EVFTA là một bước đi trong chiến thuật "hướng ngoại" của EU
Động lực đa phương của EU hứa hẹn nhiều cơ hội hơn cho không chỉ Việt Nam mà là cả Đông Nam Á.
- 15-07-2019Một trong năm quốc gia có tầng lớp trung lưu trỗi dậy mạnh mẽ, Việt Nam được hưởng lợi như thế nào?
- 15-07-2019Bloomberg: Vì sao nhà cung cấp cho Nike đổi ý, không tập trung vào Việt Nam?
- 14-07-2019Formosa tiếp tục kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, không bị ảnh hưởng bởi thuế từ ông Trump
Ngày 30/6 vừa qua, Việt Nam và EU đã chính thức ký kết EVFTA. Việt Nam trở thành thành viên thứ hai của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Singapore, ký kết một hiệp định thương mại lớn với EU. Thỏa thuận này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với mối quan hệ của Việt Nam với châu Âu, mà còn đối với vai trò của EU ở Đông Nam Á.
Lợi ích kinh tế và hình ảnh châu Âu thiện chí
Lợi ích kinh tế là quá rõ ràng cho cả hai bên, với việc dự kiến giảm tới 99% thuế quan. Ngay từ thời điểm hiệp định có hiệu lực, khoảng 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế, và hầu hết các ngành hàng còn lại sẽ được tự do hóa thương mại hoàn toàn trong 10 năm tới. Đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, 71% hàng xuất khẩu sẽ được miễn thuế ngay từ ngày đầu tiên, và tất cả các mặt hàng sẽ được tự do hóa tới 99% trong vòng bảy năm.
Nhưng quan trọng hơn cả thế, là từ quan điểm của châu Âu, thỏa thuận này cho phép EU tăng cường hơn nữa vai trò của mình với tư cách là người bảo vệ cho một nền thương mại tự do và đa phương. Trong khi ngay tại thời điểm này, chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Donald Trump và một cuộc xung đột thương mại cố thủ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn đang gây ra những biến động khôn lường trên toàn cầu.
Thật vậy, sự tương phản giữa cách tiếp cận mà ông Trump và EU theo đuổi ngày càng lớn. Cuộc xung đột thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ là một trong những điểm nhấn chính của bức tranh tương phản đó.
Như Tạp chí Phố Wall giải thích, trong khi xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ giảm 12,3% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ, thì Việt Nam đã tăng 36,4%, với các nhà xuất khẩu Việt Nam thúc đẩy thương mại chuyển hướng và thay đổi chuỗi cung cung ứng.
Một phân tích gần đây của ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản cho thấy Việt Nam là quốc gia chiến thắng lớn nhất kể từ khi cuộc xung đột nổ ra cho đến nay và Đài Loan là người hưởng lợi lớn thứ hai từ chuyển hướng thương mại.
Việt Nam không chỉ thu được trực tiếp từ cuộc xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà giờ đây còn được hưởng lợi thông qua thỏa thuận với EU, một phần do mong muốn của châu Âu để thể hiện một hình ảnh ủng hộ thương mại tự do hàng đầu .
Trong những tháng gần đây, ủy viên thương mại EU, bà Cecilia Malmström, ngày càng thẳng thắn về tham vọng của EU trong bối cảnh này. Tóm tắt thỏa thuận với Việt Nam, bà tuyên bố rằng châu Âu đã gửi tín hiệu rất mạnh mẽ rằng "Chúng tôi tin vào tự do thương mại".
Chiến lược hướng ngoại
Việc Anh sắp rời khỏi Liên minh châu Âu, (mặc dù chưa được bảo đảm chắc chắn) sẽ diễn ra vào cuối tháng 10, cũng đã tạo động lực mới cho châu Âu thiết lập quan hệ đối tác mới. Có những lo ngại thực sự Vương quốc Anh có thể rời khỏi EU mà không cần đàm phán một thỏa thuận thay thế, và quá trình này sẽ gây thiệt hại cho cả nền kinh tế Anh và châu Âu. Nhưng sự thúc đẩy của EU với các hiệp định thương mại tự do có vẻ như là động thái để phản ứng với Brexit về kinh tế.
Một lập luận quan trọng được đưa ra bởi những người ủng hộ Brexit là: bằng cách rút khỏi liên minh hải quan của EU, quốc gia này sẽ có thể đàm phán các thỏa thuận của riêng mình trên toàn thế giới.
Điều này tạo thành một thách thức trực tiếp đối với một trong những cơ sở chính cho sự tồn tại của EU - lợi ích của việc củng cố chủ quyền như một khối thương mại. Nếu vậy thì không có gì ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo châu Âu đã tăng gấp đôi nỗ lực để ký kết các thỏa thuận thương mại tự do với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, kể từ đó.
Do đó, cả những nguyên nhân khách quan như xung đột thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ và cả thách thức nội bộ tạo ra đang thúc đẩy EU ký kết các thỏa thuận thương mại tự do trên toàn thế giới. Các công ty châu Âu đang rất tích cực thâm nhập thị trường tiềm năng châu Á. Cùng với Việt Nam và Mercosur, EU cũng đã hoàn thành một thỏa thuận với Nhật Bản.
Trong khi đó, nước Anh, về phần mình, có thể sớm tìm cách thiết lập các cuộc đàm phán của riêng mình với các quốc gia ASEAN khi rời EU. Trước đây, với tư cách thành viên EU, Anh đã tham gia vào khoảng 40 hiệp định thương mại trên 70 quốc gia trên toàn thế giới.
Bài toán cân bằng lợi ích
Mục tiêu dài hạn của EU tại Đông Nam Á là sử dụng các thỏa thuận song phương với các thành viên ASEAN để hướng tới một hiệp định thương mại tự do giữa các khu vực. Theo sau Singapore và Việt Nam, mục tiêu tiếp theo có khả năng sẽ là Indonesia.Tuy nhiên, để các thỏa thuận mới được hiện thực hóa, EU sẽ cần các đối tác sẵn sàng cho điều đó. Quan hệ của EU với Indonesia và Malaysia đã bị ảnh hưởng đáng đáng kể bởi lệnh cấm của EU đối với việc sử dụng nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ.
Khoảng 40% dầu cọ nhập khẩu ở EU được sử dụng làm nhiên liệu, một di sản của các mục tiêu trước đây của EU nhằm khuyến khích việc sử dụng nhiên liệu vận tải có nguồn gốc từ các nguồn tái tạo. Đề xuất loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ dầu cọ bắt nguồn từ mối lo ngại về nạn phá rừng. Với Indonesia và Malaysia - hai quốc gia chiếm hơn 80% sản lượng dầu cọ toàn cầu, lệnh cấm này đã làm mất đi triển vọng đột phá về thương mại.
Vụ dầu cọ nhấn mạnh một trong những động lực cơ bản ở trung tâm của chính sách thương mại của EU. Trong khi nhiều quốc gia châu Âu coi các thỏa thuận thương mại chỉ đơn giản là công cụ để tăng thêm lợi ích kinh tế, thì những quốc gia khác cho rằng nên sử dụng các thỏa thuận thương mại để khuyến khích đạt được các mục tiêu xã hội, như tăng cường bảo vệ môi trường và nhân quyền. Đạo luật cân bằng này có một biểu hiện trong hầu hết các mối quan hệ đối ngoại của EU trên toàn thế giới, từ Đông Nam Á đến Bắc Cực .
Bất kể điều gì xảy ra tiếp theo, Việt Nam đã chứng tỏ vai trò của mình một cách rõ nét từ những phát triển gần đây trong thương mại toàn cầu. EVFTA có thể chưa phải là điểm dừng.