MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Euro lao dốc do bất ổn ở Ý, USD vọt lên mức cao mới của 20 năm, vàng "bốc hơi" tiếp gần 2%

15-07-2022 - 08:35 AM | Tài chính - ngân hàng

Euro lao dốc do bất ổn ở Ý, USD vọt lên mức cao mới của 20 năm, vàng "bốc hơi" tiếp gần 2%

Đồng euro quay đầu giảm xuống thấp hơn USD do lo ngại cuộc khủng hoảng năng lượng và bất ổn ở Ý làm giảm nhu cầu đối với đồng tiền chung, trong khi USD mạnh lên bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tích cực tăng lãi suất.

Chính phủ liên minh của Thủ tướng Ý Mario Draghi đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi Phong trào 5-Sao, một trong các thành viên của liên minh, tuyên bố sẽ không tham gia vào cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội, bao gồm các biện pháp bù đắp chi phí sinh hoạt trong giai đoạn khủng hoảng.

Ủy ban châu Âu hôm 14/7 cũng cắt giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế trong khu vực đồng euro năm nay và năm tới, đồng thời điều chỉnh tăng dự báo về lạm phát, chủ yếu do tác động của cuộc chiến ở Ukraine.

Đồng euro lúc kết thúc ngày 14/7 giảm xuống mức 0,99520 USD, thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2002. Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền chủ chốt - tăng lên 109,29, cao nhất kể từ tháng 9 năm 2002.

Shaun Osborne, chiến lược gia tiền tệ của Scotiabank cho biết: "Rõ ràng nhu cầu đối với đồng USD đang gia tăng trên diện rộng, không chỉ là do những bất ổn địa chính trị đang diễn ra, mà còn bởi áp lực từ phía Châu Âu trong vấn đề cung ứng năng lượng, và kỳ vọng lãi suất của Mỹ tăng".

Các nhà giao dịch đã đặt cược rằng Fed sẽ mạnh tay hơn nữa trong việc tăng lãi suất sau khi dữ liệu vào thứ Tư cho thấy giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng 9,1% trong tháng Sáu so theo năm, mức tăng lớn nhất trong hơn bốn thập kỷ.

Thị trường hiện thấy có tới 71% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản tại cuộc họp diễn ra vào các ngày 26-27 tháng 7, và 29% cơ hội tăng 75 điểm cơ bản.

Dữ liệu mới đây cho thấy giá sản xuất của Mỹ trong tháng 6 đã tăng nhiều hơn dự kiến trong bối cảnh chi phí sản xuất năng lượng tăng, nhưng lạm phát giá sản xuất cơ bản dường như đã đạt đến đỉnh điểm.

Đồng USD cũng tăng lên mức cao nhất trong 24 năm so với đồng yên Nhật khi ngân hàng trung ương Nhật Bản duy trì lập trường ôn hòa, trái ngược với các động thái diều hâu của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Theo đó, USD tăng 1,11% lên 139,23 JPY.

Đồng đô la Canada trượt giá sau khi Ngân hàng Trung ương Canada tăng lãi suất tham chiếu mạnh mẽ, thêm 1 điểm phần, khiến thị trường bất ngờ bởi việc đột ngột tăng mạnh nhất kể từ năm 1998.

Ông Osborne cho biết các diễn biến trên thị trường tiền tệ lúc này hoàn toàn do việc lãi suất tăng mạnh, làm gia tăng lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

"Các nhà đầu tư lo ngại về khả năng Ngân hàng Canada đang tăng lãi suất quá nhanh, thậm chí có người lo sợ rằng đó sẽ là một sai lầm vì mức tăng lên tới 100 điểm cơ bản", ông Osborne nói.

Đồng bạc xanh trong phiên vừa qua tăng 1,46% so với đô la Canada, lên 1,3169 CAD.

Đồng đô la Australia cũng giảm trong phiên này, xuống mức thấp nhất trong hai năm do lo ngại về tăng trưởng toàn cầu. Theo đó, AUD giảm xuống 0,66825 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020.

Đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020, xuống dưới 1,18 USD, khi nỗi lo về rủi ro gia tăng khiến các nhà đầu tư đổ xô mua USD và bán phá giá các loại tiền tệ bị coi là rủi ro, trong bối cảnh triển vọng mọi thứ lúc này đều không chắc chắn.

Đồng bảng Anh phiên vừa qua có lúc giảm 1,1% xuống 1,1761 USD, mức thấp mới trong 27 tháng sau khi chạm mức thấp kỷ lục trong phiên liền trước, sau đó GBP hồi phục lên 1,1795 USD. So với đồng euro, đồng tiền mà bảng Anh đã tăng giá tốt hơn nhiều trong những tuần gần đây, đồng tiền của Anh đã giảm 0,2% xuống 84,77 pence.

Euro lao dốc thảm do bất ổn chính trị ở Ý, USD vọt lên cao nhất 20 năm - Ảnh 1.

Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.

Nhân dân tệ Trung Quốc tiếp tục giảm giá trong phiên vừa qua, phản ánh sức mạnh rộng rãi của đồng USD.

Trước khi mở cửa phiên 14/7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ấn định tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ trung bình là 6,7265 CNY/USD, tăng 17 pips so với phiên liền trước.

Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa CNY cuối chiều giảm 43 pip xuống 6,7242 CNY.

"PBOC (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc) có vẻ hài lòng với chính sách hiện tại và chúng tôi hy vọng ngân hàng trung ương sẽ bám sát mục tiêu nới lỏng để hỗ trợ các hoạt động kinh tế thực tế và thúc đẩy các lĩnh vực yếu kém", Ken Cheung, chiến lược gia ngoại hối châu Á của Mizuho Bank, cho biết.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng khá mạnh vào cuối ngày 14/7, lên 20.662 USD, sau khi lình xình quanh ngưỡng 19/750 USD trong gần suốt phiên.

Euro lao dốc thảm do bất ổn chính trị ở Ý, USD vọt lên cao nhất 20 năm - Ảnh 2.

Giá Bitcoin ngày 14/7.

Giá vàng quay đầu giảm mạnh, mất hơn 2%, xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm do USD tiếp tục tăng mạnh.

Vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 14/7 theo giờ Việt Nam giảm 1,7% xuống 1.705,52 USD/ounce, trước đó có lúc giảm hơn 2%; vàng kỳ hạn tháng 8/2022 giảm 1,9% xuống 1.703,30 USD.

"Vàng sẽ khó có khả năng tăng giá trừ khi lạm phát giảm xuống đủ để ngăn việc tăng lãi suất hoặc nếu các ngân hàng trung ương khác bắt đầu tăng lãi suất mạnh tay như Fed, và điều đó có thể làm suy yếu đồng đô la," Philip Streible, chiến lược gia trưởng phụ trách mảng thị trường của Blue Line Futures ở Chicago cho biết.

Euro lao dốc thảm do bất ổn chính trị ở Ý, USD vọt lên cao nhất 20 năm - Ảnh 3.

Giá vàng giảm do USD tăng mạnh.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

https://cafef.vn/euro-lao-doc-tham-do-bat-on-o-y-usd-vot-len-muc-cao-moi-cua-20-nam-vang-boc-hoi-tiep-gan-2-2022071501380779.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên