MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EVN kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư điện mặt trời mái nhà cho hộ gia đình

"Với hộ thu nhập thấp, điện mặt trời mái nhà còn xa vời" - ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng Ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói tại Tọa đàm Pháp triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: lợi ích, nút thắt, giải pháp và tháo gỡ.

Ông Trần Viết Nguyên cho biết: Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, mỗi kWp (kilowatt-peak) công suất của điện mặt trời áp mái có thể tạo ra 1.200-1.500kWh/năm. Với giá khuyến khích Chính phủ ban hành thì có thể tạo ra khoảng 15 triệu đồng/kWp.

Cũng theo World Bank, chỉ riêng ở Đà Nẵng và TP. HCM thì tiềm năng công suất để lắp đặt phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) có thể lên tới 7.000 MW công suất.

EVN kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư điện mặt trời mái nhà cho hộ gia đình - Ảnh 1.

Hiện nay, Viện năng lượng của Bộ Công thương đang xây dựng đề án Quy hoạch, phát triển Năng lượng tái tạo quốc gia, trong đó có đề cập đến tiềm năng phát triển điện mặt trời nói chung. Trong đó riêng ĐMTMN tiềm năng có thể lên tới gần 50.000 MW công suất. Tổng công suất điện mặt trời nói chung đã là trên 400 GWp. Đây là tiềm năng rất lớn mà trong giai đoạn tới chúng ta cần có giải pháp đột phá, hướng tới mục tiêu đạt được lượng công suất lắp đặt này trên toàn quốc.

EVN thực hiện đấu nối lắp đặt công tơ hai chiều và ký kết hợp đồng, theo dõi phát triển ĐMTMN ở Việt Nam. Từ tháng 6/2020, cả nước đã đạt được trên 700 MWp công suất ĐMTMN và trong tháng 8 đã vượt đích 1.000 MWp công suất ĐMTMN đã được lắp đặt. Trong tổng số đó, có hơn 42.000 dự án là hộ gia đình lắp đặt ĐMTMN. Riêng hộ gia đình đã chiếm tới 93% trong tổng số 45.000 dự án ĐMTMN đã được EVN, các đơn vị điện lực thanh toán tiền điện.

EVN kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư điện mặt trời mái nhà cho hộ gia đình - Ảnh 2.

Việc phát triển ĐMTMN ngoài hiệu quả về kinh tế, đầu tư, tiết kiệm năng lượng thì còn tham gia tích cực vào bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, phát triển ĐMTMN ở Việt Nam vẫn còn khá mới so với các nước phát triển, họ đi xa hơn chúng ta tới 20 năm. Như vậy, chúng ta cũng có một vài bất cập nhất định. Ông Nguyên nêu: "Hiện nay, công tác truyền thông và quảng bá, mặc dù EVN và GreenID cũng nỗ lực rất nhiều nhưng qua khảo sát, đánh giá thì để người dân hiểu ĐMTMN là gì và làm sao lắp đặt, công tác truyền thông của ta còn yếu".

Ông Nguyên cho rằng loại hình này còn mới so với thị trường Việt Nam, nên một số khách hàng dù biết tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà rất tốt nhưng để họ đầu tư, lựa chọn sản phẩm, thiết bị chất lượng cao, chọn nhà thầu lắp đặt, thu xếp vốn đầu tư thì vẫn còn chưa rõ và ngần ngại.

Về chi phí lắp đặt, giá thiết bị ĐMTMN đã giảm đáng kể trong 2 năm gần đây so với các năm trước. Dù vậy, với vật tư thiết bị chất lượng cao, 1 kWp công suất của hệ thống ĐMTMN có thể từ 15-20 triệu đồng. Như vậy, chi phí vẫn còn cao so với thu nhập bình quân của người Việt Nam, đặc biệt là với hộ gia đình đang có thu nhập thấp đến trung bình. Như vậy cũng đòi hỏi giải pháp thu xếp tài chính, hỗ trợ cho hộ gia đình có thu nhập thấp và muốn sử dụng năng lượng xanh để được đầu tư.

"Đối tượng hộ gia đình này ở Việt Nam tương đối nhiều, chưa nói đến nông thôn, vùng sâu vùng xa" - ông Nguyên nhận định.

Ở một số địa phương, đặc biệt là trong TP. HCM, Sở Xây dựng, UBND TP cũng rất lo ngại về vấn đề an toàn và mỹ quan đô thị khi lắp đặt ĐMTMN ở các công trình xây dựng. Nên có thể cũng cần quy định liên quan đến giấy phép xây dựng cho lắp đặt ĐMTMN.

Về giải tỏa công suất, trước đó, điện mặt trời nông trại ở khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận chỉ trong thời gian rất ngắn đã lắp đặt tới 5.000 MW công suất, việc giải tỏa công suất cho các dự án phát triển nhanh như vậy cũng là áp lực lớn đối với EVN. Bây giờ là câu chuyện của ĐMTMN, với các ưu đãi hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư sẽ lựa chọn khu vực tiềm năng để phát triển ĐMTMN, đặc biệt là khu vực miền Trung trở vào, dẫn tới khó khăn giải tỏa công suất lưới điện hạ áp và trung áp để áp ứng nhu cầu khách hàng.

Từ đó đại diện EVN nêu ra 8 kiến nghị:

1. Truyền thông, quảng bá mạnh mẽ điện mặt trời áp mái nhà (ĐMTAMN).

2. Chính phủ khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố lắp đặt ĐMTAMN.

3. Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu nhằm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt ĐMTAMN.

4. Bộ Công thương, Bộ KH&CN sớm ban hành tiêu chuẩn ĐMTAMN.

5. Ngân hàng, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng vào ĐMTAMN Việt Nam.

6. Nhà sản xuất, cung cấp VTTB, lắp đặt phối hợp tuyên truyền, quảng bá ĐMTAMN.

7. Nhà đầu tư, sản xuất, cung cấp, lắp đặt phối hợp EVN, các đơn vị Điện lực cung cấp các giải pháp, gói dịch vụ hấp dẫn cho khách hàng.

8. Bộ Công thương sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN hộ gia đình, KCN, TTTM, cơ sở HCNS... giai đoạn sau 31/12/2020.

H.S

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên