Eximbank không còn là cổ đông lớn của Sacombank
Ngày Eximbank chính thức "làm gì với cổ phiếu STB" cũng không cần phải báo cáo nữa là ngày 5/1/2018.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB) vừa có thông báo cho biết Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) đã chính thức không còn là cổ đông lớn của ngân hàng này.
Cụ thể, qua hàng loạt đợt bán cổ phần từ tháng 11/2017 tới nay thì Eximbank hiện chỉ còn nắm hơn 88,4 triệu cổ phiếu STB, tương tương tỷ lệ nắm giữ 4,91% vốn cổ phần có quyền biểu quyết.
Ngày chính thức Eximbank "làm gì với cổ phiếu STB cũng không cần phải báo cáo" nữa là ngày 5/1/2018.
Như vậy "mối lương duyên" giữa Sacombank và Eximbank đã nhạt phai sau 6 năm mặn nồng. Còn nhớ sự việc Eximbank nhảy vào Sacombank, trở thành "người quan trọng nhất" của Sacombank là thương vụ nhận chuyển nhượng hơn 103 triệu cổ phiếu STB từ phía ANZ hồi đầu tháng 1/2012.
Sau khi trở thành cổ đông lớn, Eximbank cử ông Phạm Hữu Phú sang làm đại diện vốn và trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng này. Thậm chí thời điểm ấy, một tương lai đầy hứa hẹn cũng đã được hai ngân hàng vạch ra với thỏa thuận hợp tác toàn diện cùng khả năng sáp nhập để trở thành một ngân hàng tầm cỡ khu vực.
Thế nhưng, Eximbank sau đó lại rơi vào khó khăn với cuộc khủng hoảng về nhân sự cấp cao do sự không đồng lòng của các nhóm cổ đông. Người ta rồi cũng nhận ra sự sáp nhập hay có một quan hệ gì đó lớn hơn bình thường là điều không thể. Hồi năm 2015, Eximbank còn được đồn đoán rằng sẽ bị thâu tóm bởi một ngân hàng nhỏ hơn rất nhiều, thế nhưng rồi sự việc cũng bất thành.
Còn với Sacombank, sau 2 năm làm chủ tịch, ông Phạm Hữu Phú nói lời chia tay rồi trở lại Eximbank làm Tổng giám đốc. Sacombank bị thâu tóm bởi nhóm cổ đông mới với đại diện là ông Trầm Bê. Ông Trầm Bê làm Phó chủ tịch thường trực HĐQT của ngân hàng, cùng với một loạt lãnh đạo của Phương Nam cũng được điều sang làm sếp ở Sacombank. Song trong quá trình hoạt động, ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang- cựu Tổng giám đốc ngân hàng, được cho là đã có những sai phạm làm thiệt hại cho Ngân hàng Xây Dựng, nên đã bị bắt giữ và thời điểm này đang phải hầu tòa trong đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2.
Mốc năm 2015 cũng là thời điểm ngân hàng Phương Nam chính thức nhập vào Sacombank, hai ngân hàng cùng một chủ trở thành một. Nhưng sự sáp nhập này là cuộc tác hợp không tương xứng bởi Phương Nam quá yếu kém với nợ xấu chiếm hơn một nửa tổng dư nợ, đã kéo theo cả con thuyền Sacombank - vốn đang băng băng về phía trước khi ấy, phải dừng lại rồi đi lùi và buộc phải tái cơ cấu.
Đến giữa năm 2017, phương án tái cơ cấu ngân hàng hậu sáp nhập mới được NHNN phê duyệt, Sacombank tìm được ông chủ mới là ông Dương Công Minh đến từ Him Lam. Với những tiềm lực về tài chính và năng lực chuyên môn, sau 6 tháng nhận ghế nóng, ông Dương Công Minh đã giúp ngân hàng xử lý nợ xấu được hơn 19.000 tỷ và đem về lợi nhuận trước thuế trên 1.000 tỷ đồng cùng với những chính sách mới đãi ngộ cho nhân viên. Triển vọng tái cơ cấu của Sacombank đang trở nên lạc quan hơn.
Nhờ những tín hiệu tốt, cùng với bức tranh chung của thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Sacombank cũng tăng nhanh chóng, hiện đã gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái. Và việc Eximbank thoái vốn lần này cũng được xem là rất thành công khi cổ phiếu Sacombank đang ở vùng cao nhất trong gần 4 năm với gần 16.000 đồng/cổ phiếu.
Cho đến nay, cả hai từng dự định sẽ về một nhà 6 năm trước ấy đều đang phải nỗ lực tái cơ cấu theo con đường riêng của mình, với Eximbank là dự án "New Eximbank" và Sacombank là đề án xử lý tồn đọng với trọng tâm là xóa nợ xấu với khoảng thời gian 5 - 10 năm.
Diễn biến giá cổ phiếu Sacombank trong 6 tháng trở lại đây
Trí Thức Trẻ