EuroNews: Động thái mới của Nga khiến 6 nước hành động khẩn
Tờ EuroNews đưa tin, 6 quốc gia họp khẩn ra quyết định mang tính bước ngoặt khi Moscow vừa có động thái đáp trả đầu tiên đối với việc phương Tây cho phép Ukraine bắn vũ khí tầm xa vào lãnh thổ Nga.
- 22-11-2024Quốc khuyển Triều Tiên: Món quà quý tặng cho Tổng thống Nga Putin; sinh ra ở dãy núi thiêng cao 2.750m
- 22-11-2024“Vũ khí năng lượng” mới của Nga khiến Mỹ lo ngại: Mối quan hệ Trump - Putin cũng không thể giúp ích
- 21-11-2024Mỹ cố gắng thu xếp nguồn cung uranium của Nga thông qua trung gian
- 21-11-2024Tổng thống Nga tặng gấu, sư tử cho vườn thú Triều Tiên
6 nước hành động khẩn sau động thái của ông Putin
Tờ EuroNews đưa tin, chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine bắn tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/11 đã ký phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi, đánh dấu động thái đáp trả đầu tiên của Moscow.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine phóng 6 tên lửa ATACMS vào một cơ sở quân sự ở tỉnh Bryansk (Nga), giáp biên giới Ukraine.
Theo học thuyết cập nhật mới được ban hành, Moscow "sẽ coi hành động xâm lược từ bất cứ quốc gia phi hạt nhân nào – nhưng có sự hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân – là cuộc tấn công chung nhằm vào Nga".
Điện Kremlin cho biết, học thuyết quân sự được sửa đổi sẽ hạ thấp ngưỡng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trước, trong đó "Liên bang Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp phía gây hấn sử dụng vũ khí phi hạt nhân chống lại Nga hoặc Belarus".
Theo EuroNews, ngay sau khi ông Putin ra quyết định trên, 6 quốc gia châu Âu, gồm Đức, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Ba Lan đã tổ chức một cuộc họp, trong đó nhất trí ủng hộ đề xuất về trái phiếu quốc phòng chung châu Âu nhằm mục đích củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của khối.
Đại diện ngoại giao Đức, Ý, Pháp, Ba Lan đã có cuộc họp trực tuyến với các nhà ngoại giao hàng đầu Tây Ban Nha và Anh, sau đó cả 6 quốc gia tham dự đưa ra tuyên bố chung. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với những người đồng cấp đến từ Đức, Ý và Pháp, Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski gọi diễn tiến này là "một vấn đề lớn" với châu Âu.
Song, ông Sikorski lưu ý thêm rằng, động thái của ông Putin sẽ thúc đẩy châu Âu "kiên quyết chống lại tham vọng của Nga".
"Chúng tôi nhất trí rằng châu Âu phải chịu trách nhiệm lớn hơn với an ninh của mình, điều đó bao gồm việc chia sẻ gánh nặng một cách cân bằng hơn giữa các thành viên NATO" – Ông Sikorski nói.
"Nước Nga vẫn sẽ là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất, không chỉ đối với châu Âu mà còn đối với trật tự toàn cầu. Mục tiêu của họ là phá hủy vĩnh viễn cấu trúc an ninh châu Âu" – Ngoại trưởng Ba Lan nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp, Ngoại trưởng 6 nước đã thảo luận khả năng châu Âu tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, và việc duy trì quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump – người nhiều lần tuyên bố muốn châu Âu nỗ lực hơn nữa để bảo vệ chính mình trước cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Giả thuyết Mỹ điều 8 vạn quân tới Ukraine
Bình luận về khả năng phòng thủ của các nước NATO trước mối đe dọa từ Nga khi trả lời tờ Ukraina.ru ngày 21/11, cựu sĩ quan quân đội Mỹ, chuyên gia quân sự Stanislav Krapivnik cho biết, NATO có thể triển khai tối đa 500.000 quân chống Nga trong trường hợp cần thiết.
Trước đó, tạp chí Newsweek (Mỹ) dẫn lời phát ngôn viên NATO Farah Dakhlallah tiết lộ, liên minh đang duy trì 500.000 quân ở trạng thái sẵn sàng cao để phòng thủ trước nguy cơ xung đột với Nga đang rình rập.
"Kể từ năm 2014, NATO đã trải qua sự chuyển đổi quan trọng nhất trong hệ thống phòng thủ tập thể" – ông Dakhlallah nói. "Chúng tôi đã đưa ra các kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, với hơn 500.000 quân đang ở trạng thái sẵn sàng cao".
Cũng theo ông Dakhlallah, NATO đang tìm cách tăng cường các biện pháp phòng bị của mình trước mối đe dọa từ Nga khi Tổng thống Putin tuyên bố, việc phương Tây cho phép Kiev sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga sẽ bị coi là sự tham gia trực tiếp của NATO vào xung đột ở Ukraine.
Chuyên gia Krapivnik nêu giả thuyết, "ngay lúc này, Mỹ có thể tập hợp và điều động 60.000 – 80.000 quân tới Ukraine". Trong khi đó, NATO có thể huy động thêm 20.000 – 30.000 quân Pháp, cùng lực lượng dự bị ở các nước châu Âu khác.
"Tuy nhiên, hiệu quả về mặt nhân sự và vũ khí sẽ khác nhau tùy từng quốc gia" – ông lưu ý. Ví dụ, tổng quân số của lực lượng vũ trang Pháp là 250.000 quân, nhưng số lượng binh sĩ sẵn sàng chiến đấu chỉ khoảng 20.000 - 40.000, bởi mỗi binh sĩ trên tiền tuyến đều cần 9 người hỗ trợ phía sau (thợ máy, tài xế, đầu bếp, kế toán)".
"Đây không phải là quân đội của Napoleon, những người đã hành quân khắp châu Âu, ăn bất cứ thứ gì tìm thấy trên đường đi. Cơ cấu hiện nay cực kỳ phức tạp" – ông Krapivnik nhận định.
"Nếu có bất kỳ cuộc can thiệp nào, thì số lượng binh sĩ NATO sẽ vào khoảng 100.000 -150.000 người. Họ cũng có thể điều thêm một lữ đoàn từ 3 nước Baltic, nhưng khó có thể nói số binh sĩ này sẽ làm được những gì" – Vị chuyên gia nêu quan điểm.
Đời sống & pháp luật