MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EuroCham: “Khách châu Âu rất thích Việt Nam nhưng chính sách visa cần cởi mở hơn”

09-03-2023 - 16:40 PM | Bất động sản

EuroCham: “Khách châu Âu rất thích Việt Nam nhưng chính sách visa cần cởi mở hơn”

Mặc dù thuộc nhóm mở cửa du lịch sớm nhất sau đại dịch Covid-19 nhưng nhiều chuyên gia dự báo, việc thu hút khách nước ngoài của Việt Nam vẫn sẽ gặp khó khăn vì còn nhiều rào cản. Trong đó rào cản đầu tiên là chính sách visa (thị thực) cần nhanh chóng được tháo gỡ.

Liên quan đến vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Mario Mendis – Chủ tịch Tiểu ban Du lịch, Nhà hàng – Khách sạn, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCharm).

Thưa ông, khách châu Âu hiện nay có sự quan tâm, đánh giá thế nào về du lịch Việt Nam?

Khách du lịch Châu Âu đến Việt Nam có thể chia thành hai đối tượng là khách doanh nghiệp đi công tác và khách du lịch. Hiện nay, số lượng khách du lịch doanh nghiệp từ EU sang Việt Nam đang tăng mạnh do quan hệ thương mại Việt Nam – EU ngày càng được thắt chặt.

Tuy nhiên, hiện nay các chuyến du lịch kết hợp công việc đang bị cắt giảm ngắn ngày để phù hợp với quy định miễn thị thực trong vòng 15 ngày của Việt Nam. Nếu có thể giãn thời gian miễn thị thực, khách doanh nghiệp có thể ở lại Việt Nam lâu hơn, đi thăm thú nhiều nơi hơn.

Nhìn chung hiện nay, khách du lịch châu Âu dành khá nhiều sự quan tâm đến Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược du lịch để thu hút được nhiều hơn từ luồng khách Châu Âu.

Trong Sách Trắng 2023 công bố mới đây, EuroCham có đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần điều chỉnh chính sách thị thực để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và gia tăng dòng khách du lịch quốc tế, từ đó tăng thu ngoại tệ và tạo thêm nhiều việc làm. Ông có thể phân tích kỹ hơn lý do đưa ra khuyến nghị này?

Có tới 47% trong số 1.300 doanh nghiệp được EuroCham khảo sát cho biết Việt Nam có thể nhận được đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn nếu bỏ các trở ngại liên quan đến thị thực cho các chuyên gia.

Thêm vào đó, kỳ vọng lớn nhất của các doanh nghiệp là các thủ tục hành chính được cắt giảm, tiếp đó là cơ sở vật chất hạ tầng được cải thiện.

Tôi cho rằng nếu các yêu cầu được đơn giản hóa và minh bạch hơn, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài.

Về du lịch, nếu thị thực được miễn dài ngày hơn, khách du lịch sẽ có cơ hội đi thăm thú nhiều hơn từ Bắc tới Nam. Thời gian đi du lịch nhiều hơn đồng nghĩa với du khách sẽ chi tiêu nhiều hơn. Bản chất của việc này là tạo ra nhiều việc làm hơn, tăng thu nhập cho người bản địa. Nếu không có chiến lược thay đổi sớm, sẽ thiệt thòi cho du lịch Việt.

Nhìn vào sự thành công của các thành phố như Singapore, Bangkok có thể thấy khi chính sách cởi mở hơn đối với thị thực thì thời gian lưu trú của khách sẽ dài hơn. Từ đây sẽ tạo ra nhiều chi tiêu, đem lại nguồn doanh thu lớn.

Ông có kiến nghị gì đối với chính sách visa để có thể giúp Việt Nam thu hút được nhiều hơn khách quốc tế, tăng doanh thu cho ngành du lịch?

Hiện tại, trong tất cả các quốc gia EU thì chỉ có công dân Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Na Uy, Tây Ban Nha và Thụy Điển được phép vào Việt Nam mà không cần phải xin thị thực du lịch với thời gian lưu trú 15 ngày. Công dân các nước nêu trên có nhu cầu lưu trú tại Việt Nam với mục đích du lịch trên 15 ngày phải xin thị thực. Ngoài ra, những người được miễn thị thực muốn nhập cảnh trở lại Việt Nam phải đợi ít nhất 30 ngày giữa các lần nhập cảnh mới có thể thực hiện được.

Thực tế, rất nhiều du khách châu Âu muốn ở từ 30-90 ngày, nhất là người hưu trí. Họ thích Việt Nam nhưng có quá ít chính sách visa để lựa chọn. Việt Nam đang miễn giảm thị thực 15 ngày, ngắn hơn nhiều so với nhiều nước ASEAN, thường 30 ngày trở lên.

Tất cả những điều này không hấp dẫn du khách từ châu Âu. Bởi các chuyến bay từ châu Âu trung bình cần 12 giờ và thường là qua đêm, thành ra thời gian miễn thị thực tại Việt Nam của khách châu Âu chỉ còn 13 ngày. Chúng tôi khuyến nghị tăng thời gian miễn thị thực cho du khách châu Âu lên 30 ngày, có thêm loại hình visa 3 tháng, 6 tháng cho khách từ một số quốc gia.

Ngành du lịch đang đóng góp đáng kể cho GDP Việt Nam và được nhận định có nhiều tiềm năng có thể đạt được những mục tiêu cao hơn. Tôi cho rằng Việt Nam nên nghiên cứu các chính sách du lịch của Thái Lan, nơi có gần 40 triệu lượt khách du lịch quốc tế trước Covid-19 và hiện đang nhắm mục tiêu hơn 30 triệu vào năm 2023. Hiện Thái Lan có cách tiếp cận cởi mở về thị thực đối với hơn 100 quốc gia. Điều này giúp mang lại lợi ích to lớn cho ngành du lịch Thái Lan.

Theo ông, nếu gỡ được rào cản về chính sách thị thực, Việt Nam sẽ có thể đạt được con số 8 triệu khách du lịch quốc tế ngay trong năm nay?

Hầu hết khách du lịch EU có xu hướng đặt trước hơn 12 tháng, việc dự báo lượng khách đến cần dựa trên kế hoạch hàng năm. Chúng tôi cho rằng bất kỳ chính sách mở nào về cấp thị thực nên được ban hành vào cuối quý 1 hoặc gần nhất là quý 2 năm nay để có thể mang lại lợi ích to lớn trong việc đạt được 8 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm 2023 này.

Nếu chính sách visa của Việt Nam vẫn cứng nhắc như hiện nay thì đầu tiên, tốc độ hồi phục của ngành du lịch, khách sạn sẽ bị kéo chậm lại so với các nước. Điều đó có nghĩa chúng ta mất nguồn thu, công ăn việc làm cũng như giảm đi cơ hội để du lịch Việt Nam bứt phá sau dịch COVID-19 so với những điểm đến cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Thái Lan, Bali (Indonesia) hay Singapore.

Bên cạnh chính sách visa, du lịch Việt Nam còn vấn đề gì cần được cải thiện để có thể thu hút khách quốc tế, thưa ông?

Tôi cho rằng, đào tạo nghề các kỹ năng mềm trong lĩnh vực khách sạn là rất cần thiết. Đặc biệt, nâng cao kỹ năng ngoại ngữ cho nhân viên ngành du lịch sẽ mang lại lợi ích cao trong việc tiếp cận khách quốc tế. Việc cho phép nhiều người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực du lịch đến từ các nước EU cũng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về rào cản ngôn ngữ đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Việt Nam có thể học hỏi bài học từ Thái Lan trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thông tin về du lịch Việt Nam đã được biết đến sâu rộng ở châu Âu chưa, thưa ông? EuroCham có khuyến nghị gì đối với Việt Nam trong vấn đề quảng bá, tiếp thị du lịch ra quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút khách châu Âu tới Việt Nam?

Việt Nam nên thành lập một Ủy ban điều hành du lịch để thực hiện các chuyến thăm tiếp xúc chéo tới các thành phố trọng điểm của ASEAN để thu thập kiến ​​thức và chuyên môn của họ về tiếp thị du lịch quốc gia trên quy mô toàn cầu.

Cùng với đó, nên bắt tay cùng ngành du lịch tại các nước EU để EU hỗ trợ Việt Nam tạo ra các thỏa thuận song phương giúp quảng bá chéo du lịch Việt Nam tại các quốc gia châu Âu.

Trong dài hạn, Việt Nam có thể hướng đến trở thành điểm du lịch yêu thích của giới thượng lưu thế giới hay không thưa ông? Việt Nam cần làm gì để đạt được mục tiêu đó?

Để trở thành một điểm đến sang trọng, cao cấp, tôi nghĩ Việt Nam cần định vị những điểm đến sang trọng hàng đầu thế giới. Việt Nam nên tăng cường tổ chức hội thảo, chuyến tham quan, đánh giá từ các Tổ chức du lịch uy tín để xây dựng lộ trình 10-20 điểm đến hạng sang, từ đó định vị trên bản đồ du lịch thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nam Anh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên