EVFTA là áp lực, là động lực để doanh nghiệp phát triển
Tham gia EVFTA, mức độ cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
- 01-09-2019Ông lớn VinGroup, GE, LG…tác động như thế nào đến kinh tế Hải Phòng?
- 01-09-2019Thấy gì từ việc các "đại gia" lấn sân vào mảnh đất giáo dục?
- 01-09-2019Ngành nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Tham gia vào hiệp định, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng sẽ có cơ hội để xuất khẩu rất nhiều mặt hàng vào thị trường Châu Âu với mức giảm thuế về 0%. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước. Do đó, yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là đáp ứng được các yêu cầu về rào cản kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, quan hệ lao động.
EVFTA sẽ tạo nhiều cơ hội cho dệt may Việt Nam phát triển.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, thời gian tới, để tận dụng cơ hội từ Hiệp định này thì các doanh nghiệp phải định vị thị trường của mình trong bối cảnh hội nhập, tái cấu trúc việc quản trị và công nghệ để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, xác lập được một hệ thống phòng ngừa rủi ro.
“Để hiện thực hóa được ưu thế đưa thuế suất bằng 0% đối với hầu hết các dòng thuế thì cần sự nỗ lực của nhà nước và doanh nghiệp. Theo đó, cần tiếp tục cải cách thể chế, nội luật hóa được các quy định của EVFTA cũng như các Hiệp định thương mại tự do khác. Nội luật hóa là quá trình không chỉ tuân thủ mà cần phải vận dụng có lợi nhất cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam để thúc đẩy các doanh nghiệp vươn lên và tận dụng được nhiều lợi thế”, ông Vũ Tiến Lộc nói./.
VOV