EVFTA là cơ hội cho các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam thời Covid-19
Ngày 1/8 vừa qua đã đánh mốc Hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu từ EU sang Việt Nam sẽ chính thức được hưởng những ưu đãi về thuế quan theo quy định. Hiệp định cũng quy định sẽ loại bỏ thuế quan đối với 99% hàng hóa giao dịch giữa hai bên.
- 04-08-2020Giải ngân vốn đầu tư công đang có chuyển biến tích cực
- 04-08-2020Hà Nội: Hơn 9.800 doanh nghiệp giải thể, nợ BHXH trên 1.157 tỷ đồng
- 04-08-20205 nhóm ngành có triển vọng lớn thời Covid-19 trong khu vực Đông Nam Á
- 04-08-2020Nikkei: 'Samsung tính toán dịch chuyển dây chuyền sản xuất PC từ Trung Quốc sang Việt Nam'
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) tạo cơ hội cho các hoạt động kinh doanh giữa Việt Nam và châu Âu sẽ trở nên dễ dàng hơn. Các doanh nghiệp châu Âu có thể đầu tư cũng đấu thầu các hợp đồng đầu tư công, có cơ hội cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp địa phương.
Theo Hiệp định EVFTA, lợi ích kinh tế sẽ đi đôi với bảo đảm quyền lao động, bảo vệ môi trường, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thông qua các điều khoản ràng buộc về mặt pháp lý nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen khẳng định: "Hiện tại, châu Âu cần nắm bắt mọi cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng do Covid-19. Các Hiệp định thương mại, điển hình như EVFTA là cơ hội cho các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận các thị trường mới nổi và tạo công ăn việc làm cho người dân. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Hiệp định này cũng là cơ hội cho Việt Nam hướng đến nền kinh tế thịnh vượng hơn".
Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan cho biết: "Việt Nam hiện là một trong 77 quốc gia có giao thương với EU theo các điều kiện ưu đãi song phương. Hiệp định EVFTA cũng giúp tăng cường liên kết kinh tế giữa EU và khu vực Đông Nam Á. Đây là yếu tố quan trọng góp phần phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do Covid-19. Đồng thời, Hiệp định một lần nữa đã khẳng định tầm quan trọng của các chính sách thương mại".
Hiệp định EVFTA là hiệp định thương mại toàn diện nhất trong số các hiệp định mà EU đã ký kết với các quốc gia đang phát triển. Hiệp định cũng đã tính đến nhu cầu phát triển của Việt Nam trong khoảng thời gian 10 năm. Đây là khoảng thời gian được hai bên tính toán kĩ để loại bỏ thuế đối với hàng nhập khẩu của EU.
Những sản phẩm xuất khẩu quan trọng của EU, như dược phẩm, hóa chất, máy móc thiết bị sẽ được miễn thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực. Các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp như thịt bò hoặc dầu ô liu sẽ không phải chịu thuế trong vòng ba năm tới. Đối với các sản phẩm sữa, trái cây và rau quả, thời gian này là 5 năm.
Các doanh nghiệp EU sẽ tăng khả năng tiếp cận thị trường cũng như dễ dàng thông qua các thủ tục nhờ vào các quy định toàn diện về hợp tác vệ sinh và kiểm dịch thực vật. EVFTA cũng có các quy định cụ thể để giải quyết các rào cản pháp lý đối với xuất khẩu xe hơi của EU, cũng như cam kết về bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống truyền thống của châu Âu, như phô-mai Roquefort, rượu vang Porto và Jerez, rượu vang Ireland hoặc Prosciutto di Parma.
Thêm vào đó, hiệp định EVFTA cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của cả hai bên đối với môi trường và các quyền xã hội. Hiệp định đã đặt ra những tiêu chuẩn cao về bảo hộ lao động, môi trường và người tiêu dùng, đảm bảo rằng các doanh nghiệp không giảm chi phí bằng cách trả lương thấp hay người lao động phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ.
Theo Hiệp định, hai bên đã cam kết phê chuẩn và thực hiện 8 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc của ILO liên quan đến các quyền lao động; thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu, cũng như các thỏa thuận môi trường quốc tế khác; ủng hộ việc bảo tồn và quản lý bền vững động vật hoang dã, đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản...
Việt Nam đã đạt được tiến bộ về các cam kết này bằng cách phê chuẩn Công ước ILO 98 về thương lượng tập thể tháng 6/2019 và Công ước ILO 105 về lao động cưỡng bức vào tháng 6/2020. Việt Nam cũng đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi vào tháng 11/2019 và xác nhận rằng sẽ phê chuẩn một số Công ước cơ bản còn lại của ILO vào năm 2023.
Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các liên kết về thể chế và pháp lý với Thỏa thuận Hợp tác và Đối tác EU - Việt Nam, cho phép hành động thích hợp trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng quyền con người.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU trong ASEAN, sau Singapore, với kim ngạch thương mại trị giá 45,5 tỷ euro vào năm 2019 và thương mại dịch vụ khoảng 4 tỷ euro trong năm 2018.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là sản phẩm điện tử, giày dép, dệt may và quần áo, cũng như cà phê, gạo, hải sản và đồ nội thất. Các mặt hàng xuất khẩu chính của EU sang Việt Nam là sản phẩm công nghệ cao như máy móc và thiết bị điện, máy bay và dược phẩm.
EVFTA là hiệp định thương mại tự do thứ 2 mà EU ký kết với một quốc gia thành viên ASEAN, sau Singapore. Đây là một mốc quan trọng trong mối quan hệ của EU với châu Á, cùng với các thỏa thuận với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhịp sống kinh tế