong tương lai gần.

Ngày 22/11 giờ địa phương, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã ký kế hoạch thực hiện và ban hành hướng dẫn, làm rõ phạm vi của lệnh cấm bao gồm thương mại, tài chính, vận tải, bảo hiểm và các dịch vụ trung gian liên quan. Lệnh cấm có hiệu lực lúc lúc 0:01 ngày 5/12 theo giờ miền đông nước Mỹ.

Theo hãng tin Reuters, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/12 đã nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Mức giá này có thể điều chỉnh để bảo đảm luôn thấp hơn giá thị trường 5%. Mục đích của lệnh cấm là buộc Nga phải bán dầu với giá thấp hoặc mất một lượng lớn khách hàng.

EU áp giá trần với dầu Nga: Vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu, thách thức trật tự kinh tế thế giới? - Ảnh 1.

EU đang chịu áp lực phải hành động ngày càng tăng từ G7 và Mỹ. Ảnh: AFP

Thị trường dầu mỏ quốc tế sẽ có nhiều biến động

Đại học Tài chính Nam Kinh (Trung Quốc) nhận định, chiến lược đáp trả của Nga sẽ có tác động quan trọng đến thị trường dầu mỏ quốc tế. Đối mặt với lệnh cấm sắp xảy ra, phía Nga đã công khai tuyên bố sẽ không xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên sang "các quốc gia không thân thiện"; và những người mua trên thị trường quốc tế bắt đầu “găm hàng” với số lượng lớn, dẫn đến tình hình hỗn loạn trên thị trường vận chuyển dầu thô quốc tế.

Theo Đại học Tài chính Nam Kinh, giá cước của tàu chở dầu quốc tế gần đây đã tăng mạnh. Với tư cách là lực lượng vận chuyển dầu thô chính, giá cước của tàu chở dầu có trọng tải từ 80.000 đến 120.000 tấn gần như "mất kiểm soát".

Theo dữ liệu từ Clarksons Securities, doanh thu hàng ngày của loại tàu này đã tăng 32%, lên mức 88.400 USD/ngày, đặc biệt là ở khu vực Địa Trung Hải và Biển Đen.

Đại học Tài chính Nam Kinh nhận định, mặc dù Na Uy đã tăng cường xuất khẩu dầu sang châu Âu, nhưng việc bổ sung lượng dầu Nga thiếu hụt có những trở ngại khách quan. Việc thu mua dầu từ Nigeria, Trung Đông và những nơi khác cũng sẽ tác động lớn hơn đến thị trường dầu thô quốc tế, đẩy giá dầu lên cao, khiến cho các nước nhập khẩu dầu mỏ, trong đó có các nước phương Tây, sẽ phải trả giá đắt.

Và nếu Nga chịu khuất phục trước sức ép và tiếp tục bán dầu với giá thấp hơn giá trần, thị trường dầu thô quốc tế sẽ thực sự đối mặt với tình trạng “bán phá giá” của các nước xuất khẩu dầu quan trọng. Giá dầu quốc tế sẽ chịu áp lực. Các nước xuất khẩu dầu mỏ, trong đó có Ả Rập Xê Út, sẽ chịu thiệt hại.

EU áp giá trần với dầu Nga: Vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu, thách thức trật tự kinh tế thế giới? - Ảnh 2.

Một con tàu rời giàn khoan dầu Orlan ngoài khơi đảo Sakhalin của Nga. Ảnh: Reuters

Các quyết sách của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) cũng rất quan trọng. OPEC+ sẽ nhóm họp vào đầu tháng 1/2023 để thảo luận về các chính sách liên quan nhằm tìm cách duy trì sự cân bằng của thị trường dầu thô và tính hợp lý, ổn định của giá cả. Do Nga là thành viên quan trọng của OPEC+ nên sự lựa chọn của OPEC cũng phức tạp hơn.

Kể từ tháng 2 năm nay, Nhật Bản và Hàn Quốc đã cân nhắc giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga; trong đó, Nhật Bản - một trong các nước G7 - có kế hoạch từ bỏ hoàn toàn dầu thô của Nga.

Tuy nhiên, tầm quan trọng của thị trường châu Á đối với Nga ngày càng tăng, cụ thể là Ấn Độ đã tăng mạnh nhập khẩu dầu thô giá rẻ của Nga trong năm 2022, với lượng nhập khẩu tăng gấp 20 lần, có thời điểm Ấn Độ đã trở thành thị trường dầu mỏ lớn thứ hai của Nga. Các quan chức Ấn Độ cũng tuyên bố sẽ tiếp tục mua dầu thô của Nga, và tăng cường xuất khẩu dầu thành phẩm sang phương Tây.

Ngoài Ấn Độ, Trung Quốc vẫn là khách hàng mua dầu vận chuyển bằng đường biển lớn nhất của Nga, nhập khẩu khoảng 1 triệu thùng/ngày. Đại học Tài chính Nam Kinh nhận định, lệnh cấm cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến thị trường năng lượng Trung Quốc.

Lệnh cấm của phương Tây không có lợi cho toàn cầu hóa

Theo Đại học Tài chính Nam Kinh, ảnh hưởng của lệnh cấm dầu Nga cũng cần được quan sát thêm. Sau xung đột Nga-Ukraine, sản lượng dầu mỏ của Nga đã giảm 9% trong tháng 4 năm nay.

Tác động đối với ngành dầu khí của Nga sẽ càng lớn sau khi lệnh cấm có hiệu lực, nhất là khi lệnh cấm sẽ được mở rộng sang các sản phẩm liên quan đến dầu mỏ từ tháng 2 năm sau. Điều này sẽ gây thiệt hại nhất định cho nền kinh tế của Nga, nhưng nó sẽ không giải quyết được xung đột tại Ukraine.

EU áp giá trần với dầu Nga: Vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu, thách thức trật tự kinh tế thế giới? - Ảnh 3.

Bên trong nhà máy Gazprom ở Omsk, Nga. Ảnh: Reuters

Theo Đại học Tài chính Nam Kinh, các biện pháp trừng phạt của châu Âu và Mỹ đối với Nga dường như dựa trên nền tảng đạo đức, nhưng về bản chất, chúng vẫn xuất phát từ việc bảo vệ các lợi ích cơ bản của họ.

Sau khi trải qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cũng như cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sau đó, đà tăng trưởng kinh tế của các nước phương Tây không đủ, xung đột trong nước gia tăng và khả năng cạnh tranh quốc tế giảm sút. Xung đột trong nước gia tăng dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và các lực lượng cánh hữu, trong khi khả năng cạnh tranh quốc tế giảm sút thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Trong giai đoạn này, một số nền kinh tế mới nổi đã đạt được những thành tựu chưa từng có, họ đang nhanh chóng vươn lên về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiến bộ công nghệ và sức mạnh toàn diện của quốc gia, vì vậy họ đã trở thành mục tiêu của các nước phương Tây.

Trong hoàn cảnh như vậy, chống toàn cầu hóa đã trở thành một công cụ tự nhiên được các chính trị gia phương Tây lựa chọn. Từ năm 2016 khi Vương quốc Anh bất ngờ thông qua trưng cầu dân ý về Brexit, đến chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cùng năm, tiếp theo là chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, rồi đến sự bùng phát của đại dịch COVID-19 vào năm 2020 đã hạn chế liên lạc giữa các quốc gia.

Và vào năm 2022 với sự bùng nổ của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm cho tình hình kinh tế và chính trị quốc tế ngày càng xấu đi, rủi ro địa chính trị gia tăng mạnh, tạo ra bất ổn lớn hơn cho nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn phục hồi khó khăn.

Đại học Tài chính Nam Kinh kết luận, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động vận chuyển dầu thô bằng đường biển của Nga sẽ càng thúc đẩy quá trình chống toàn cầu hóa, không chỉ đặt ra thách thức to lớn đối với an ninh năng lượng toàn cầu mà còn thách thức cả hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế được xây dựng trong vài thập kỷ qua.

Hữu Hiển

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên