EU chưa thể "đánh" vào 1 mặt hàng của Nga , TT Croatia nói cấm vận chỉ khiến TT Putin cười
Lệnh cấm của EU có thể làm trầm trọng thêm những lo ngại về một thị trường năng lượng vốn đã eo hẹp.
- 01-06-2022Cấm vận dầu Nga: EU được cảnh báo về cơn ác mộng tồi tệ nhất; 1 nước EU kêu gọi "tạm nghỉ"
- 31-05-2022Bị EU thống nhất cấm vận phần lớn dầu mỏ, Nga "mất 10 tỉ USD/năm"
- 30-05-2022Sự đoàn kết của EU về trừng phạt Nga đang "sụp đổ"?
Giá dầu tăng vọt sau lệnh cấm vận
Theo CNBC News (Mỹ), giá dầu đã tăng vọt hôm thứ Ba (31/5) sau khi các nhà lãnh đạo EU đạt được thỏa thuận trừng phạt đối với một phần dầu Nga nhập khẩu. Tuy nhiên, giá đã đảo chiều vào khoảng 14h chiều cùng ngày (theo giờ New York) sau một báo cáo từ The Wall Street Journal, tiết lộ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang xem xét việc loại Nga khỏi thỏa thuận sản lượng của nhóm.
"Điều này chắc chắn có thể tạo điều kiện chấm dứt sớm thỏa thuận sản xuất hiện nay và thúc đẩy Ả Rập Saudi/UAE tăng sản lượng", Giám đốc điều hành và trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Helima Croft cho biết.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/5, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 40 xu (tương đương 0.35%) xuống 114.67 USD/thùng. Vào đầu phiên, giá dầu này dao động ở mức cao 119.43 USD/thùng, cao nhất kể từ đầu tháng 3/2022.
Chốt phiên giao dịch cùng ngày, dầu thô Brent cao hơn 1%, lên mức 112,84 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng vào đầu phiên giao dịch ngày 31/5 sau khi EU nhất trí lệnh cấm vận dầu Nga, sau nhiều tuần bế tắc do Hungary trì hoãn đàm phán.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, động thái này sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến 75% lượng dầu nhập khẩu từ Nga.
EU đã áp đặt lệnh cấm vận một phần với dầu Nga. Ảnh: AP
Hội đồng Châu Âu cho biết thêm, trong trường hợp nguồn cung "bị gián đoạn đột ngột", "các biện pháp khẩn cấp" sẽ được đưa ra để đảm bảo an ninh cho nguồn cung.
Khi nào EU mới có thể cấm vận hoàn toàn dầu Nga?
Với gói trừng phạt thứ 6, EU sẽ chỉ cấm vận ngay lập tức đối với dầu Nga được vận chuyển bằng đường biển, chiếm khoảng 2/3 lượng dầu nhập khẩu của Nga vào EU. Trong khi đó, dầu Nga vận chuyển qua đường ống Druzhba sẽ được miễn lệnh cấm, một nhượng bộ quan trọng đối với Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu của Nga.
EU tin tưởng rằng hầu hết các dòng chảy dầu của Nga sẽ ngừng vào cuối năm nay, vì Đức và Ba Lan, các quốc gia nằm ở phía bắc của đường ống Druzhba, đã cam kết từ bỏ nguồn cung dầu Nga. Các quốc gia nằm ở phía nam của tuyến đường ống từ thời Liên Xô là Hungary, Slovakia và Séc sẽ được hưởng lợi từ việc miễn trừ tạm thời.
Liệu EU có nhiều quân bài trừng phạt Nga?
Trước khi EU thống nhất về lệnh cấm vận dầu Nga, một số quốc gia đã xem xét thêm các biện pháp trừng phạt đối với mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga: khí đốt. Trước xung đột, Nga đã cung cấp 40% lượng khí đốt cho EU nhưng các nhà lãnh đạo EU đã cam kết sẽ loại bỏ dần sự phụ thuộc này. Thậm chí, nhiều thành viên EU như Ba Lan và các nước Baltic có quan điểm cứng rắn với Nga, cho rằng EU cần đưa ra một thời gian cụ thể về việc chấm dứt phụ thuộc khí đốt của Nga. Tuy nhiên, theo Guardian, nước cờ này còn lâu mới được đảm bảo và thậm chí còn khó hơn các cuộc đàm phán về lệnh cấm vận dầu mỏ.
Về câu hỏi, khi nào EU có thể cấm vận hoàn toàn dầu Nga, tờ Guardian (Anh) dẫn lời bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, người đang thúc đẩy chính sách trừng phạt, cho biết, các thành viên EU cam kết sẽ thảo luận về cách lấp lỗ hổng “càng sớm càng tốt”. Hungary đang tìm kiếm hỗ trợ tài chính của EU để tu sửa lại các nhà máy lọc dầu vốn chỉ phù hợp với dầu thô của Nga. Croatia cũng cần thời gian để tăng cường cung cấp cho nước láng giềng phía bắc thông qua đường ống Adria. Các nhà lãnh đạo EU đã tránh đưa ra chi tiết về ngày kết thúc miễn trừ cho khu vực trung tâm châu Âu .
Tuy nhiên, theo đánh giá, lệnh cấm của EU có thể làm trầm trọng thêm những lo ngại về một thị trường năng lượng vốn đã eo hẹp. Giá năng lượng đã tăng vọt trong năm qua, góp phần vào môi trường lạm phát nóng ở nhiều quốc gia.
Các nhà sản xuất ô tô và doanh nghiệp sẽ thấy giá máy bơm cao hơn, do lệnh cấm vận đẩy cao giá dầu. Các chính phủ sẽ còn khó khăn hơn trong việc quản lý chi phí sinh hoạt vốn đã tăng vọt.
Ngoài ra, trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh France Inter (Pháp), lãnh đạo đảng National Rally, Jordan Bardellat, cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới của EU sẽ ảnh hưởng nặng nề đến chính EU hơn đến Nga, quốc gia sẽ tiếp tục bán năng lượng ở các thị trường khác, bởi lệnh cấm vận của EU sẽ không ngăn cản Moscow bán dầu cho nhiều khách hàng như Ấn Độ hoặc Ai Cập.
Thủ tướng Áo: EU không thảo luận về lệnh cấm vận khí đốt Nga
Thủ tướng Áo Karl Nehammer. Ảnh: EPA
Thủ tướng Áo Karl Nehammer ngày 31/5 cho biết, lệnh cấm vận áp đặt đối với nguồn cung cấp khí đốt của Nga sẽ không nằm trong gói trừng phạt tiếp theo của EU đối với Moscow.
"Lệnh cấm vận khí đốt sẽ không phải là một chủ đề, [Thủ tướng Đức] Olaf Scholz cũng đã nói rõ điều này", hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời ông Nehammer.
Quan chức Áo nhấn mạnh rằng, nguồn cung dầu Nga dễ dàng thay thế hơn nhiều so với nguồn cung khí đốt.
Trước đó, các nhà chức trách Áo cho biết nước này phụ thuộc 80% vào khí đốt của Nga, do đó họ sẽ không ủng hộ lệnh cấm vận khí đốt. Tuy nhiên, phía Áo ủng hộ lệnh cấm vận dầu của EU do nước này ít phụ thuộc hơn vào dầu thô của Nga.
TT Croatia: Các biện pháp trừng phạt mới của EU chỉ khiến Putin mỉm cười
TASS (Nga) đưa tin, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của EU đối với Nga sẽ chỉ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin mỉm cười.
"Có thể đưa ra lệnh cấm vận khí đốt đối với Nga. Tại sao lại không?", nhà lãnh đạo Croatia đặt câu hỏi trong cuộc trò chuyện với báo chí vào ngày 31/5. "Thật đáng tiếc, các lệnh trừng phạt không có tác dụng, có thể, ở một số thời điểm thì có. Tuy nhiên, đồng rúp không giảm, Nga không cảm thấy tác động nào từ khía cạnh tài chính, và khi điều đó xảy ra thì xung đột đã kết thúc. Chính các công dân châu Âu sẽ phải trả giá trong khi ông Vladimir Putin sẽ mỉm cười mãn nguyện".
Tổng thống Milanovic khẳng định rằng sẽ có những khách hàng khác tìm đến dầu và khí đốt của Nga bởi nhu cầu đối với các sản phẩm năng lượng vẫn đang là rất cao.
Tổng thống Croatia đánh giá nước ông có khả năng trở thành trung tâm năng lượng cho Trung Âu trong tương lai gần.
"Tôi muốn Croatia trở thành một nhân tố chủ chốt. Tuy nhiên, Croatia chưa phải là nhân tố chủ chốt", ông nhấn mạnh.
Theo nguyên thủ Croatia, Hungary là nhân tố chủ chốt trong lĩnh vực này cùng với Slovakia và Cộng hòa Séc.
Trí thức trẻ