MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EU "gồng mình", phớt lờ cảnh báo của Mỹ - Trung Quốc sắp thắng lớn với thỏa thuận lịch sử?

30-12-2020 - 08:23 AM | Tài chính quốc tế

EU "gồng mình", phớt lờ cảnh báo của Mỹ - Trung Quốc sắp thắng lớn với thỏa thuận lịch sử?

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) có thể đạt được một thỏa thuận đầu tư mang tính bước ngoặt trong tuần này.

Theo SCMP, 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí thông qua thỏa thuận, bất chấp những do dự trước đó.

Thỏa thuận tiến triển tích cực, chưa rõ Trung Quốc thực hiện cam kết thế nào

Thỏa thuận sẽ mang lại cho Bắc Kinh không gian ngoại giao rất cần thiết khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chuẩn bị xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác châu Âu nhằm đối đầu với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc. Các chuyên gia thương mại đánh giá. thỏa thuận sẽ mang lại môi trường đầu tư đặc quyền hơn ở Trung Quốc cho các doanh nghiệp châu Âu.

Một nhà ngoại giao EU cho biết, đại diện của các nước thành viên EU đã được các nhà đàm phán EU giới thiệu tóm tắt đã báo cáo về những tiến triển tích cực gần đây trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, bao gồm cả về tiêu chuẩn lao động.

Các đại diện "hoan nghênh tiến triển mới nhất trong các cuộc đàm phán giữa EU và Trung Quốc," nhà ngoại giao nói.

Hiện chưa rõ Bắc Kinh đã thực hiện những cam kết về vấn đề tiêu chuẩn lao động ở Tân Cương như thế nào.

Trước đó Nghị viện châu Âu đã cân nhắc về thỏa thuận EU-Trung Quốc, nói rằng số phận của thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào những vấn đề xoay quanh hoạt động lao động ở Tân Cương.

Bắc Kinh thắng đậm nếu thỏa thuận diễn ra

Nguồn tin của SCMP cho biết thêm: "Chủ tịch hội đồng [Đức] kết luận vào cuối cuộc họp rằng không có thành viên nào đưa ra ý kiến phản đối và con đường cho một sự tán thành dường như đã thông suốt."

Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu, cơ quan tiến hành các cuộc đàm phán với Trung Quốc thay mặt cho EU cho biết: "Chúng tôi không thể xác nhận bất cứ điều gì ở giai đoạn này."

Nguồn tin ngoại giao thứ hai cho biết, thỏa thuận - đã được đàm phán trong 7 năm và đạt được tiến bộ trong 2 tuần qua - có thể được kí kết chỉ trong vòng 2 ngày.

SCMP trích dẫn nhận xét từ các nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ nhiều hơn đối với EU vì các thị trường châu Âu đã mở cửa cho hầu hết các nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đặc biệt, các doanh nghiệp châu Âu dự kiến sẽ có những tiếp cận chưa từng có đối với lĩnh vực viễn thông, tài chính, điện và ô tô hybrid.

Giới quan sát cho rằng, lợi ích lớn nhất đối với Trung Quốc sẽ là về địa chính trị.

"Sau 4 năm Tổng thống Donald Trump lãnh đạo, EU đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng rằng họ sẽ đi theo con đường riêng của mình đối với Trung Quốc," chuyên gia EU-Trung Quốc của Rhodium Group, ông Naoh Barkin cho biết.

"Điều này không dẫn tới việc chấm dứt hợp tác xuyên Đại Tây Dương của EU với chính quyền ông Biden, nhưng nó cho thấy hợp tác này sẽ khó khăn thế nào. Người chiến thắng lớn nếu thỏa thuận lịch sử này xảy ra là Bắc Kinh."

EU nỗ lực phút cuối phớt lờ cảnh báo từ Mỹ: Washington ngạc nhiên

Giám đốc chương trình châu Âu của Carnegie Endowment for International Peace ông Erik Brattberg cho biết những "nỗ lực vào phút cuối" của EU để hoàn thành thỏa thuận với Trung Quốc đã khiến Washington phải ngạc nhiên.

"Thỏa thuận [với Trung Quốc] có nguy cơ làm suy yếu sự đáng tin của lời kêu gọi từ EU về một chiến lược chung xuyên Đại Tây Dương với Mỹ ngay trước khi chính quyền mới của ông Joe Biden ổn định."

Sự ủng hộ cao từ các nước thành viên EU được đưa ra bất chấp việc Pháp và Ba Lan trước đó đã tỏ thái độ dè dặt về thỏa thuận. Đại diện bộ trưởng phụ trách thương mại của Bộ Ngoại giao Pháp Franck Riester tuần trước cho biết, nếu EU không cam kết thay đổi được điều kiện cho người lao động ở một số khu vực ở Trung Quốc thì Pháp không thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vào nước này.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau cũng cảnh báo rằng châu Âu sẽ cần nhiều tham vấn và minh bạch hơn để thuyết phục các đồng minh xuyên Đại Tây Dương.

SCMP cho biết, bằng cách tiếp tục với thỏa thuận, Brussels cũng "nhắm mắt làm ngơ" trước lời cảnh báo từ Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ được ông Biden chỉ định Jake Sullivan. Ông này cho biết, chính quyền ông Biden "hoan nghênh các cuộc tham vấn sớm với các đối tác châu Âu" về những lo ngại xoay quanh các hoạt động kinh tế của Trung Quốc.

Theo Thúy

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên